Thủ tướng:
Xử lý dứt điểm tồn đọng kéo dài tại các dự án thuộc Ủy ban Quản lý vốn
(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng tại các dự án, doanh nghiệp đã kéo dài nhiều năm.
Xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 12 về nhiệm vụ, giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy nguồn lực đầu tư của 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trực thuộc.
Tại Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch triển khai kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục hoàn thiện và đổi mới hoạt động của Ủy ban theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, trước ngày 15/5 tới.
Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng đã kéo dài nhiều năm, nhất là các vấn đề đã có thời hạn yêu cầu trình Ban cán sự đảng Chính phủ, Bộ Chính trị, trong đó, phải hoàn thành xử lý dứt điểm trong tháng 5 đối với các dự án, doanh nghiệp: Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên, Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước khẩn trương phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền phê duyệt, hoàn thành trước ngày 30/5 tới về chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trực thuộc.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phê duyệt kế hoạch, chương trình, đặc biệt là kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trực thuộc.
Chủ động triển khai các dự án mới để đầu tư
Chỉ thị cũng yêu cầu, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trực thuộc Ủy ban nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao là quản lý vốn, tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao nhất vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tạo ra khí thế, tư duy mới... để quyết tâm làm, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp, các ngành.
Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước tiếp tục cơ cấu lại doanh nghiệp theo đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó chú trọng việc đổi mới mô hình quản trị kinh doanh theo hướng hiện đại, thích ứng với điều kiện mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm.
Đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm của Nhà nước trong các lĩnh vực quan trọng theo chiến lược, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và giải ngân vốn đầu tư kịp thời để đẩy nhanh tiến độ. Nghiên cứu, gia tăng đầu tư cho đổi mới sáng tạo, ngành, lĩnh vực mới nổi.
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực. Các bộ, cơ quan liên quan tích cực, kịp thời phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc để khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh thuộc chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý Nhà nước của bộ, cơ quan trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại nhà, đất... của doanh nghiệp.
Thủ tướng giao các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền để phân cấp mạnh mẽ hơn cho các cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc thực hiện các quyền của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước về công tác quản lý vốn Nhà nước và việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước.