Xăng giảm 9 lần, cước vận tải vẫn nghe ngóng

Tính từ tháng 8 đến nay, giá xăng dầu đã giảm lần thứ 9 liên tiếp, mức giảm giá xăng tổng cộng 4.250 đồng/lít. Tuy nhiên, mới chỉ có vài doanh nghiệp taxi giảm giá cước với mức giảm “nhỏ giọt”.

Từ 7/10, Taxi Group giảm 300 đồng/km từ lúc mở cửa đến km thứ 30
Từ 7/10, Taxi Group giảm 300 đồng/km từ lúc mở cửa đến km thứ 30

 

Taxi giảm giá nhỏ giọt

 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Sau 8 lần giảm giá xăng dầu liên tiếp, ngày 7/10, Taxi Group là doanh nghiệp đầu tiên thông báo giảm giá cước với mức giảm khá khiêm tốn: 300 đồng/km từ lúc mở cửa đến km 30. Cước mở cửa (14 nghìn đồng/km); cước đường dài (từ km 31 trở đi) và cước đi/về sân bay Nội Bài - Hà Nội của hãng này vẫn được giữ nguyên.

 

Ngày 9/11, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hồ Chương, Phó chủ tịch Tập đoàn Mai Linh kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mai Linh Miền Bắc cho biết, vừa qua, taxi Mai Linh đã giảm giá ở một số thị trường thấp điểm như Quảng Bình giảm 2.500 - 3 nghìn đồng/km; Thanh Hóa, Nghệ An… giảm khoảng 1 nghìn đồng/km. Còn ở thị trường cao điểm như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… thì Mai Linh đang cân đối, hoàn tất thủ tục giảm giá với mức giảm dự kiến 500-600 đồng/km. “Ở các TP lớn hạ tầng giao thông chật hẹp, hay ùn tắc, chi phí các loại đều cao hơn nên mức giảm giá không thể nhiều như các địa phương”, ông Hồ Chương cho hay.

 

Theo ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, một số hãng taxi khác cũng mới chỉ “đang cân đối kế hoạch giảm giá cước vận tải”, nhưng cũng có doanh nghiệp khẳng định sẽ không điều chỉnh. Ông Bình lý giải, từ tháng 6/2013 - 4/2014, giá xăng tăng liên tục hàng chục lần, một số doanh nghiệp taxi như Mai Linh, Vạn Xuân, Taxi Group… có tăng giá và họ cũng đã, đang có kế hoạch giảm giá. Còn những doanh nghiệp như Thanh Nga, Ba Sao, Hoàn Kiếm… hầu như vẫn giữ nguyên mức cước 12 nghìn đồng/km tới nay, thì dù xăng dầu giảm giá, họ cũng có quyền giữ giá “bình ổn” để xem xét thị trường.

 

Doanh nghiệp vận tải nghe ngóng

 

Tới thời điểm này, khối doanh nghiệp vận tải khách và hàng hóa phía Bắc vẫn “án binh bất động”. Ông Thân Văn Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho biết, Hiệp hội vẫn chưa nhận được thông tin giảm giá cước từ các doanh nghiệp vận tải. “Hiệp hội Vận tải Việt Nam đã có văn bản đôn đốc các doanh nghiệp tính toán, cơ cấu lại giá đầu vào để giảm giá cước khi có thể. Tuy nhiên, việc cân đối, cơ cấu này cần có thời gian và độ trễ nhất định”, ông Thanh cho hay.

 

Còn ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội thì cho rằng, giá xăng tăng, giảm trong thời gian vừa qua hầu như không ảnh hưởng đến giá cước vận tải tại các tuyến cố định. Vì đa phần các doanh nghiệp vận tải vài năm mới điều chỉnh giá cước một lần, thậm chí có doanh nghiệp 2-3 năm nay chưa điều chỉnh giá cước vận tải.

 

“Doanh nghiệp vận tải đang phải gánh chi phí đầu vào rất cao, từ giá điện, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giá nước… đều tăng. Đặc biệt, do siết chặt quy định tải trọng xe, quy định vận tải thời gian qua, nên mọi doanh nghiệp vận tải phải nâng cao chi phí cho nhân lực, lắp thêm máy tính, đầu xe… nên không dễ cân đối giảm giá cước khi xăng giảm giá”, ông Bùi Danh Liên lý giải.

 

Theo ông Nguyễn Vỹ Đức, Giám đốc Công ty Xe khách Thái Bình, từ năm 2011 đến nay, doanh nghiệp vận tải khách của ông vẫn giữ nguyên giá cước, bất kể xăng nhiều lần tăng - giảm, các chi phí đầu vào khác ngày càng gia tăng. “Tôi đang nghe ngóng xem cơ quan chức năng chỉ đạo thế nào. Tôi nghĩ, đơn vị vận tải nào đã tăng giá trước đây thì nay nên giảm giá, còn những đơn vị vận tải như chúng tôi vẫn giữ nguyên giá cước dù xăng dầu tăng giá nhiều lần thì không có cơ sở nào để yêu cầu chúng tôi giảm giá cước khi giá xăng dầu giảm”, ông Đức nói.

 

Tâm trạng “chờ đợi và nghe ngóng” đang khá phổ biến ở nhiều doanh nghiệp vận tải. Theo ông Nguyễn Thành Đô, Chủ nhiệm HTX Vận tải Thành Đô, những năm qua, kinh tế khó khăn khiến các doanh nghiệp vận tải phải “oằn mình” vượt khó, nay giá xăng giảm cũng giúp doanh nghiệp “dễ thở” hơn, nhưng để đưa ra quyết định giảm giá cước thì cần tính toán, xem xét kỹ càng, thận trọng.

 

Đà Nẵng: Taxi đồng loạt giảm giá cước

 

Tối 9/11, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội taxi Đà Nẵng cho hay: Hội đã họp với 6 hãng taxi (1.200 đầu xe) trên địa bàn, thống nhất từ 10/11, các hãng sẽ giảm giá taxi, với mức 500-800 đồng/km. Ông Lê Vinh Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải và dịch vụ Phú Hoàng (Đà Nẵng) xác nhận: Hôm nay (10/11) cả hai thương hiệu taxi Tiên Sa (Đà Nẵng) và Vàng (Thừa Thiên-Huế) của đơn vị sẽ giảm bình quân từ 700 - 1.500 đồng/km; Trong đó, giá từ lúc mở cửa taxi Tiên Sa là 7.900 đồng/0,7 km (xe Kia Morning) và 8.900 đồng/0,7 km (xe Vios, Carens, Innova), mỗi km tiếp theo có giá từ 12.900-15 nghìn đồng. Các hãng taxi Mai Linh, Sông Hàn, Vinasun… đồng loạt tiến hành kiểm định đồng hồ, nhập cước mới.

 

Ngân Hà

 

Theo Quỳnh Anh

Báo Giao thông Vận tải
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”