1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Xe nhập tăng đột biến, Hải quan yêu cầu "truy" nguồn gốc xuất xứ

(Dân trí) - Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra các tiêu chí nguồn gốc xuất xứ (C/O) đối với mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu khi áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Mới đây, Tổng cục Hải quan (TCHQ) có văn bản gửi Hải quan các địa phương thực hiện đúng quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu (XK), thuế nhập khẩu (NK) và quản lý thuế đối với ô tô NK.

Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị rà soát chặt chẽ C/O ngăn ngừa khai gian (ảnh minh hoạ)
Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị rà soát chặt chẽ C/O ngăn ngừa khai gian (ảnh minh hoạ)

Đặc biệt, TCHQ lưu ý, kiểm tra việc đáp ứng các tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ (C/O) hàng hoá ASEAN đối với các ô tô nhập khẩu nguyên chiếc trong quá trình làm thủ tục hải quan để chống gian lận, hưởng lợi khi nhập xe vào Việt Nam khi thời điểm áp dụng xoá bỏ thuế quan đối với ô tô từ các nước ASEAN ngày càng đến gần.

Được biết, từ tháng 1 năm 2017 thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ chỉ còn 30% thay vì 40% như năm 2016. Sang năm 2018, các mặt hàng ô tô từ các nước ASEAN sẽ được bãi bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu.

Hiện, trong ASEAN, ba nước xuất khẩu ô tô nguyên chiếc, linh kiện ô tô lớn nhất vào Việt Nam là: Thái Lan, Indonesia (xuất khẩu ô tô nguyên chiếc), Malaysia (xuất khẩu linh kiện ô tô). Ba nước này đều có tỷ lệ nội địa hoá đạt tiêu chuẩn được bãi bỏ thuế khi xuất xe sang Việt Nam, với mức nội địa hoá thấp nhất là 40% (Malaysia) và cao nhất là 70 -75% đối với nhiều dòng xe bán tải (pickup; xe sedan, xe 4 chỗ, xe 7 chỗ... của Thái Lan, Indonesia). Các nước ASEAN còn lại không xây dựng ngành công nghiệp ô tô, hoặc tỷ lệ nội địa hoá thấp (nếu nhập khẩu linh phụ kiện từ các nước ngoài khối sẽ không được áp dụng thuế ưu đãi đặc biệt trong ASEAN).

Tổng cục Hải quan yêu cầu Hải quan địa phương kiểm tra thực hiện tiêu chí xuất xứ (C/O) đối với xe ô tô nhập khẩu. Đặc biệt, áp dụng các quy trình kiểm tra xác định C/O xe nhập khẩu theo Quyết định 4286/QĐ-TCHQ của Tổng cục Hải quan và các công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Nếu có nghi vấn về C/O không hợp lệ như: dấu hiệu giả mạo chữ ký, con dấu C/O, sự không phù hợp giữa thông tin về hàng hóa khai báo trên C/O với chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế xuất xứ hàng hoá khác với khai báo... Hải quan địa phương phải báo cáo về Tổng cục Hải quan để xử lý vụ việc.

Trong thời gian xác minh, hàng nhập khẩu không được áp dụng các thuế suất thuế ưu đãi đặc biệt, chỉ được áp dụng mức thuế suất ưu đãi tối huệ quốc - (MFN), mức ưu đãi thấp hơn ưu đãi đặc biệt.

Ngoài tăng cường kiểm tra thời gian tới, TCHQ yêu cầu rà soát toàn bộ các lô hàng đã được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt từ ngày 1/1/2017 đến nay về quy tắc C/O.

Từ quý 3/2016 tình hình nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc đã có nhiều biến động, lượng và giá trị nhập khẩu xe hơi tăng đột biến so với cùng kỳ các năm trước. Đến đầu năm 2017, xu hướng xe nhập về Việt Nam ngày càng tăng mạnh, xe giá rẻ của nhiều nước như Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Ấn Độ... đổ bộ về Việt Nam, trong đó xe Thái Lan, Indonesia có số lượng nhập khẩu nhiều nhất, tăng mạnh nhất.

Nhiều DN nhập khẩu ô tô trong nước cho biết, khi thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN được xoá bỏ, chắc chắn xe các nước trong khu vực sẽ đổ bộ ồ ạt vào thị trường, gây khó cho sản xuất trong nước. TCHQ trước đó cũng ra văn bản yêu cầu các địa phương điều tra về mức giá khai báo thông quan đối với ô tô nhập khẩu từ Ấn Độ, đặc biệt là Thái Lan, Indonesia vì mức giá rẻ, số lượng lớn sẽ tiềm ẩn rủi ro DN khai gian, núp bóng xe các nước được ưu đãi thuế để hưởng ưu đãi C/O.

Nguyễn Tuyền