Triều Tiên dốc tiền xây khu du lịch "đẳng cấp thế giới"

(Dân trí) - Với mục tiêu thúc đẩy phát triển du lịch quanh khu vực núi Kumgang, Triều Tiên chuẩn bị khởi công một dự án xây dựng khổng lồ, nhằm biến khu vực này thành điểm tham quan “tầm cỡ thế giới”.

Thông tin vừa được tờ tạp chí Geumsugangsan, số ra tháng 6 của Triều Tiên đăng tải. “Triều Tiên sẽ từng bước xây dựng các công trình du lịch tại đặc khu du lịch núi Kumgang”, Oh Chung-hyuk, chủ tịch một công ty xây dựng Triều Tiên được giao nhiệm vụ phát triển khu resort tại ngọn núi này cho biết.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên thị sát một dự án phát triển du lịch
Nhà lãnh đạo Triều Tiên thị sát một dự án phát triển du lịch

“Kế hoạch xây dựng toàn diện sẽ được triển khai trên toàn bộ đặc khu này trong tương lai gần, và nơi này sẽ sẵn sàng trở thành một khu du lịch quốc tế”, vị chủ tịch khẳng định trong cuộc phỏng vấn.

Có một thông tin đáng chú ý mà ông Oh tiết lộ đó là các công ty cũng như nhà đầu tư cá nhân nước ngoài đều được phép đầu tư vào dự án này. Theo đó Triều Tiên sẽ đảm bảo về mặt pháp lý quyền lợi của các nhà đầu tư, vốn đầu tư cũng như các thu nhập có được từ việc phát triển dự án.

Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, Triều Tiên đã liên tục công bố kế hoạch phát triển các chương trình du lịch quốc tế tới khu núi có cảnh quan đẹp này, sau khi chương trình tham quan chung của Bình Ngưỡng với Seoul bị hủy bỏ. Năm 2008 một nữ du khách Hàn Quốc đã bị bắn chết tại đây.

Năm 2011, Bình Nhưỡng đã ban hành luật về đặc khu du lịch quốc tế núi Kumgang, chấm dứt 50 năm độc quyền khai thác các tour du lịch xuyên biên giới tới vùng núi này do công ty Hyundai Asan của Hàn Quốc tổ chức.

Đạo luật “sẽ giúp biến núi Kumgang trở thành đặc khu du lịch nổi tiếng thế giới bằng cách thiết lập một hệ thống và trật tự phù hợp với việc phát triển đặc khu này”, một đoạn trong đạo luật nêu trên khẳng định.

Kế hoạch phát triển khu vực núi Kumgang là một phần trong kế hoạch thúc đẩy du lịch của Triều Tiên, trong đó có việc biến thành phố cảng Wonsan trở thành một điểm du lịch quốc tế. Mới hồi tuần trước, nhà lãnh đạo trẻ của nước này, ông Kim Jong Un đã ra lệnh cho quân đội hoàn thành công trình xây dựng khu trượt tuyết đẳng cấp thế giới tại đèo Masik, hay còn gọi là Masikryong, gần thành phố Wonsan.

Một góc khu du lịch núi Kumgang
Một góc khu du lịch núi Kumgang

Bình Nhưỡng kỳ vọng, khi dự án này hoàn thành, khu vực Wonsan sẽ đón khách du lịch quanh năm, bởi hiện thành phố biển Wonsan mới chỉ có thể đón khách nghỉ dưỡng vào mùa Hè. Ước tính mỗi năm Triều Tiên đón khoảng 5000 du khách phương Tây và khoảng 10.000 khách từ Trung Quốc, đem về nguồn ngoại tệ không nhỏ.

Đơn cử như một tour kéo dài 3 đêm của Koryo Tours, công ty có 20 năm đưa khách tới Triều Tiên, cũng có giá 1190 euro/người. Trong khi tour 11 đêm có giá 2290 euro. Ngoài ra du khách còn phải trả 50 euro phí cấp visa.

Đẩy mạnh mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài

Nhằm thu hút nguồn lực phát triển nền kinh tế đang trong tình trạng yếu kém, bên cạnh việc ban hành đạo luật đầu tư vào các đặc khu du lịch, cuối tháng 5 vừa qua Triều Tiên cũng đã ban hành luật khuyến khích đầu tư vào các đặc khu kinh tế mới.

Theo hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên, các khu vực này sẽ được ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, chế biến xuất khẩu cũng như công nghệ và nhiều ngành khác.

“Các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức kinh tế nước ngoài cũng như người Triều Tiên ở nước ngoài đều có thể đầu tư vào các khu phát triển kinh tế này. Nhà nước sẽ đem đến cho nhà đầu tư những điều kiện ưu đãi kinh tế thuận lợi, bao gồm việc sử dụng đất, tuyển dụng lao động, thuế…Các quyền của nhà đầu tư cũng như các khoản vốn và lợi nhuận của họ sẽ được bảo vệ theo pháp luật”, thông báo của KCNA khẳng định.

Phát biểu với AFP, ông Cho Bong-Hyun, chuyên gia của viện nghiên cứu kinh tế IBK tại Hàn Quốc nói: “đạo luật mới này là một nỗ lực trong tuyệt vọng của Triều Tiên nhằm lôi kéo nhà đầu tư quay trở lại tại một thời điểm nước này đã bị đẩy vào thế khó sau căng thẳng tại khu công nghiệp Kaesong”.

Đạo luật được ban hành sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un ra chỉ thị hồi năm ngoái, yêu cầu xây dựng thêm mỗi tỉnh một đặc khu kinh tế. Triều Tiên có tổng cộng 9 tỉnh. “Nhưng nó khó có khả năng khiến nhà đầu tư quan tâm tới quốc gia bị cô lập này”, ông Cho nhận định.

Thanh Tùng
Tổng hợp