Xâm nhập thị trường giao thức ăn đang bùng nổ, đâu là thế mạnh của GrabFood?

(Dân trí) - GrabFood có đội shipper đông đảo từ GrabBike. Và Now thì đang dẫn đầu thị trường với 20.000 nhà hàng cùng shipper chuyên nghiệp. Mèo nào cắn mỉu nào?

GraFood vừa ra mắt tại Hà Nội vào đầu tháng 10.
GraFood vừa ra mắt tại Hà Nội vào đầu tháng 10.

Báo cáo của Euromonitor cho biết, thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam trị giá khoảng 33 triệu USD trong năm nay và dự báo sẽ đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. Tuy nhiên, những chuyển động mới nhất cho thấy, miếng bánh 33 triệu USD này giờ đã có nhiều người mới muốn chia.

Cái tên sừng sỏ nhất đang dẫn đầu thị trường này là Now (tên cũ là DeliveryNow), thuộc Foody. Đây là ứng dụng giao và đặt đồ ăn của Foody đã "cắm rễ" từ vài năm nay, đứng đầu về số lượng đơn hàng (khoảng 25.000 đơn/ngày, theo một nguồn tin).

Bên cạnh Now, còn có một số cái tên khác như Lala, Vietnammm, Lozi (Loship), tuy nhiên chưa ai tỏ ra là đối trọng đủ lớn với kẻ dẫn đầu thị trường.

Tuy nhiên, dù mới ra mắt nhưng GrabFood đang có tiềm lực để đe dọa tất cả những người đi trước trong ngành giao đồ ăn ở Việt Nam.

Theo đó, GrabFood vận hành thử nghiệm ở TP. HCM từ giữa tháng 5 và ở Hà Nội từ tháng 9. Dịch vụ này không chỉ có ở Việt Nam mà còn tung hoành khắp Đông Nam Á. Số liệu mới nhất cho biết, GrabFood đã mở rộng từ 2 quốc gia lên 6 quốc gia chỉ trong quý II/2018.

Là người đến sau cùng trên thị trường giao nhận đồ ăn hiện tại, nhưng GrabFood sở hữu lượng tài xế đông đảo. Bên cạnh đó, GrabFood còn thừa hưởng lượng người dùng rất lớn từ thị trường đặt ô tô và xe máy, dữ liệu người dùng lớn, cũng như kinh nghiệm triển khai mảng giao đồ ăn ở thị trường Indonesia và Thái Lan.

Tại buổi ra mắt chính thức dịch vụ ở Hà Nội ngày 2/10, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab tại Việt Nam từng tuyên bố tốc độ giao nhận 1 đơn hàng của GrabFood vào khoảng 25 phút và sẽ hướng đến cắt giảm còn 20 phút trong tương lai.

Ông Jerry Lim cho biết Grab đang tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành siêu ứng dụng.
Ông Jerry Lim cho biết Grab đang tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành siêu ứng dụng.

Hơn nữa, chỉ trong một vài tháng triển khai nhưng GrabFood hiện đang mang lại nhiều lợi ích với các bên đối tác.

“Chúng tôi rất vui mừng khi sau một thời gian ngắn triển khai, GrabFood đang là nhân tố thúc đẩy doanh thu cho các đối tác kinh doanh của chúng tôi tại TP.HCM và Hà Nội, đặc biệt là các cửa hàng, quán ăn nhỏ lẻ”, ông Jerry Lim nói tại buổi ra mắt chính thức dịch vụ ở Hà Nội ngày 2/10.

Với việc xác định đầu tư dài hạn tại Việt Nam, Grab đang tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành siêu ứng dụng đáp ứng mọi nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày của người dân với Dịch vụ gọi xe truyền thống (GrabTaxi, GrabCar, GrabBike), Dịch vụ giao nhận thức ăn GrabFood, Dịch vụ giao nhận hàng hoá GrabExpress và Dịch vụ thanh toán khi hợp tác cùng Moca.

Đáng nói, trong tháng 09/2018, thu nhập trung bình của đối tác GrabBike tại TP.HCM và Hà Nội đã tăng lên 20% so với tháng trước đó nhờ có thêm thu nhập từ việc giao nhận thức ăn, giao nhận hàng hóa bên cạnh thực hiện kết nối di chuyển.

Theo đó, thông qua việc triển khai dịch vụ GrabFood và GrabExpress, giờ đây thu nhập của đối tác GrabBike tại TP.HCM và Hà Nội có thể kiếm được trung bình 600-700.000 đồng/ngày.

Thị trường giao đồ ăn đang ngày càng “nóng bỏng”. Trong một diễn biến khác, Go-Viet cũng đặt kế hoạch ra mắt dịch vụ giao đồ ăn tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất, dự kiến vào cuối năm nay.

Nếu như cách đây khoảng 4 năm, cuộc chiến khốc liệt của dịch vụ gọi xe bắt đầu nổi lên thì nay là thời điểm đánh dấu cuộc chiến mới trong lĩnh vực giao đồ ăn. Những lợi thế đi đầu của GrabFood dường như đang khiến tân binh này tự tin và vươn nhanh hơn bao giờ hết để thâu tóm thị trường giao đồ ăn béo bở này.

Hồng Vân