1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Xây tượng đài - ngành xuất khẩu "hốt bạc" của Triều Tiên

(Dân trí) - Nhắc đến Triều Tiên, người ta thường nghĩ ngay những vụ thử tên lửa, hạt nhân hay nạn đói liên miên. Vậy nhưng ít ai biết rằng Triều Tiên rất nổi tiếng với ngành đúc tượng, điêu khắc và được nhiều nước đặt hàng, giúp đem về doanh thu hàng triệu USD.

Tháng 11/2005, hai người Đức đã bay tới Triều Tiên trong một chuyến công du chính thức. Mục đích của họ không phải để thảo luận về giải trừ vũ khí hạt nhân hay quan hệ ngoại giao. Thay vào đó, họ tới để kiểm tra tiến độ của một công trình điêu khắc: tái xây dựng đài phun nước cổ tích Frankfurt, một công trình nghệ thuật được xây dựng từ năm 1910 nhưng đã bị nung chảy để lấy kim loại trong Thế Chiến II.

Đài phun nước cổ tích Frankfurt năm 1920 (trên) và sau khi được phục dựng
Đài phun nước cổ tích Frankfurt năm 1920 (trên) và sau khi được phục dựng
Đài phun nước cổ tích Frankfurt năm 1920 (trên) và sau khi được phục dựng

Do bản vẽ của công trình đã bị thất lạc, trong khi thành phố Frankfurt cần những thợ điêu khắc có thể thực hiện công việc chỉ dựa trên những bức ảnh cũ, để tái phục dựng tượng một người đẹp khỏa thân đang nhìn xuống một nhóm trẻ nhỏ hiền hậu, xung quanh là nhiều con cá và bò sát đang phun nước. Cuối cùng dự án đầy khó khăn này được người Đức giao cho xưởng điêu khắc Mansudae tại Bình Nhưỡng.

Có lẽ là xưởng điêu khắc lớn nhất thế giới, với diện tích tương đương 22 sân bóng đá, Mansudae hiện tuyển dụng tới khoảng 4000 công nhân, trong đó có 1000 nghệ sỹ được tuyển lựa từ các học viện nổi tiếng nhất Triều Tiên. Nhiệm vụ chính của họ là khắc họa các nhà lãnh đạo Triều Tiên, cho ra đời các bức tranh tuyên truyền, các bảng thông tin, các tượng đài theo phong cách Xô Viết…

Nhưng không chỉ là một đơn vị chịu trách nhiệm “đánh bóng” hình ảnh cho chính quyền Bình Nhưỡng, Mansudae còn là một doanh nghiệp đem về hàng triệu USD cho chính phủ từ các dự án xây tượng đài, đài kỷ niệm, bảo tàng, sân vận động và cả lâu đài. Họ có rất nhiều khách hàng ở khắp thế giới, nhất là châu Phi.

Klaus Klemp, phó giám đốc của bảo tàng nghệ thuật ứng dụng Frankfurt đã phát hiện ra Mansudae năm 2004 và đã bị ấn tượng đến mức không tiếc công thuyết phục quan chức thành phố trao dự án đài phun nước cho xưởng điêu khắc này.

“Tất cả đều chỉ vì lí do kỹ thuật. Các nghệ sỹ hàng đầu tại Đức đơn giản là không còn tạo ra các tác phẩm hiện thực. Triều Tiên thì lại chưa trải nghiệm nhiều sự biến động của nghệ thuật hiện đại. Họ dường như bị mắc kẹt ở thời kỳ những năm 1900, đó cũng chính là thời điểm đài phun nước ra đời”, Klemp khẳng định.

Trong thương vụ này, mức giá Triều Tiên đưa ra cho việc tái thiết đài phun nước bằng đồng cũng rất hấp dẫn: 200.000 euro, bao gồm cả chi phí vận chuyển, lắp đặt. Chất lượng công việc sau đó là không thể chê vào đâu được. Ngay cả những góp ý, đề nghị điều chỉnh của Klemp và đồng nghiệp cũng được tiếp nhận một cách cởi mở và sửa chữa như ý.

Mansudae lần đầu xuất khẩu các tác phẩm của mình từ những năm 1970. Kể từ đó đến nay họ đã thu về hàng triệu USD từ các dự án của mình tại nhiều quốc gia: Algeria, Angola, Botswana, Benin, Campuchia, Chad, CHDC Congo, Ai Cập, Ghi-nê xích đạo, Ethiopia, Malaysia, Mozambique, Madagascar, Namibia, Senegal, Syria, Togo, Zimbabwe…

“Họ dường như đã phát triển được một ngành công nghiệp quy mô nhỏ”, Marcus Noland, một chuyên gia về Triều Tiên và là giám đốc nghiên cứu tại Viện kinh tế quốc tế Peterson tại Mỹ nhận định. “Người Triều Tiên rất cần tiền và tôi phỏng đoán rằng ở một thời điểm nào đó họ đã tìm ra cách đó là xuất khẩu khả năng tạo ra những tượng đài. Đó là một cách giúp họ có được cả bạn bè lẫn những người có ảnh hưởng và có thể kiếm được tiền”.

Được thành lập năm 1959, 6 năm sau chiến tranh Triều Tiên, Mansudae từ lâu đã định hình, hoặc ít nhất tạo ra, sự đẹp đẽ cho Triều Tiên. Họ có thể thiết kế ra mọi thứ, từ những huy hiệu bé xíu cho người dân đeo trên áo trong các dịp lễ hội, tới những tượng đài cao tới 50m, hoặc tượng đài nền móng của đảng Lao động Triều Tiên, với những nắm tay có kích thước bằng 3 xe tải, đang giơ cao búa, liềm và một cây bút thư pháp.

Đến nay Đức là quốc gia phương Tây duy nhất từng đặt hàng của Mansudae. Kể từ sau khi Triều Tiên thử hạt nhân và tên lửa năm 2006, Đức cũng đã ngừng đặt hàng. Dù vậy xưởng này không hề thiếu khách hàng.

Tượng đài Phục hưng châu Phi của Senegal, được ra mắt ngay bên ngoài Dakar năm 2010, chính là một trong những tác phẩm đáng chú ý nhất của Mansudae. Cao tới 50m, bức tượng còn cao hơn cả tượng nữ thần Tự Do tại Mỹ hay tượng Chúa Jesus tại Rio de Janeiro, Brazil.

Một tấm bảng ở chân bức tượng cho biết chi phí của nó là 25 triệu USD. Tuy nhiên các quan chức nước ngoài cho biết công việc mà 150 nghệ sỹ và lao động Triều Tiên đã thực hiện, theo tờ tạp chí phố Wall, có thể có giá tới gần 70 triệu USD. “Chỉ có người Triều Tiên mới có thể xây dựng bức tượng của chúng tôi”, Abdoulaye Wade, nguyên tổng thống Senegal khẳng định trước khi cho biết “chúng tôi không có tiền”.

Namibia, một trong những khách hàng thường xuyên nhất của Mansudae, đã thuê xưởng này thiết kế và xây dựng 4 dự án quy mô lớn từ năm 2000: một bảo tàng quân sự, một bảo tàng độc lập, đài tưởng niệm Heroes Acre, và phủ Tổng thống Namibia.

Cuối năm nay, công ty của Triều Tiên này cũng sẽ cho ra mắt đại bảo tàng toàn cảnh tại Siem Reap, Campuchia, gần khu đền cổ Angkor Wat.

Một số công trình tiêu biểu của Mansudae

Tượng đài Phục hưng châu Phi của Senegal
Tượng đài Phục hưng châu Phi của Senegal
Tượng đài Phục hưng châu Phi của Senegal
Tượng đài Phục hưng châu Phi của Senegal

Tượng đài Phục hưng châu Phi của Senegal
Phủ Tổng thống Namibia
Phủ Tổng thống Namibia

Thanh Tùng
Theo Bloomberg Businessweek