Đã đến lúc bỏ trần lãi suất

(Dân trí) - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa có công văn đưa ra 4 lý do để đề xuất cho vay thoả thuận của các tổ chức tín dụng không áp dụng trần lãi suất.

Công văn số 484/HHNH của VNBA gửi Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội về việc cho vay thoả thuận của các tổ chức tín dụng không áp dụng trần lãi suất có dẫn Điều 476 của Bộ luật Dân sự: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”.

Theo VNBA, mục tiêu chính của quy định này là nhằm ngăn chặn việc cho vay nặng lãi trong nền kinh tế, thường xảy ra trong quan hệ giữa dân với dân và để tạo ra căn cứ cho tòa án xét xử khi có tranh chấp xảy ra.

Tuy nhiên, quy định trên trong thực tế vẫn được hiểu là áp dụng để xử lý lãi suất cho vay cho các tổ chức tín dụng, mặc dù hoạt động của tổ chức tín dụng được điều chỉnh bởi 2 Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Tổ chức tín dụng.

Vì vậy, căn cứ vào quy định trên tại Bộ Luật dân sự, ngày 16/5/2008, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN về cơ chế điều hành lãi suất cơ bản bằng đồng VND; trong đó, định kỳ hàng tháng, NHNN công bố lãi suất cơ bản.

Kể từ đó đến nay, NHNN đã 7 lần công bố thay đổi mức lãi suất cơ bản, do vậy, mức trần lãi suất cho vay tối đa của các tổ chức tín dụng cũng thay đổi tương ứng theo từng lần công bố.

4 lý do để xoá trần lãi suất

Thứ nhất, việc khống chế trần lãi suất cho vay như thời gian qua là một biện pháp can thiệp hành chính không phù hợp với nền kinh tế thị trường, làm hạn chế sự chủ động và linh hoạt của các ngân hàng thương mại trong vấn đề huy động vốn và cho vay, vì lãi suất (giá cả) hình thành dựa trên quan hệ cung cầu vốn của thị trường.

Mức lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng được xác định trên cơ sở lãi suất tiền gửi, chi phí huy động vốn, chi phí cho vay, uy tín của khách hàng, mức độ rủi ro của từng khoản vay và yếu tố cạnh tranh trên thị trường.

Thứ hai, việc khống chế trần lãi suất cho vay tức là đánh đồng lãi suất của các loại hình tín dụng làm cho các ngân hàng rất khó đa đạng hóa các sản phẩm dịch vụ, vì mỗi loại hình tín dụng có mức độ rủi ro khác nhau, chi phí khác nhau, vì vậy lãi suất cho vay khác nhau, lãi suất tín dụng tiêu dùng và tín dụng bán lẻ khác với lãi suất cho vay doanh nghiệp và các loại hình tín dụng thông thường.

Mặt khác, chính sách lãi suất trần cứng nhắc cũng làm hạn chế sự phát triển của các dịch vụ tài chính mới của các ngân hàng như tín dụng bán lẻ, tín dụng tiêu dùng, đây là những sản phẩm tất yếu của ngân hàng hiện đại.

Thứ ba, để kiểm soát sự biến động bất thường của lãi suất trên thị trường tiền tệ, NHNN đã có các công cụ để kiểm soát như lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, nghiệp vụ thị trường mở và điều hành khối lượng tiền cung ứng mà không cần giải pháp hành chính cứng nhắc như điều 476 của Bộ Luật dân sự đã quy định.

Thứ tư, Nghị quyết số 23/2008/NQ-QH12 ngày 6/11/2008 của Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ tư, trong đó có cho phép “Các tổ chức tín dụng điều hành lãi suất cho vay trên cơ sở lãi suất cơ bản của NHNN theo quy định của pháp luật và được phép cho vay theo lãi suất thỏa thuận đối với một số dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao”.

2 phương án sửa Luật

Cùng với 4 lý do về việc cho vay thoả thuận, không áp dụng trần lãi suất, VNBA cũng đề xuất sửa Điều 474 và 476 của Bộ Luật dân sự theo 2 phương án:

Phương án 1: Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích Điều 474 và Điều 476 Bộ Luật dân sự theo hướng “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố”, quy định này không điều chỉnh các quan hệ tín dụng của các tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng hoạt động theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng.

Phương án 2: Chỉnh sửa Điều 474 và Điều 476 của Bộ Luật dân sự theo hướng quy định này không áp dụng đối với các tổ chức tín dụng.

VNBA nhấn mạnh các cơ quan làm luật nên sửa Bộ Luật dân sự theo phương án 1 để “đáp ứng kịp thời cho tình hình kinh tế hiện nay, vì chậm ngày nào sẽ gây ách tắc và sự cứng nhắc trong hoạt động ngân hàng, không đáp ứng được những yêu cầu đa dạng của nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn suy thoái hiện nay”.

An Hạ