Xăng giảm chưa ấm chỗ đã nhấp nhổm tăng
Giá cơ sở của các mặt hàng đã cao hơn giá bán lẻ hiện hành 600 đồng/lít do đó có khả năng giá xăng dầu sẽ tăng.
Thông tin này vừa được các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tính toán. Theo đó tính đến hết ngày 11/8, giá cơ sở (hình thành bởi giá nhập khẩu, thuế, phí…) của các mặt hàng đã cao hơn giá bán lẻ hiện hành 600 đồng/lít do đó có khả năng giá xăng dầu sẽ tăng.
Cụ thể giá nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu thành phẩm từ thị trường Singapore trong 6 phiên giao dịch vừa qua đã tăng đáng kể so với những ngày trước đó.
Điều đó có nghĩa giá bán lẻ trong lần điều hành kế tiếp, dự kiến vào ngày 18/9 nhiều khả năng sẽ tăng.
Trước đó, một số chuyên gia cho rằng cách tính giá của Petrolimex và Cục quản lý giá, Bộ Tài chính không minh bạch.
Theo Nghị định 83 của Chính phủ, giá cơ sở bao gồm các yếu tố và được xác định bằng: (Giá CIF + Thuế nhập khẩu + Thuế tiêu thụ) x tỷ giá ngoại tệ + Thuế giá trị gia tăng + Chi phí kinh doanh định mức + mức trích lập quỹ bình ổn giá + Lợi nhuận định mức + Thuế bảo vệ môi trường + các loại thuế phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành; được tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc.
Giá CIF là giá xăng dầu thế giới cộng (+) Phí bảo hiểm cộng (+) Cước vận tải về đến cảng Việt Nam.
Theo PGS.TS Phan Duy Minh, giảng viên Học viện Tài chính, với cách tính giá CIF này, đây chỉ là giá ảo tưởng và như vậy giá cơ sở chưa hợp lý. Giá CIF ở đây lẽ ra phải là giá xăng dầu thực tế nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cộng với các yếu tố khác (phí bảo hiểm, cước vận tải về đến cảng Việt Nam). Giữa giá thực và giá ảo chênh lệch nhau rất nhiều, do đó, sự không mạch lạc, rõ ràng chính là ở chỗ này.
TS Nguyễn Ngọc Sơn, giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM) cũng chỉ ra rằng, các loại thuế, phí được phát hành đều dựa trên giá cả, giá cả gốc (giá nhập khẩu) sẽ quyết định các loại thuế, phí đó. Căn cứ vào công thức tính giá cơ sở xăng dầu, việc tăng giá xăng dầu chủ yếu xuất phát từ giá trị thương mại, tức giá mua bán và chi phí vận chuyển chứ không liên quan đến trách nhiệm đối với Nhà nước vì công thức tính thuế không thay đổi.
"Vấn đề nằm ở chỗ giá gốc của xăng dầu như thế nào, nhưng ở Việt Nam nó không minh bạch (...) Các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp xăng dầu nói chỉ số trên thị trường xăng dầu tăng nên giá trong nước tăng nhưng cần phải làm rõ cái tăng ấy là ở thời điểm cụ thể nào. Nó có thể tăng ở ngày thứ nhất, ngày thứ hai... nhưng chưa chắc 15 ngày cộng vào đã tăng. Bởi thế, phải công bố cụ thể đã lấy ngày nào làm giá cơ sở, giá thành ra sao...", ông nói.
Đó là còn chưa kể việc chiết khấu hoa hồng cho đại lý quá cao. Theo tính toán mức chiết khấu chỉ cần ở mức từ 300-500 đồng là đủ để cho các đại lý trang trải hết mọi chi phí. Trong khi đó hiện mức chiết khấu là 1.000 đồng/lít là rất cao và càng cao thì người dùng càng thiệt.
Đó là bài tính của doanh nghiệp đầu mối nhằm đảm bảo lợi ích cho mình đồng thời cũng là đẩy được rủi ro về phía người dùng.
Làm được như vậy, PGS.TS Phan Huy Minh nói rõ phải có một sự đồng thuận hiển nhiên giữa doanh nghiệp đầu mối và đại lý bán lẻ. Trên thực tế, hai đối tượng này vẫn chỉ là một. Đây là kẽ hở, là điểm yếu trong công tác điều hành, quản lý xăng dầu.
Theo Phương Nguyên (Tổng hợp)
Đất Việt