Xông đất nhà đầu tư số một ra nước ngoài Đoàn Nguyên Đức

Năm 2006, ông Đoàn Nguyên Đức cổ phần hóa Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Việc làm đúng thời cơ khiến HAGL phát triển nhanh chóng. Đến nay Chủ tịch HĐQT HAGL lại chủ trương tái cơ cấu lại tập đoàn.

Xông đất nhà đầu tư số một ra nước ngoài Đoàn Nguyên Đức - 1
Ông Đoàn Nguyên Đức
 
Thưa ông vì sao đang điều hành trực tiếp mấy chục công ty, HAGL lại tái cơ cấu doanh nghiệp, thành lập 5 tổng công ty, có mất quyền quản lý trực tiếp của Chủ tịch HĐQT tập đoàn?

Sau hơn 4 năm Công ty CP HAGL hoạt động, tổng vốn điều lệ lớn mạnh nhanh chóng thông qua việc hình thành hơn 40 doanh nghiệp vệ tinh trực thuộc. Số vốn điều lệ ban đầu 270 tỷ đồng đến nay tổng vốn điều lệ của Cty CP HAGL tăng lên 2.925 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 8.000 tỷ đồng; tổng tài sản 15.942 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp này hoạt động trên nhiều lĩnh vực: Sản xuất đồ gỗ, đá granít, kinh doanh bất động sản, bóng đá, khách sạn, trồng cao su, thủy điện… khiến công ty mẹ quản lý chéo những lĩnh vực không thuộc chuyên môn của mình. Điều này ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều hành chung, nhất là sự minh bạch.

Tập đoàn HAGL đã quyết định tái cơ cấu doanh nghiệp thành lập 5 tổng công ty trực thuộc bao gồm: Tổng công ty bất động sản; Tổng công ty gỗ; Tổng công ty cao su; Tổng công ty khoáng sản; Tổng công ty thuỷ điện.

Tính pháp lý của tổng công ty con này thế nào, liệu hình thành các tổng công ty có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của Cty CP HAGL mà các cổ đông đang nắm giữ?

Thực chất với quy mô doanh nghiệp đầu tư đa ngành nghề như thời gian qua HAGL đã mang dáng dấp một tập đoàn kinh tế trong nước. Tuy nhiên như các tập đoàn khác chúng tôi hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Đến nay tôi cho rằng mô hình này không còn phù hợp mà phải là Tập đoàn - Tổng công ty - công ty. Các tổng công ty cũng có HĐQT điều hành trực tiếp các công ty con của mình. Sự chuyên nghiệp của các tổng công ty giúp họ làm ăn hiệu quả, minh bạch hơn.

Khi tái cơ cấu lại tập đoàn, quyền lợi của các cổ đông HAGL lâu nay vẫn giữ nguyên và sẽ hiệu quả hơn. Các tổng công ty tự kinh doanh, có tổng công ty giá cổ phiếu cao hơn tổng công ty khác, hiệu quả chung của chúng làm nên giá trị cổ phiếu tập đoàn. Thực chất hoạt động công ty mẹ - công ty con lâu nay vẫn vậy.

HAGL đang là doanh nghiệp đi tiên phong đầu tư ra nước ngoài. Với số vốn 500 triệu USD đăng ký đầu tư ra ngoài lãnh thổ VN. Ông đánh giá doanh nghiệp mình ở tầm nào so với các doanh nghiệp tư nhân khác đầu tư ra nước ngoài?

HAGL đang có nhiều dự án đầu tư ở Lào, Campuchia và Thái Lan, chúng tôi đang là nhà đầu tư tư nhân số 1 Việt Nam ra nước ngoài! Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu gồm: Trồng cao su, khai thác khoáng sản, xây dựng thuỷ điện.

Về cao su ở Lào sẽ trồng 25.000ha, Campuchia: 15.000ha; và 8000 ha ở Tây Nguyên nâng tổng diện tích cao su của tập đoàn đến năm 2012 là 51.000ha.

Hiện chúng tôi đã đầu tư khai thác mỏ sắt ở Lào trữ lượng khoảng 20 triệu tấn, ở Campuchia 30 triệu tấn. Mục tiêu là khai thác và chế biến 60 triệu tấn quặng sắt, trong đó tại các mỏ ở Tây Nguyên, Thanh Hoá 10 triệu tấn. Ước tính doanh thu từ 60 triệu tấn quặng sắt khoảng 7,2 tỷ USD.

Về thuỷ điện đầu tư ra nước ngoài chúng tôi cũng đang chuẩn bị khởi công thuỷ điện Nậm Kông ở Lào công suất 140 MW. HAGL được cấp 17 dự án thuỷ điện ở Tây Nguyên, Thanh Hoá, Lào tổng công suất 420MW, tổng vốn đầu tư 7.569 tỷ đồng. Ở Thái Lan, HAGL từ nhiều năm nay đã đầu tư dự án bất động sản tại thủ đô Bang Kok.

Thưa ông hiện nay nhiều doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn khi ngân hàng siết chặt giải ngân. Tình hình tài chính HAGL thế nào?

Dự báo trước những khó khăn về tài chính vào dịp cuối năm nay đầu năm tới nên từ giữa năm chúng tôi đã tăng cường huy động vốn bằng việc phát hành 60 triệu USD trái phiếu chuyển đổi. Chúng tôi dự kiến sắp tới sẽ phát hành 200 triệu USD trái phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện tại HAGL có trong tài khoản 2.800 tỷ đồng. Đây là phần vốn dành đầu tư cho các dự án cao su, thủy điện, khoáng sản của tập đoàn trong năm tới. Nguồn vốn này hình thành ngoài vốn huy động trái phiếu còn có phần lợi nhuận để lại trong năm 2010, nguồn thu từ các dự án bất động sản đã bán trả dần từ năm 2009. Vì thế HAGL không lo thiếu vốn.

Được biết dự án suối Hội Phú các nhà đầu tư khác không mặn mà nhưng HAGL lại có đơn tham gia từ một năm nay. Kết quả thế nào thưa ông?

Suối Hội Phú chảy giữa lòng thành phố Pleiku uốn lượn rất đẹp nhưng nếu không được đầu tư sớm để dân xâm lấn tương lai sẽ là kênh nước đen gây ô nhiễm cho thành phố. Việc đầu tư dự án này theo tôi cần phải làm sớm vừa đẹp vừa làm văn minh đô thị.

Đầu tư dự án này hiệu quả kinh tế không cao bởi tính thanh khoản thị trường bất động sản ở Gia Lai rất thấp. Tuy nhiên HAGL vẫn đăng ký tham gia dự án suối Hội Phú bởi chúng tôi muốn để lại dấu ấn cho quê hương nơi mình sinh sống. Tôi hy vọng là năm mới này mọi việc sẽ thuận lợi.

Xin cám ơn ông.

Theo Huỳnh Kiên
Báo Tiền phong