1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Xe nhập giảm giá, đấu "tay đôi" với xe nội được biệt đãi thuế phí

(Dân trí) - Để đối phó với việc xe lắp ráp, sản xuất trong nước được giảm 50% phí trước bạ từ nay đến cuối năm, hầu hết các hãng xe, đại lý xe nhập đã tuyên bố giảm mạnh giá xe hoặc tặng thêm ưu đãi.

Thị trường xe hơi Việt đang chứng kiến hai trạng thái trái ngược, xe lắp ráp, sản xuất trong nước không giảm giá. Trong khi đó, xe nhập đang giảm giá mạnh hoặc tặng nhiều gói ưu đãi khi mua xe.

Các mẫu xe nhập giảm giá ồ ạt

Cụ thể, hiện nhiều hãng xe nhập như Ford, Mitsubishi, Volkwagen hay Subaru... tại Việt Nam đang lên các chương trình ưu đãi đại trà cho các mẫu xe nhằm lôi kéo khách hàng về phía mình.

Xe nhập giảm giá, đấu tay đôi với xe nội được biệt đãi thuế phí - 1

Nhiều nhân viên, đại lý xe nhập tuyên bố giảm giá nhiều mẫu xe để kéo khách hàng

Mẫu xe Volkwagen Passat được nhập khẩu trực tiếp từ Đức đang được  đại lý khuyến mại gói chăm sóc toàn diện trị giá 177 triệu đồng. Trong khi, đại lý Ford tại Hà Nội tuyên bố giảm trực tiếp các mẫu xe của Ford từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng ở các phiên bản xe như Eco Sport, Everest, Ranger hay Explorer...

Trên thị trường, giá mẫu Everest bản thấp nhất Ambiente (số sàn) có giá chỉ 840 triệu đồng, mức giá này cạnh tranh hơn rất nhiều so với mẫu đối thủ là Toyota Fortuner phiên bản thấp nhất số sàn đang neo ở mức giá từ 933 triệu đồng.

Ở thị trường xe bán tải, để hút khách hàng, mẫu bán tải của Mitsubishi là Triton đang được đại lý giảm giá 25 triệu đồng trực tiếp vào giá xe. Ngoài ra, tại đại lý khách hàng mua xe còn được tặng bảo hiểm vật chất, lắp thêm camera lùi.

Hiện các mẫu xe nhập cạnh tranh với xe trong nước chủ yếu ở hai phân khúc SUV và MPV; các mẫu sedan thì xe nhập không cạnh tranh lại được với xe lắp ráp, sản xuất; các mẫu hatchback thì các hãng xe lắp ráp trong nước như Thaco Kia, Hyundai Thành Công đang không có đối thủ. Còn đối với dòng xe pickup (bán tải), xe nhập không có đối thủ ở trong nước bởi các doanh nghiệp xe tại Việt Nam không hãng nào sản xuất dòng xe này.

Ví dụ, trong phân khúc xe đa dụng gia đình, mẫu Xpander của Mitsubishi đang có doanh số tốt nhất phân khúc xe gia đình cỡ lớn, nhưng để cạnh tranh với xe trong nước như Toyota Innova hay Kia Rondo và hay bản xe nhập XL7 của Suzuki, các đại lý bán Xpander thường để giá thấp nhất xe này là 490 triệu đồng và cao nhất là 520 triệu đồng. Mức giá này được xây dựng nhằm đảm bảo không thua thiệt trên thị trường, trong cùng phân khúc.

Đại lý cắt chiết khấu, chấp nhận bán xe hòa vốn

Mặc dù chính sách giảm 50% phí trước bạ đối với xe trong nước chưa được Chính phủ ban hành, song vấn đề này sẽ chỉ trong ngày một, ngày hai. Việc xe trong nước giảm giá lăn bánh từ vài chục, đến vài trăm triệu đồng thực sự sẽ khiến nhiều người tiêu dùng cân nhắc.

Ông Phạm Vũ Viết Đông, phụ trách bán hàng cho hãng xe nhập tại Long Biên, Hà Nội cho hay: Để tác động vào thị hiếu, thói quen người tiêu dùng Việt, các hãng xe nhập mất trung bình từ 2 đến 5 năm mới có doanh số ổn định.

Theo ông này, trung bình, mỗi nhân viên bán hàng, sau 3 tháng đào tạo sẽ có khách hàng, bài toán doanh số sẽ được giải quyết khi dòng xe bán ra với giá thấp. Tuy nhiên, đối với các dòng xe châu Âu, giá không phải dành cho số đông nên bán hàng ra khá vất vả.

"Chính sách thay đổi khiến bộ phận bán hàng phải thay đổi rất nhiều phương thức kinh doanh. Phương án dễ dàng nhất của chúng tôi là giảm chiết khấu của hãng cho đại lý, chiết khấu đại lý cho nhân viên bán hàng để bù vào tiền giảm giá xe. Các chi phí về quản lý, bán hàng hiện nay cũng phải tối ưu, chi phí quảng cáo sẽ được tiết giảm kênh nào hiệu quả nhất mới làm", ông Đông nói.

Theo ông Đông: "Đại lý muốn đẩy doanh số, nhân viên bán xe buộc phải cắt chiết khấu của mình để giảm giá cho khách. Từ nay đến cuối năm, nhân viên bán hàng (sale) sẽ phải chạy doanh số do nợ quá nhiều từ tết Nguyên đán, rồi dịch bệnh. Có thể mỗi xe giảm từ 10 đến 30 triệu đồng là chuyện không hiếm", anh Thành, nhân viên bán xe cho đại lý Ford tại Hà Nội cho biết.

Ở khía cạnh khác, nhiều đại lý độc quyền xe nhập hiện chấp nhận bán xe hòa vốn để lấy doanh số. Các chi phí thuê mặt bằng, chi phí kinh doanh, lương và các khoản thưởng đều được rút gọn, tối ưu nhất để tránh lỗ.

Thực tế, khá nhiều hãng xe lớn đã thất bại tại Việt Nam do không thể cạnh tranh trên thị trường và mất doanh số vào tay của các hãng xe khác. Trường hợp hãng xe Pháp Renault là ví dụ điển hình khi hãng xe này chỉ tồn tại được 7 năm (2010-2017) rồi dứt áo ra đi. Hay trường hợp của GM Việt Nam bị VinFast mua lại cũng tương tự như vậy.

An Linh