1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Xã hội hóa ngành nước – vì chất lượng sống của người dân

(Dân trí) - Có nhiều nguyên nhân gây suy giảm tài nguyên nước, và điều quan trọng là cần phải bảo vệ và sử dụng hợp lý để nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc xã hội hóa ngành nước như một giải pháp cho thấy đang phát huy hiệu quả ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Vì sao suy giảm nguồn nước?

Đối với Việt Nam, tài nguyên nước ẩn chứa nhiều yếu tố không bền vững. Có nhiều nguyên nhân gây suy giảm tài nguyên nước nhưng cơ bản đã được các chuyên gia thống kê, đó là: Sự gia tăng dân số sẽ kéo theo sự gia tăng về nhu cầu nước sạch cho ăn uống và lượng nước cần dùng cho sản xuất. Đồng thời, tác động của con người đến môi trường tự nhiên như chặt phá rừng bừa bãi, canh tác nông lâm nghiệp không hợp lý và thải chất thải bừa bãi vào các thuỷ vực... đã và đang gây nên những hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thiếu nước sạch ngày càng trầm trọng. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng khai thác, sử dụng nước xuống cấp và tình trạng sử dụng nước lãng phí, thiếu hiệu quả.

Ở góc độ kinh tế, sự phát triển nóng đang làm phát sinh những mâu thuẫn trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Thêm vào đó là sự khai thác, sử dụng thiếu ý thức và thiếu sự kiểm soát tài nguyên nước mặt và nước dưới đất đã làm cạn kiệt, khan hiếm nguồn nước. Sự thiếu hiểu biết và thiếu những biện pháp phòng chống ô nhiễm cần thiết cũng làm cho tài nguyên nước suy thoái thêm về chất lượng. Việc xả nước thải sản xuất công nghiệp chưa được xử lý vào sông rạch, ao hồ gây ô nhiễm nước mặt, nước dưới đất…

Trong lĩnh vực nông nghiệp cũng gây ra những ô nhiễm đáng kể. Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm chưa có hệ thống xử lý chất thải nước thải, phần lớn cho vào ao hồ, bể tự hoại để thấm vào đất dễ gây ô nhiễm môi trường đặt biệt là nguồn nước ngầm… Hệ thống tưới tiêu và hình thức tưới tiêu không hợp lý là nguyên nhân gây thất thoát lưu lượng nước lớn trong ngành trồng trọt.

Đặc biệt, tác động của biến đổi khí hậu lên tài nguyên nước rất mạnh mẽ. Trái đất nóng lên sẽ làm cho nước biển dâng do đó nhiều vùng thấp ở đồng bằng sông Cửu Long, vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ và ven biển Trung Bộ sẽ bị ngập trong nước biển.

Xã hội hóa ngành nước – vì chất lượng sống của người dân - 1
Đoàn đã dành thời gian đi thăm nhà máy nước Nhị Thành (Long An)- một trong những nhà máy lớn nhất và trực tiếp góp phần giải quyết tình trạng sụt lún ở đồng bằng Sông Cửu Long.

Trước những bức bối về thực trạng ô nhiễm nguồn nước, việc ưu tiên đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất nước sạch tập trung, thay vì khai thác nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt hoặc sử dụng nguồn nước giếng không đảm bảo như hiện tại, trở thành mối quan tâm số một của Chính phủ.

Xã hội hóa ngành nước – vì chất lượng sống của người dân - 2
Ông Vũ Đình Độ- Chủ tịch HĐQT DNP Corp mong muốn IFC sẽ tiếp tục đầu tư và hỗ trợ hoạt động các hội hoá ngành nước tại Việt Nam.

Tăng cường các dự án nước sạch

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), tính đến năm 2020, Việt Nam cần đầu tư tới 1 tỷ USD mỗi năm cho hệ thống cung cấp nước sạch đô thị để đáp ứng nhu cầu sử dụng hiện tại và tương lai. Trong khi ngân sách nhà nước dành cho đầu tư hạ tầng nước sạch còn hạn hẹp, các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh nước sạch không đủ nguồn lực để phát triển dự án mới thì xu hướng xã hội hóa và tư nhân hóa trở thành chìa khóa để giải quyết triệt để vấn đề này.

Để xúc tiến các hoạt động đầu tư tư nhân vào ngành nước tại Việt Nam, chung tay cùng Chính phủ Việt Nam giải quyết các nhu cầu bức thiết về nước sạch cho hàng triệu người dân, ngày 13/8 vừa qua, ông Philippe Le Houérou - Tổng Giám đốc Điều hành Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) – thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group) - cùng nhiều lãnh đạo của tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất thế giới tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các thị trường mới nổi đã tới thăm Nhà máy nước Nhị Thành do công ty cổ phần DNP Water phát triển. Đây là một trong những nhà máy nước – dự án xử lý nước và cấp phát nước thương mại có quy mô lớn nhất Đồng bằng Sông Cửu Long.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn IFC đã có cuộc trao đổi, thảo luận với các lãnh đạo cấp cao của DNP Water về tầm nhìn, chiến lược phát triển bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế của công ty khi đầu tư dài hạn vào ngành nước, cũng như được lắng nghe chia sẻ sự vui mừng của một số hộ dân được hưởng lợi từ nguồn nước sạch do nhà máy sản xuất.

Đại diện DNP mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ IFC về quản trị, tài chính, kỹ thuật công nghệ cũng như tiếp tục ủng hộ các cải cách chính sách trong ngành nước của chính phủ Việt Nam. Từ đó giúp doanh nghiệp sớm hoàn thành mục tiêu trở thành công ty có thị phần số 1 về phát triển, sở hữu và vận hành các dự án cấp nước, tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và phân phối nước sạch, đảm bảo 100% người dân tại các khu vực có hoạt động của công ty được sử dụng nguồn nước tinh khiết, an toàn, hướng tới nâng cao chất lượng sống của người dân Việt Nam.

Xã hội hóa ngành nước – vì chất lượng sống của người dân - 3
TGĐ IFC đánh giá cao kết quả hợp tác giữa DNP và IFC trong suốt thời gian qua.

Trong dài hạn, DNP Water kỳ vọng IFC sẽ mở rộng các công cụ hỗ trợ tài chính với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp có thể xúc tiến việc triển khai xây dựng các dự án nhà máy nước ở nông thôn, ngoại ô trong tương lai; đồng thời tiếp tục hỗ trợ đơn vị trong việc quản trị, xây dựng mô hình và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật trong quản lý, vận hành nhà máy nước.

Nhà máy nước sạch Nhị Thành (Long An) – một trong những dự án nhà máy xây mới có quy mô lớn nhất khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, góp phần trực tiếp giải quyết vấn đề sử dụng nước ngầm, gây ra tình trạng sụt lún nghiêm trọng ở khu vực này chính thức khánh thành ngày 20/04/2019 và đưa vào vận hành cấp phát nước. Đây là dự án nước sạch trọng điểm của tỉnh Long An với dự phòng cấp nước lên đến 80.000 m3/ngày đêm, có tổng số vốn đầu tư 653 tỉ đồng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm