Xác định xu hướng lãi suất: Chưa dễ!
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ cho rằng, trong 6 tháng đầu năm 2010, tín dụng sẽ được kiểm soát chặt và NHNN phải tính toán rất kỹ việc tăng tổng phương diện thanh toán (nới lỏng), cũng như điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản.
Do đó, khả năng lãi suất cơ bản sẽ tiếp tục được “neo” trong ngắn hạn để giữ ổn định kinh tế vĩ mô. “Năm 2010, chúng ta phải nhất quyết tránh lặp lại tình trạng lạm phát cao như năm 2008”, ông Lịch nói và cho biết thêm, việc siết chặt chính sách tín dụng trong năm 2010 hay không là khó nói, nhưng nếu nói nới lỏng thì khó có thể thực hiện trong bối cảnh thị trường hiện nay.
Cái khó nhất trong điều hành chính sách tiền tệ hiện nay chính là ở giữa hai mục tiêu ngắn hạn “kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế”. Đây có thể là hai mục tiêu ngắn hạn, nhưng phải đợi đến tháng 2/2010 mới có thể tìm ra được lời giải.
Suy thoái kinh tế thế giới đã chạm đáy. Quan điểm chung của các chuyên gia kinh tế là còn tiếp diễn tình trạng suy giảm sức cầu, nhưng chắc chắn đã thoát nguy cơ một cuộc đại khủng hoảng.
Tuy nhiên, theo TS. Lịch, kinh tế toàn cầu đã thực sự bước vào thời kỳ “hậu khủng hoảng”. Vì nếu nhìn từ quý III/2010, các nền kinh tế lớn đã có dấu hiệu tăng trưởng dương; khu vực Đông Á đang phục hồi khá mạnh.
Kinh tế Việt Nam năm 2009 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn năm 2008 và sẽ dần thoát khỏi ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu; có điều kiện để hồi phục nhanh hơn một số nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, năm 2009 và 2010 sẽ là thời điểm có sự sàng lọc nhiệt ngã của thị trường đối nhiều DN trong hầu hết các ngành kinh tế.
Mặt khác, nguy cơ tái lạm phát cao vẫn là vấn đề đặt ra cho năm 2010. Vì thế, trong ngắn hạn vấn đề lãi suất và tỷ giá là bài toán khá phức tạp. Đồng nội tệ tiếp tục ổn định, nhưng vẫn phải điều chỉnh linh hoạt theo tỷ giá của USD so với các đồng tiền mạnh khác trên thị trường quốc tế, nhằm vừa kích thích xuất khẩu vừa giảm nhập siêu, giữ thăng bằng cán cân tổng thể.
Chính sách lãi xuất dương tiếp tục được duy trì. Điều quan trọng được đặt ra chính là giải quyết sự mất cân đối trong cơ cấu tín dụng: ngắn hạn và trung, dài hạn.
TS. Trần Du Lịch cho rằng, đây là bài toán cần được giải quyết, vì trong 2 năm qua, các NHTM đã làm thay cho thị trường về vấn đề này. Bởi nếu TTCK phát triển, các DN có thể huy động được nguồn vốn trên TTCK. Trong khi đó, 2 năm qua do khủng hoảng, chứng khoán Việt Nam suy giảm mạnh, khiến việc phát hành cổ phiếu huy động vốn qua thị trường này trở nên khó khăn.
Trên thực tế, hiện nay, huy động được vốn trung, dài hạn là bài toán khó khăn đối với các NHTM, trong khi đó chủ trương hỗ trợ lãi suất chỉ duy trì đối với loại hình trung, dài hạn.
Ngược lại, xu hướng tiền gửi tiết kiệm chỉ gia tăng ở các kỳ hạn ngắn ngày. Các NHTM tiếp tục huy động kỳ hạn tuần với mức lãi suất từ 8 - 9%/năm ở nhóm NHTM nhà nước và 10 - 10,49%/năm ở nhóm NHTM cổ phần.
Bên cạnh đó, nhiều NHTM tiếp tục áp dụng các hình thức khuyến mại trong huy động như tặng quà, mừng tuổi bằng tiền mặt hoặc cộng thưởng lãi suất. Thế nhưng, nguồn tiền nhàn rỗi vào ngân hàng vẫn chậm và các nhà băng đang kỳ vọng thanh khoản sẽ được cải thiện tốt hơn sau Tết Nguyên đán.
Theo NHNN, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tuần qua đạt xấp xỉ 86.660 tỷ VND và 1.573 triệu USD, bình quân đạt khoảng 17.332 tỷ VND/ngày và 314 triệu USD/ngày.
So với một tuần trước đó, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tuần qua tăng 7.973 tỷ VND và 59 triệu USD. Lãi suất giao dịch bình quân VND trên thị trường liên ngân hàng tuần qua có sự tăng lên đối với tất cả các kỳ hạn so với một tuần trước đó, với mức tăng từ 0,6% đến 2%/năm (ngoại trừ lãi suất kỳ hạn 3 tháng có mức tăng nhỏ nhất là 0,1%/năm).
Trong đó, lãi suất bình quân kỳ hạn 1 tuần và qua đêm có mức tăng cao nhất là 2% và 1,64%/năm. Lãi suất bình quân qua đêm ở mức bình quân 9,67%/năm. Còn lãi suất cho vay cao nhất là 14,5%/năm.
Theo Vân Linh
Báo Đầu tư