1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Hà Nội:

Xác định được chủ nhân máy bay bị "bỏ rơi" tại Nội Bài

(Dân trí) - Gần một năm nay, tại một góc sân bay gần khu quân sự thuộc sân bay Nội Bài có một chiếc máy bay Boeing mang một nhãn hiệu lạ hoắc, nằm dãi nắng dầm mưa...

Chiếc máy bay này có nửa thân dưới và phần đuôi được sơn màu đỏ, nửa thân trên màu trắng với dòng chữ Air Dream.

Tìm kiếm thông tin bằng công cụ trực tuyến cũng như truy cập trang web của IATA - Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế và ICAO - Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, đều không có bất kỳ một dòng chữ nào về hãng bay mang tên Air Dream.

Theo nguồn tin riêng của Dân trí, chiếc máy này không phải bị bỏ rơi, danh tính của chiếc máy bay này cũng không xa lạ với các đơn vị quản lý hàng không Việt Nam.

Chiếc máy bay trên thuộc loại Boeing B727 100 series là loại máy bay hành khách dân sự kiểu Trijet (ba máy phản lực đuôi) đầu tiên trên thế giới. Đời đầu của B727 (B727 100 series) thân máy bay có chiều dài 40,59 m, bề ngang B727 lớn bằng Boeing 707. B727 100 series chở được tối đa 134 hành khách.

Chiếc B727 kể trên thuộc sở hữu một hãng máy bay có trụ sở tại Campuchia và thương hiệu Air Dream không phải tên hãng bay. Trên thực tế, chiếc máy bay này đã bị hỏng một linh kiện và trong khoảng thời gian một năm trở lại đây hãng bay này đã cử nhân viên kỹ thuật tới sửa chữa, bảo dưỡng. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân trong đó có việc không đủ tiền chi trả phí đậu đỗ tại cảng hàng không nên hầu như không có người lai vãng tới. Đây là nguyên nhân khiến có lời đồn đại về việc chiếc máy bay “ma” bị chủ hãng “bỏ của chạy lấy người”.

Từ khi xuất hiện tại Hà Nội cho tới nay, chiếc máy bay này được sử dụng trên đường bay Siêm Riệp (Campuchia) - Hà Nội một vài chuyến thì ngừng bay.

Trao đổi với Dân trí, Ông Võ Huy Cường - Trưởng ban vận tải hàng không Cục hàng không Dân dụng Việt Nam khẳng định: “Không hề có chuyện cơ quan quản lý hàng không dân dụng Việt Nam không hay biết về chiếc máy bay kể trên”.

Theo ông Cường, chiếc máy bay “bị bỏ rơi” thuộc loại Boeing 727 - 200, được hãng Royal Khmer Airlines (R.K.A) khai thác. Hãng bay này được cấp phép bay chuyến Xiêm Riệp - Hà Nội từ lịch bay mùa hè năm 2007 nhưng vì trục trặc kỹ thuật nên phải dừng hoạt động sau vài chuyến bay. Và cho đến nay họ chưa có biện pháp khắc phục.

Trên cơ sở tàu bay không đủ khả năng bay nên Cục hàng không Dân dụng Việt Nam đã thông báo tới phía Cục hàng không Campuchia là sẽ không tiếp tục cấp phép cho đường bay Xiêm Riệp - Hà Nội của R.K.A với chiếc máy bay đó. Đến tháng 8/2007, phía Cục hàng không Campuchia chính thức thông báo xoá đăng ký trong sổ đăng ký tàu bay của Campuchia đối với chiếc B727-200 này.

Ông Cường cũng nhấn mạnh rằng Air Dream không phải tên một hãng hàng không.

Hiện nay, nhiều nguồn tin của Dân trí đều có cùng chung nhận định rằng: chiếc máy bay này của R.K.A cho thuê sau đó bay đến Việt Nam. Trên giấy tờ liên quan lưu tại Cục hàng không Dân dụng Việt Nam đều khẳng định, chiếc máy bay bị “bỏ rơi” được đăng ký ở Campuchia, chứng chỉ đủ điều kiện bay do Cục Hàng không Campuchia cấp và hoàn toàn phù hợp với Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Đáng chú ý, trong hồ sơ gửi tới Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, Hợp đồng bảo hiểm và trách nhiệm dân sự đối với tàu bay của R.K.A có đề cập đến Air Dream Korea. Theo đánh giá của đại diện một hãng hàng không nước ngoài tại Việt Nam thì đây có thể là một công ty du lịch, có mối quan hệ làm ăn với R.K.A để khai thác chuyến bay giữa Campuchia tới Incheon hoặc Seoul (Hàn Quốc). Đây là nguyên nhân để giải thích việc có bản hợp đồng bảo hiểm giữa Air Dream Korea với R.K.A và dòng chữ Air Dream trên thân máy bay.

Trên thực tế, điều này cũng giống như trường hợp một chiếc máy bay Vietnam Airlines từng thuê ngắn hạn, mang thương hiệu Citi Bird.

Phúc Hưng