Xe nhập không thuế "qua cửa, giá tăng", người Việt đổi "gu" mê xe SUV đô thị
(Dân trí) - Tại Việt Nam, hơn 90% lượng xe con được nhập khẩu thời gian qua có xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia với mức thuế nhập 0%. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng về mức giá xe ngang bằng với các nước trong khu vực, giá hầu hết xe được nhập về Việt Nam cao hơn từ vài chục đến vài trăm triệu đồng ngay sau khi cập cảng, bán trên thị trường.
Xe nhập không thuế Thái Lan, Indonesia: Qua cửa giá tăng
Cho dù 90% các loại xe từ Thái Lan, Indonesia đều khai báo trị giá hải quan khi vào Việt Nam với mức bình quân dưới 500 triệu đồng/chiếc, song hầu hết khi vào thị trường Việt, các loại xe không thuế, giá rẻ này đều được "tăng giá".
Theo báo cáo của cơ quan hải quan, trong 3 tháng đầu năm, xe nguyên chiếc từ Thái Lan và Indonesia về rất nhiều. Tổng lượng xe nhập từ hai thị trường trên đạt hơn 34.900 chiếc, chiếm gần 90% tổng lượng xe nhập về nước.
Mức giá trung bình nhập xe từ Thái Lan là 457 triệu đồng/chiếc, trong khi đó, giá xe từ Indonesia bình quân khoảng 365 triệu đồng/chiếc, mức giá thấp nhất trong nhóm thị trường nhập xe hơi về Việt Nam.
Hiện, gần 90% các mẫu xe nhập về Việt Nam có xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia và không phải chịu thuế nhập khẩu đều có mức giá bình quân khai báo hải quan dưới 500 triệu đồng, chứng tỏ các loại xe đều là dòng xe phổ thông, xe giá trung bình.
Tuy nhiên, khi bán trên thị trường Việt, hầu hết các dòng xe này có giá rất cao trên 800 triệu đồng, thậm chí hơn 1,2 tỷ đồng/chiếc, đơn cử như Honda CRV, Toyota Fortuner, Rush...
Bên cạnh đó, tại chính nước xuất khẩu là Thái Lan, Indonesia, các dòng xe có cùng chủng loại xuất sang Việt Nam đều có giá rẻ hơn bản xe bán tại Việt Nam từ vài chục triệu đồng đến gần 200 triệu đồng/chiếc.
Người Việt "đổi gu" chơi xe hơi
Tiêu thụ xe đa dụng cỡ nhỏ, vừa và cỡ lớn tại Việt Nam đang có tốc độ tăng nhanh hơn so với các dòng xe nhỏ, giá rẻ trên thị trường. Trong khi đó, dòng xe bán tải không có doanh số "như ý" trong tháng 3.
Người Việt ngày càng chuộng các dòng xe gầm cao, đa dụng thay vì xe cỏ
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi Việt Nam (VAMA), trong tháng 3/2019, tiêu thụ xe SUV và MPV của Việt Nam tăng khá cao.
Theo đó, tiêu thụ xe SUV đạt hơn 4.600 chiếc, tăng hơn 2.200 chiếc so với tháng trước và tăng hơn 3.100 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết 3 tháng đầu năm, xe SUV tiêu thụ được hơn 14.300 chiếc, tăng hơn 9.800 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Lượng xe SUV tiêu thụ tăng mạnh nhất trong các dòng xe tại Việt Nam, vượt qua cả sedan (chỉ tăng gần 2.500 chiếc), dù tổng lượng tiêu thụ 3 tháng của năm 2019 của dòng xe này vẫn đứng đầu trong các phân khúc khi đạt 23.900 xe.
Ở dòng xe SUV, doanh số bán ra tăng cao chủ yếu do các mẫu xe "hot" có doanh số bán ra tăng cao như Fortunerr và CRV, cùng với đó là các mẫu xe của Mercedes,Outlanderr của Mitsubishi, HRV của Honda.
"Mùa xe tháng 3": Doanh số tăng dữ dội
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi Việt Nam (VAMA), doanh số bán xe du lịch tháng 3 tăng mạnh về lượng với trên 151% so với tháng trước.
Tháng 3, thị trường xe ghi nhận doanh số tăng kỷ lục
Trong đó, xe lắp ráp trong nước tăng hơn 157%, xe nhập khẩu trên 164% về lượng. Tháng 3, cả nước tiêu thụ hơn 32.300 xe nguyên chiếc, trong đó hơn 22.500 xe du lịch (chiếm 70%); xe thương mại đạt gần 9.000 chiếc và xe chuyên dụng là hơn 860 chiếc.
Theo đánh giá hiện hầu hết các dòng xe hơi đều có mức tăng doanh số rất mạnh. Cụ thể, xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi có sức tăng hơn 151%, xe thương mại 170% và xe chuyên dụng hơn 390%.
Trong 11 doanh nghiệp thành viên của VAMA, tổng lượng xe lắp ráp bán ra đạt gần 19.800 chiếc, tăng hơn 157% so với tháng trước. Số xe nhập khẩu nguyên chiếc là hơn 12.530 chiếc, tăng hơn 164% so với tháng trước.
Tính chung từ đầu năm đến nay, lượng xe du lịch bán ra là hơn 56.600 chiếc, tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm trước, lượng tăng khoảng 17.100 chiếc.
Tuy vậy, theo đánh giá của VAMA, mặc dù xe lắp ráp trong nước vẫn chiếm lượng tiêu thụ xe rất lớn gần 60%, song so với năm 2018 vẫn có sự suy giảm, khi chỉ đạt hơn 46.253 chiếc, giảm 3.700 chiếc.
Ô tô, dầu thô nhập khẩu đem lại ngân sách lớn
Do dầu thô, xe hơi nguyên chiếc nhập khẩu chịu thuế tăng mạnh, nên số thu thuế trong quý I/2019 đã tăng rất mạnh, đạt 977% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nguồn thu này chủ yếu đến từ các loại xe nhập từ các nước ngoài ASEAN và dầu thô.
Một số dòng xe nhập nguyên chiếc từ các nước ngoài ASEAN vào Việt Nam giúp tăng thu cho ngân sách
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu trong quý1/2019 đạt 83.250 tỷ đồng, bằng 27,7% dự toán, bằng 26,39% chỉ tiêu phấn đấu.
Số thu thuế tăng cao do tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chịu thuế tăng cao đạt hơn 115 tỷ USD, trong đó tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế đạt hơn 27 tỷ USD, tăng hơn 14%.
Trong đó, chủ yếu là từ nguồn thu nhập khẩu ô tô và dầu thô. Cụ thể, số thu của hai mặt hàng này đạt 13.665 tỷ đồng, tăng 12.396 tỷ đồng (tăng 977,68%) so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu của ngành hải quan, hết 2 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu hơn 25.777 chiếc xe nguyên chiếc, kim ngạch hơn 574 triệu USD. Trong đó có hơn 23.230 chiếc xe từ Thái Lan, Indonesia là dòng xe nhập khẩu không chịu thuế.
Như vậy, số thuế nhập khẩu thu được của ngành hải quan chỉ áp đặt cho hơn 2.500 chiếc xe nhập từ các thị trường ngoài ASEAN, trong đó chủ yếu là Đức, Nhật, Mỹ, Anh, Hàn Quốc.... hiện đang phải chịu thuế nhập từ 45% đến 75% tùy theo thị trường. Còn các loại xe nhập từ Thái Lan, Indonesia dù nhập khẩu tăng mạnh, số lượng nhiều song không phải là nguyên nhân chính giúp tăng thu thuế.
Về mặt hàng dầu thô, tính đến ngày 15/3/2019, cả nước nhập hơn 1,7 triệu tấn, kim ngạch đạt hơn 766 triệu USD. Lượng dầu thô nhập khẩu tăng hơn 1,6 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2018 (hơn 85.700 tấn), ước tăng khoảng 20 lần về lượng.
Về kim ngạch, do lượng nhập tăng, kim ngạch dầu thô tăng đột biến đạt trên 720 triệu USD, ước khoảng 18 lần giá. Về mức giá bình quân, hiện, giá nhập về Việt Nam đạt khoảng 450 USD/tấn, giá trung bình nhập khẩu dầu thô rẻ hơn so với mức giá bình quân trong quý I/2018 đạt khoảng 487 USD/tấn.
Xe bình dân ASEAN được nâng giá đắt đỏ ở Việt Nam
Rất nhiều dòng xe mới, ăn khách tại Việt Nam có mức giá khá cao so với mức giá bán tại Thái Lan, Indonesia và Malaysia, nơi hầu hết các dòng xe được nhập khẩu không thuế. Vậy điều gì đã khiến các dòng xe từ các nước rẻ nhưng vào Việt Nam lại trở nên đắt đỏ.
Nhiều dòng xe bình dân của các nước trong khu vực bị nâng giá đắt đỏ ở Việt Nam
Đầu tiên, dòng xe Honda Brio tại Thái Lan có mức giá hơn 495.000 Baht, tương đương hơn 347 triệu đồng tại Việt Nam. Trong khi Honda Việt chưa xác nhận giá bán thì các thông tin mạng chia sẻ rần rần việc giáBrioo ở ngưỡng từ 370 triệu đồng đến 450 triệu đồng/chiếc. Nếu mức giá này được áp dụng, giá của mẫuBrioo tại Việt Nam sẽ cao hơn nhiều so với ở Thái Lan.
Cũng mẫu xe này, hiện tại ở Indonesia, mức giá vào khoảng 148,5 triệu Rupiah đến 163 triệu Rupiah/chiếc, tương đương khoảng 237 triệu đồng đến 261 triệu đồng/chiếc.
Điều đáng lo ngại là không chỉ với Brio về Việt Nam được hóa giá cao chót vót mà ngay bản xe Vios tại Thái Lan, hiện chỉ có mức giá trung bình hơn 609.000 Baht, tương đương khoảng 430 triệu đồng Việt Nam. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các mẫu rẻ nhất củaVioss cũng không dưới 480 triệu đồng.
Đáng chú ý nhất hiện nay là dòng xe sắp được nhập về Việt Nam là Camry thế hệ 2019. Hiện mẫu xe này đời 2019, mới nhất có mức giá hơn 1,44 triệu Baht, (tương đương 1 tỷ đồng). Tương tự, tại Indonesia, Toyota Camry đời 2019 có giá bán từ 645 triệu Rupiah đến 665 triệu Rupiah (tương đương khoảng 1 tỷ đồng/chiếc). Tại Malaysia, giá Camry đời 2019 dao động hơn 185.800 - 190.000 ringgit (chỉ từ 1 - 1,06 tỷ đồng/chiếc).
Với mức giá tại các thị trường nói trên, chắc chắn Camry 2019 nhập về Việt Nam sẽ đắt hơn khá nhiều và có thể được lý giải lắp thêm đồ, phụ kiện.
Trên thực tế, thời gian gần đây, nhiều dòng xe nhập từ Thái Lan, Indonesia về Việt Nam cũng có mức giá thấp nhưng về Việt Nam lại được bán rất cao.
Cụ thể, Honda CRV, HRV, Toyota Fortuner, Rush hayWigo... đều được bán tại Việt Nam với mức giá cao hơn nhiều so với giá bán tại các nước trong khu vực.
Giá Honda HRV tại Thái Lan được bán với giá 1,1 triệu Baht (751 triệu đồng). Tại Malaysia, giá của mẫu xe này có giá từ 92.000 - 111.400 Ringgit, hơn 512 triệu đến 629 triệu đồng. Tại Indonesia, giá xe này cũng dao động thấp nhất 280 triệu Rupiah đến 363 triệu Rupiah (tương đương 440 đến 570 triệu đồng). Tại Việt Nam, mẫu xe này hiện bán với giá hơn 870 triệu đồng chưa bao gồm thuế.
Theo nhiều chuyên gia xe hơi, mức giá xe hơi tại Việt Nam hiện theo kiểu ra giá áp đặt cho thị trường chưa phải mức giá thị trường cạnh tranh. Điều này khiến người tiêu dùng Việt vẫn phải chịu mức giá cao so với mức giá các dòng xe bán tại các nước trong khu vực dù các hãng xe không phải đóng thuế nhập khẩu.
Giá xe giảm nhẹ, lượng xe nhập tăng
Lượng ô tô nhập khẩu về Việt Nam tăng hàng chục lần so với cùng kỳ năm trước. Giá xe nhập khẩu trung bình cũng giảm gần 40 triệu đồng/xe, từ 499 triệu đồng xuống còn 460 triệu đồng.
Xe nhập tăng mạnh về Việt Nam qua cảng TP HCM
Ngày 8/4, thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hiệp Phước cho biết, kể từ đầu năm 2019 đến ngày 5/4, chi cục này đã làm thủ tục thông quan cho 20.033 xe ô tô các loại.
Trong đó, ô tô con dưới 9 chỗ ngồi chiếm phần lớn với 15.972 chiếc, ô tô bán tải có 3.633 chiếc, ô tô tải nhẹ là 366 chiếc và ô tô 15 chỗ ngồi có 62 chiếc.
Tổng cục Thống kê thông tin, trong 3 tháng đầu năm 2019 đã có 36.777 chiếc ô tô nhập khẩu cập qua cảng Việt Nam với tổng giá trị lên tới 797 triệuUSDD. Đáng chú ý là lượng xe nhập khẩu trong tháng 3 tăng tới hơn 300% so với cùng kỳ năm 2018 và giá trị tăng 2,6 lần.
Đối với các dòng xe ô tô con dưới 9 chỗ ngồi thì giá trung bình của xe cũng giảm nhẹ. Kể từ đầu năm 2019 đã có 22.104 xe ô tô con được nhập về với kim ngạch đạt hơn 443 triệu USD. Như vậy, trung bình mỗi xe ô tô con nhập khẩu về có trị giá hơn 20.000 USD, khoảng 460 triệu đồng.
Con số kể trên giảm mạnh so với năm 2018, khi vào thời điểm này năm ngoái thì chỉ có 2.357 xe được nhập về Việt Nam với kim ngạch 51 triệu USD. Tính trung bình trị giá xe nhập về đầu năm 2018 là 21.700 USD (499 triệu đồng).
An Linh
(Tổng hợp)