Xin ưu đãi, liên doanh ô tô Việt đang "mặc cả" chính sách, sống vì bảo hộ?
(Dân trí) - Trong khi rất nhiều đại gia ô tô tư nhân liên tiếp mở rộng sản xuất, xem hội nhập và bãi bỏ thuế quan xe nhập khẩu, linh kiện nhập khẩu là cơ hội phát triển thì rất nhiều hãng xe lớn kiểu "chân trong, chân ngoài" liên tiếp mặc cả chính sách, xin bảo hộ để duy trì lắp ráp trong nước.
Tại hội nghị bàn về sản xuất và tăng trưởng năm 2018 vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Ninh Hữu Chấn, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) một lần nữa nêu yêu cầu xin miễn áp dụng quy định đường thử đối với xe sản xuất trong nước.
VAMA lại xin ưu đãi, tỉnh Vĩnh Phúc sợ thất thu ngân sách
Theo ông Chấn, năm 2018 do tâm lý khách hàng chờ đợi xe nhập ASEAN về Việt Nam được bỏ thuế nhập khẩu nên thị trường tiêu thụ xe trong nước cuối năm 2017 và đầu năm 2018 khá trầm lắng.
Cả năm 2017, doanh số bán xe toàn thị trường đạt 298.000 chiếc, giảm 2% so với năm 2016. Riêng các thành viên VAMA bán được 250.600 chiếc, giảm 10%.
Ông Chấn nói: "Cuối năm 2017, đầu năm 2018, mặc dù nhiều doanh nghiệp ô tô sản xuất, lắp ráp xe hơi hoạt động hết công suất nhưng hàng ra đời vẫn không đủ xe để phục vụ thị trường. Nguyên nhân chính là lượng lớn xe nhập khẩu từ nước ngoài bị ngưng hoặc hủy hợp đồng do Nghị định 116/2017 (ban hành và có hiệu lực ngay ngày 17/10/2017)".
Ông này đề nghị: chấp nhận cho các nhà nhập khẩu ô tô nộp giấy chứng nhận kiểu loại được cấp bởi cục Đăng kiểm Việt Nam thay cho giấy chứng nhận được cấp bởi nước ngoài.
Đối với xe nhập khẩu, VAMA đề nghị Bộ GTVT và Cục Đăng Kiểm chỉ quy định kiểm định khí thải và an toàn cho lô đầu tiên và chấp nhận cho lô tiếp theo mà không cần kiểm định như trước đây.
Về quy định đường thử dài 800 m trong Nghị định 116, được áp dụng từ tháng 4/2019 cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hơi như điều kiện tiên quyết để kiểm tra chất lượng và thử xe trước khi đưa ra thị trường.
Ông Chấn đề nghị không áp dụng đối với các doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất xe hơi tại Việt Nam, đồng nghĩa với để nguyên hiện trạng đường thử của các doanh nghiệp không đạt 800 m.
"Đối với đường thử dành cho xe sản xuất trong nước, VAMA đề xuất không áp dụng hồi tố đối với đường thử mà các nhà sản xuất, các doanh nghiệp đã đầu tư tại Việt Nam", ông Chấn nói.
Trước đó, ngay trong hội nghị, đích thân Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc - ông Nguyễn Văn Trì cũng nêu khó khăn của địa phương này khi nguồn thu ngân sách từ hoạt động sản xuất, lắp ráp xe hơi bị giảm sút.
Ông Trì cho biết: Hoạt động lắp ráp của doanh nghiệp ô tô tại địa bàn Vĩnh Phúc (chủ yếu là Toyota) đã giảm 20% so với cùng kỳ năm 2016, điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng của tỉnh và số thu ngân sách được giao.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Chính phủ có chính sách khuyến khích sản xuất trong nước trước việc thuế suất thuế nhập khẩu xe hơi từ ASEAN về Việt Nam bằng 0% bắt đầu từ ngày 1/1/2018.
Các liên doanh tung hỏa mù, dùng chiêu trò?
Đầu năm 2018, khá nhiều liên doanh lắp ráp - nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của Nhật Bản, Mỹ tại Việt Nam đã bày tỏ sự không hài lòng về chính sách ô tô, trong đó có một số điều kiện về xe sản xuất trong nước, lẫn xe nhập khẩu ở Nghị định 116 của Chính phủ và Thông tư 03 của Bộ GTVT.
Đại diện một số hãng xe Nhật Bản tuyên bố ngừng nhập xe về Việt Nam để phản đối và thương lượng chính sách. Ngay sau đó, Chính phủ đã tổ chức phiên đối thoại giữa các doanh nghiệp nhập khẩu, liên doanh và các nhà sản xuất xe trong nước cùng đại diện bộ, ngành chức năng.
Chỉ vài ngày sau khi cuộc đối thoại diễn ra, Honda đã tuyên bố đưa thành công gần 2.000 chiếc xe CRV, Civic và Jazz về cảng TP.HCM, chuẩn bị ra mắt người tiêu dùng Việt Nam.
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, từ chỗ là cho mình là bị thiệt, ảnh hưởng đến lúc nhập thành công xe hơi về Việt Nam chỉ vài ngày, cho thấy sự bất nhất của các hãng xe. Trong khi vừa than phiền chính sách, các liên doanh rất nhanh chân để hợp thức hóa các giấy tờ, quy định.
"Bộ GTVT cho biết các quy định, chính sách đến nay đã cấp cho hầu hết các doanh nghiệp nhập xe hơi vào Việt Nam, điều đó chứng tỏ không có nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tôi thấy Trường Hải và Thành Công đều khẳng định xuất khẩu xe sang các nước khác cũng phải tuân thủ các quy định về kiểu loại xe, tay lái thuận hay nghịch... tức là tiêu chuẩn này là quốc tế chứ không riêng gì Việt Nam", ông Long nói.
Trên thực tế, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, hết tháng 3/2018, giá trị nhập khẩu linh phụ kiện xe hơi phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất đã tăng hơn 40 triệu USD so với cùng kỳ năm 2017 đạt 870 triệu USD, điều này cho thấy hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước vẫn duy trì tốt.
Đặc biệt, thời gian gần đây nhóm doanh nghiệp tư nhân lắp ráp và nội địa hóa xe hơi không ngừng mở rộng hoạt động. Trường Hải - Thaco vừa khánh thành tổ hợp sản xuất, lắp ráp xe Mazda hiện đại nhất Đông Nam Á với công suất 50.000 xe/năm; tiếp đến là việc tập đoàn Thành Công và Hyundai (Hàn Quốc) tuyên bố mở rộng nhà máy thứ hai tại Ninh Bình có công suất 60.000 xe/năm; Một thương hiệu xe hơi Nhật là Mitsubishi cũng tuyên bố Việt hóa dòng xe Outlander tại Việt Nam thay vì nhập nguyên chiếc từ Nhật Bản do lợi thế cạnh tranh về nguồn nguyên liệu nhập khẩu và nhân công giá rẻ.
Chỉ với chừng ấy bằng chứng đã đủ minh chứng cho Việt Nam đang là cơ sở và có nhiều cơ hội để các hãng thực tâm muốn phát triển lâu dài, nội địa hóa thay vì chỉ lợi dụng Việt Nam để làm chỗ đứng chân vừa sản xuất, lắp ráp nhưng lại tăng cường nhập khẩu hưởng lợi cho doanh nghiệp nhưng làm méo mó quy hoạch ngành của Việt Nam.
Nguyễn Tuyền