Xâm nhập “tập đoàn” trồng rừng đa cấp: Đánh thức lòng tham và ru ngủ niềm tin
“Đại bản doanh” của cái gọi là “công ty cổ phần tập đoàn trồng rừng toàn cầu” do vợ chồng ông Cao Văn Xứng và bà Lê Thị Cẩn sáng lập bằng việc khai khống vốn điều lệ hàng chục ngàn tỷ đồng là một căn nhà chiều rộng chỉ 4 mét, chiều sâu khoảng chừng 15 mét, mỗi tầng gắn 1 biển hiệu rõ lớn, nhìn thẳng sang sân Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
Phòng đón khách ở tầng trệt. Các Ban dự án, Ban thẩm định dự án và Ban chỉ đạo thực hiện dự án làm việc ở tầng 2. Tầng áp mái là chốn “tâm linh”, có thầy pháp chăm lo cầu nguyện, trì chú cho các thành viên của “tập đoàn”.
Quanh lối đi từ chân cầu thang đến từng phòng hiện chất chồng không biết cơ man nào… vật chứng liên quan đến hồ sơ dự án xin từ thiện và đăng ký lập vườn ươm đa cấp.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
RTC “bày binh, bố trận” kiểu này, ai mà không tin?
“Bỏ ra chỉ vài chục triệu đồng, ngay lập tức được công nhận sở hữu hơn nửa tỷ đồng lẫn rất nhiều an ủi và hy vọng, rằng 8 năm sau sẽ có mấy chục tỷ đồng. Ai không tham? Những lúc bần cùng, thì mơ đổi đời, lại thêm người thân dẫn dụ, mới ra…nông nỗi!” - chị Thủy Triều (Số ĐT 09836161…), cất công từ TP.Vũng Tàu ra Nha Trang, chỉ để tìm hiểu về công ty cổ phần tập đoàn trồng rừng toàn cầu (RTC), bảo vậy.
Chị Triều kể tiếp: “Gia đình mình hiện sở hữu gần chục ha đất lâm nghiệp trên Đơn Dương (Lâm Đồng), nhưng kẹt vốn đầu tư. Hôm Tết, nghe ông anh họ giới thiệu RTC vừa được các tổ chức phi chính phủ và Cao ủy Liên hợp quốc hỗ trợ hàng chục tỷ đôla để đầu tư cho nông dân phát triển dự án trồng rừng, mấy chị em nghĩ rằng đây là cơ may, nên cử mình đến diện đến liên hệ với RTC tại quận Bình Thạnh (TPHCM).
Ở trỏng, họ biểu mình ra Nha Trang tập huấn và làm hợp đồng. Đến 68 Phan Đình Phùng (TP Nha Trang), mình phải chờ thiệt lâu mới được người của Công ty Hiển Vinh giới thiệu cho gặp một cô phụ trách ban dự án. Hổng thấy tập huấn gì hết trọi, chỉ nghe cổ hướng dẫn lập vườn ươm bằng cách rủ rê 30 người nộp ảnh và bản photo thẻ CMND, rồi đóng tiền và ký hợp đồng.
Mình hỏi, trồng cây gì? Cổ nói: Ưng trồng cây gì thì trồng. Mình lại hỏi, được vay bao nhiêu tiền, lãi suất mỗi năm bao nhiêu phần trăm? Cổ kêu: Tiền nhiều lắm, ít nhứt là 40 tỷ đồng mà không phải trả lãi. Mình hổng dám tin! Nhưng, lúc lên lầu thượng, mình gặp rất nhiều chủ dự án người Quảng Ninh,Vĩnh Phúc, Ninh Bình… Họ đem theo bánh chưng với trái cây, dâng lên bàn thờ tâm linh. Nhẹ dạ thường cả tin, nghe họ khấn vái trước tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, mình nghĩ, RTC “bày binh, bố trận” kiểu này, ai mà không tin?”
Vâng, người viết bài này đã “mục sở thị” thầy pháp trì chú cho nhiều người. Theo cách nói của chủ dự án vườn ươm, cứ về Nha Trang khấn nguyện, cầu lộc có lộc, cầu tài có tài, nhưng muốn “bắt con tôm”, thì phải “thả con tép”. Lời lẽ giản dị, nghe qua hợp nhẽ, dễ ru ngủ niềm tin. Nhiều người vì tin mà không quản ngại xa xôi, cách trở, tự nguyện dâng “mồi” cho công ty đa cấp.
Trong thực tế, RTC đã đẩy nhanh tốc độ phát triển mạng lưới nhờ biết cách khai thác triệt để tâm lý của những người luôn luôn có thừa niềm tin nhưng rất thiếu thông tin. Nắm điểm yếu của “đối tác”, từ lợi dụng lòng tin của những người thân quen đến lạm dụng niềm tin của cộng đồng, RTC đã lần lượt lôi kéo không ít cán bộ cao cấp về hưu và cựu sĩ quan công an, quân đội…tham gia hệ thống trồng rừng đa cấp.
Tổ chức hội nghị, “gióng trống, khua chiêng” chỉ nhằm mục đích thổi phồng tin đồn nguồn vốn…ngoại , RTC đã khôn khéo giới thiệu vài gương mặt là người nước ngoài lên diễn đàn phát biểu với tư cách “đại diện tổ chức phi chính phủ cam kết đồng hành và tài trợ cho các dự án trồng rừng của tập đoàn toàn cầu”.
Không phải bây giờ mới cảnh báo!
Trả lời những câu hỏi của PV báo Lao Động liên quan đến các dự án phát triển rừng bền vững của “công ty cổ phần tập đoàn phát triển rừng toàn cầu”, ông Nguyễn Quang Dương -Vụ trưởng Vụ Kế hoạch -Tài chính của Tổng Cục lâm nghiệp -Bộ NNPTNN, cho biết: “Từ trước đến nay, chưa thấy doanh nghiệp hoặc tổ chức nào có tên gắn với chữ “trồng rừng toàn cầu” hoặc hoạt động dưới hình thức tương tự, liên hệ với Tổng cục lâm nghiệp. Nhưng, nếu “tập đoàn trồng rừng đa cấp” mà báo Lao Động đang điều tra có nguồn gốc xuất xứ từ Công ty TNHH Chế biến -Trồng trọt - Chăn nuôi Thịnh An Khương hoặc Công ty Phúc Thịnh, thì xin nói rõ rằng, những năm từ 2009-2011, khi tôi còn làm Vụ trưởng Vụ phát triển rừng, tôi đã ký nhiều văn bản gửi lãnh đạo Sở NNPTNT của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, khẳng định Bộ NNPTNT không thẩm định bất cứ dự án nào của 2 công ty nói trên và cảnh báo việc thu gom giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp có hành vi lừa đảo.
Đồng thời, Bộ NNPTNT cũng đã chỉ đạo phải quản lý chặt chẽ các dự án trồng rừng tại địa phương, và phổ biến tới các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Rất tiếc, người dân dường như không quan tâm đến sự cảnh báo của cơ quan chuyên môn!”.
Với tư cách lãnh đạo cơ quan quản lý kế hoạch tài chính của Tổng Cục lâm nghiệp, ông Nguyễn Quang Dương nhấn mạnh: “Hiện không có tổ chức phi chính phủ nào của Anh tài trợ, hỗ trợ cho các dự án trồng rừng tại Việt Nam. Công ty trồng rừng toàn cầu nào đó công bố từ năm 2010-2013 đã huy động được nguồn vốn 39 tỷ USD là hoang tưởng. Bộ NNPTNT đã đàm phán một số dự án, tất cả các tổ chức phi chính phủ đều yêu cầu đàm phán với chính phủ và đối tác luôn luôn đòi hỏi chúng ta phải có vốn đối ứng.
Để ngăn chặn hành vi lừa đảo nói trên, mong rằng các cơ quan báo, đài tiếp tục vào cuộc, phân tích cho người dân hiểu rõ đối tượng để tự bảo vệ mình. Xin nói thêm, cách đây không lâu, Thứ Trưởng Bộ NNPTNT đã ký công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo các cấp, ngành địa phương có biện pháp tuyên truyền, phòng ngừa kịp thời, điều tra xác minh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lừa đảo”.
Theo Nhóm PV miền Trung