Xử lý doanh nghiệp nợ thuế: Nguy cơ mất trắng hơn 30 nghìn tỷ đồng
Tính đến nay, doanh nghiệp trên cả nước còn nợ hơn 30.000 tỷ đồng thuế, không còn khả năng nộp. Chuyên gia lo ngại, nếu chính sách liên quan không chặt chẽ sẽ là cớ để các doanh nghiệp chây ì nợ thuế, khiến số tiền nợ ngày càng tăng, nguy cơ nhà nước mất trắng hàng chục nghìn
Được xóa nợ, muốn quay lại kinh doanh phải hoàn trả
Luật Quản lý thuế sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, quy định cụ thể các trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Theo đó, các trường hợp được xóa nợ gồm người có nghĩa vụ nộp thuế đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không còn tài sản, kể cả tài sản được thừa kế để nộp hoặc đã bị phá sản theo quyết định của Tòa án và không còn tài sản để nộp thuế.
Trường hợp khác, người nộp thuế đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh, cơ quan thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế thu nợ nhưng người nộp thuế không còn tài sản để nộp thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp còn nợ và khoản nợ thuế đã quá 10 năm không còn khả năng thu hồi.
“Những trường hợp được đề nghị xóa cần xét rất cẩn thận, nguyên nhân doanh nghiệp nợ thuế do khách quan hay chủ quan, tránh tình trạng lạm dụng gây thất thoát của Nhà nước”.
PGS.TS Ngô Trí Long
Theo Tổng cục Thuế, quy định trên cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, hầu hết các nước trên thế giới đều có cơ chế để thực hiện xóa nợ cho những khoản nợ thuế không còn khả năng thu hồi.
Tuy nhiên, để đảm bảo chặt chẽ trong việc thực hiện xóa nợ đọng thuế, tránh lợi dụng gây thất thu ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế sửa đổi đã quy định trách nhiệm của người nộp thuế đã được xóa nợ. Theo đó, nếu muốn quay lại kinh doanh thì trước đó hoặc khi thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh mới, người nộp thuế phải hoàn trả cho Nhà nước khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xóa.
Một nội dung khác được quan tâm là hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp người nợ thuế xuất cảnh. Luật Quản lý thuế quy định: Trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.
Nguy cơ mất trắng hơn 30.000 tỷ đồng
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, tổng số tiền nợ thuế tính đến hết tháng 6 là hơn 80.000 tỷ đồng, trong đó nợ không còn khả năng thu hồi hơn 30.000 tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng số nợ thuế. Số nợ không có khả năng thu hồi đang là thách thức không nhỏ với ngành Thuế khi con số gia tăng hằng ngày, hằng tháng, dẫn đến gây lãng phí nhân sự quản lý và làm mất cân đối cán cân thu ngân sách nhà nước. Dự kiến số nợ thuế này sẽ được xóa trong thời gian tới khi Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung có hiệu lực.
PGS. TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc xóa nợ thuế, xóa tiền phạt, xóa tiền chậm nộp thuế về mặt chủ trương là hoàn toàn phù hợp, bởi nhiều doanh nghiệp bị phá sản do thiên tai, lũ lụt hay bị thu hồi giấy phép kinh doanh… dù không xóa nợ thì khả năng thu được cũng gần như bằng không. Tuy nhiên, theo ông Long quá trình thực thi phải đảm bảo công khai minh bạch và công bằng.
“Những trường hợp được đề nghị xóa cần xét rất cẩn thận, nguyên nhân doanh nghiệp nợ thuế do khách quan hay chủ quan, tránh tình trạng lạm dụng gây thất thoát của Nhà nước”, PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, các quy định hướng dẫn dưới luật cần chặt chẽ để tránh tình trạng chây ì nợ thuế, chờ đợi được xóa nợ. Thực tế vừa qua cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp gian lận, tẩu tán tài sản, chủ nước ngoài bỏ trốn về nước nhằm tránh nghĩa vụ thuế. Do đó, bên cạnh luật cần chặt chẽ, luật sư Tú cho rằng, việc phối hợp trao đổi giữa các cơ quan chức năng cần tốt hơn. Bên cạnh đó, cần công khai, minh bạch tránh tình trạng doanh nghiệp bắt tay cán bộ thuế, cơ quan được ra quyết định xóa nợ thuế để tham nhũng tiền ngân sách nhà nước.
Theo Tuấn Nguyễn
Tiền Phong