Xóa bỏ trần lãi suất: Đến lúc hay chưa?

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng, các chính sách hiện nay của NHNN vẫn mới chỉ là mang tính “chữa cháy ngắn hạn”, sớm hay muộn vẫn nên bỏ trần lãi suất để thiết lập đường cong lãi suất bình thường cho thị trường.


Xóa bỏ trần lãi suất: Đến lúc hay chưa?

NHNN cần loại bỏ các biến dạng hiện có trong thị trường tín dụng và lãi suất.

Tại buổi tọa đàm “Hướng tới ổn định tài chính quốc gia và tái cơ cấu nền kinh tế” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tổ chức mới đây, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTC) Vũ Viết Ngoạn cho rằng, chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ còn tiếp tục được áp dụng trong suốt cả năm 2012 này mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa giảm 1% đối với các lãi suất điều hành trong nỗ lực giảm gánh nặng lãi suất cho hầu hết các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Thực tế thì trước quyết định này của NHNN, nhiều đánh giá đã cho rằng, các chính sách của NHNN hiện nay chỉ nhằm mục đích “chữa cháy ngắn hạn” thông qua các biện pháp hành chính đã kéo dài khá lâu như tạm ổn định tỷ giá, lãi suất có chiều hướng xuống nhờ trần lãi suất, phân bổ tín dụng giữa các ngân hàng do NHNN ấn định để cứu hệ thống ngân hàng...

Các công cụ này được lầm tưởng là đang có tác động tốt cho nền kinh tế nhưng chúng chỉ mang tính cách tạm thời thiếu bền vững.

Tuy nhiên, theo ông Ngoạn, quyết định này của NHNN có thể hiểu được trong bối cảnh các chỉ số vĩ mô đang phần nào được cải thiện. Cụ thể, lạm phát đã tăng chậm lại từ quý IV năm ngoái, giá vàng trong nước tạm ổn định so với giá thế giới, tỷ giá ổn định phần, nhu cầu nhập khẩu xuống thấp, chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán tăng mạnh trên 25% từ sau Tết…

Mặc dù vậy, ông vẫn cho rằng điều quan trọng hơn là cần thiết phải giảm tổng cầu trong nền kinh tế nếu thực sự muốn kiềm soát lạm phát.

Chính sách tài khóa phải tiếp tục được thắt chặt hơn nữa. Trong khi đó, nếu muốn hỗ trợ doanh nghiệp thì có thể giảm thuế (chẳng hạn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 20%) để khuyến khích đầu tư và sản xuất trong khu vực tư nhân. Điều này khiến thu ngân sách giảm sút, bù lại, phải giảm chi mạnh hơn nữa (bao gồm tiêu thường xuyên của ngân sách và chi cho đầu tư công) để giới hạn tỷ lệ bội chi ngân sách so GDP.

Khuyến nghị áp chính sách dự trữ bắt buộc

Người đứng đầu UBGSTC cũng đưa ra đề xuất, NHNN nên dựa nhiều hơn vào công cụ thị trường mở và chính sách dự trữ bắt buộc (đặc biệt là với các khoản tiền gửi ngoại tệ) để kiểm soát cung tiền. Kèm theo đó, nên tác động giảm lãi suất để thiết lập lại đường cong lãi suất bình thường và loại bỏ các biến dạng hiện có trong thị trường tín dụng và lãi suất.

Khi thanh khoản trong hệ thống ngân hàng ổn định trở lại, NHNN cần xóa bỏ trần lãi suất để nâng cao vai trò của cơ chế thị trường trong hệ thống ngân hàng, hơn là việc áp dụng các công cụ hành chính mà kèm theo đó là nhiều tác dụng phụ.

Theo ý kiến của ông Ngoạn thì sự phối hợp chính sách trên cũng là để giảm hiệu ứng chèn ép của khu vực quốc doanh đối với khu vực tư nhân. Và theo đó, quyết định kiểm soát chặt hơn trong chi tiêu tài khóa nên được áp dụng ngay từ quý II năm nay và trong lập dự toán ngân sách năm 2013.

Cùng ý kiến với đại diện UBGSTC, TS. Phạm Đỗ Chí, chuyên gia Chương trình Star Plus (Chương trình hỗ trợ thúc đẩy thương mại Mỹ), cũng cho rằng, Chính phủ cần tăng cường điều hành thị trường tiền tệ và thị trường ngoại hối bằng công cụ tiền tệ, phù hợp với thị trường và bỏ sớm hay hạn chế sử dụng công cụ hành chính.

Cụ thể, tương tự như ý kiến ông Ngoạn, ông Chí đề xuất NHNN nên dựa nhiều hơn vào thị trường mở và chính sách dự trữ bắt buộc (đặc biệt là với các khoản tiền gửi ngoại tệ) để kiểm soát cung tiền. Cùng với đó, sớm bỏ trần lãi suất để thiết lập lại đường cong lãi suất bình thường.

Xóa bỏ trần lãi suất: Đến lúc hay chưa?
Việc áp dụng các công cụ hành chính sẽ kèm theo tác dụng phụ.

Có thể bỏ trần lãi suất trong vài tháng tới

Để giải quyết tận gốc bài toán hạ lãi suất, ông Chí cho rằng, cơ quan điều hành cần phải có sự phối hợp chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa chặt chẽ: quy định lãi suất tái chiết khấu ở mức trung hòa được với lãi suất tín phiếu NHNN, lãi suất trái phiếu Chính phủ và lãi suất tín phiếu kho bạc mà ngân hàng thương mại mua.

Ông cũng đánh giá rằng, việc phát hành tín phiếu NHNN là cần thiết và nên tiếp tục phát hành với lãi suất thích hợp để mua lại lượng vốn thừa của một số ngân hàng và dùng nó tái cấp vốn cho các ngân hàng thiếu vốn, giải quyết được vấn đề thanh khoản.

Theo đó, thanh khoản của các ngân hàng hiện này có nguyên nhân từ các khoản nợ xấu của ngân hàng liên quan đến thị trường bất động sản. Nhiều bất động sản đã giảm giá từ 20-30% trong 2 năm qua. Cuộc khủng hoảng bất động sản ở Việt Nam sẽ còn phải kéo dài thêm 2-3 năm nữa và giá cả có thể còn phải xuống thêm trước khi “chạm đáy” vào năm 2013 hay 2014.

Theo ông Chí, thì bên cạnh thực hiện theo như thông báo việc tiếp tục giảm lãi suất huy động trần 1% mỗi quý cho đến khi đạt đến 10% trước cuối năm nay thì cũng không loại trừ trường hợp, nếu tình hình thanh khoản có cải thiện đáng kể, thì NHNN có thể loại bỏ trần lãi suất huy động hoàn toàn trong tháng 6 hoặc tháng 7 tới.

Trần lãi suất vẫn cần trong hiện tại

Theo Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, nếu vẫn giữ biện pháp “trần” thì NHNN có thể áp dụng thêm cả trần lãi suất cho vay bên cạnh áp trần lãi suất huy động.

Song, ông Trịnh Quang Anh, Trưởng ban nghiên cứu kinh tế, Ngân hàng Thương mại Hàng Hải (MaritimeBank) nói, nếu đặt thêm trần lãi suất cho vay thì sẽ càng khó kiểm soát hơn, bởi NHNN không thể ép các ngân hàng cho vay được. Thực tế, các ngân hàng thà giữ tiền lại còn hơn cho vay để rồi mất. Nếu ngân hàng theo đuổi mục tiêu lợi nhuận cao để cho vay những tín dụng có rủi ro lớn thì chắc chắn lãi suất cho vay sẽ bị đẩy lên cao.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế độc lập Vũ Đình Ánh, cho rằng vẫn nên giữ trần lãi suất cho đến khi thị trường ổn định hơn bởi nói gì thì nói, trần lãi suất vẫn đang là công cụ duy nhất để NHNN điều hành chính sách tiền tệ hiện nay.
Bích Diệp