World Bank: “Kinh tế toàn cầu u ám vì Covid-19, Việt Nam là ngoại lệ”

Mai Chi

(Dân trí) - Đây là nhận định của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) về kinh tế Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu bị ảnh hưởng trầm trọng bởi đại dịch Covid-19.

Việt Nam thành công lớn trong kiểm soát và xử lý dịch bệnh

“Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 toàn cầu đầy u ám, Việt Nam nổi lên như là một ngoại lệ nhờ thành công lớn trong việc kiểm soát và xử lý dịch bệnh đến thời điểm này. Thành tựu trên đã được báo chí trong nước và quốc tế cũng như nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới đề cập nhiều lần” - báo cáo Điểm lại được Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) vừa công bố chiều ngày 30/7 cho hay.

World Bank: “Kinh tế toàn cầu u ám vì Covid-19, Việt Nam là ngoại lệ” - 1

Việt Nam vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế dương trong khi nhiều quốc gia ghi nhận tăng trưởng âm

Theo WB, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là ít trầm trọng hơn so với nhiều quốc giá khác. Về mặt này, Việt Nam lại một lần nữa cũng làm tốt so với các quốc gia khác trên thế giới.

Cụ thể, GDP tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù thấp hơn nhiều so với thời gian qua. Lạm phát được kiềm chế dù Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng tín dụng của các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã thể hiện khả năng ứng phó với tác động của Covid-19 trên các cân đối kinh tế đối ngoại, thông qua duy trì được thặng dư thương mại và thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào mặc dù xuất khẩu có bị chững lại trong những tháng gần đây.

Cụ thể, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) (cam kết) đạt gần 16 tỷ USD trong giai đoạn nửa đầu năm 2020.

Mặc dù cân đối tài khóa có xấu đi do thu ngân sách giảm, song theo WB, Chính phủ có khả năng chịu được cú sốc nhờ có dự trữ được tích lũy và sử dụng các nguồn vốn dự phòng, hạn chế phải sử dụng vay nợ mới.

Dù vậy, theo WB, nền kinh tế vẫn bị ảnh hưởng đáng kể bởi khủng hoảng Covid-19 khi tốc độ tăng trưởng GDP theo báo cáo cho nửa đầu năm 2020 chỉ đạt 1,8%. Đây là mức thấp nhất trong ba thập kỷ qua.

World Bank: “Kinh tế toàn cầu u ám vì Covid-19, Việt Nam là ngoại lệ” - 2

Tốc độ tăng trưởng trên cũng thấp hơn 5 điểm phần trăm so với quỹ đạo tăng trưởng theo báo cáo của Việt Nam trong những năm gần đây.

Nhìn cụ thể vào từng ngành, ta thấy ngành nông-lâm-ngư nghiệp có tốc độ tăng trưởng 1,2%, đóng góp được 11,9% cho tăng trưởng kinh tế tổng thể, ngành công nghiệp tăng trưởng 3,0% (tương đương với mức đóng góp 73,1%), còn ngành dịch vụ chỉ tăng trưởng 0,6% (tương đương với mức đóng góp 15%).

So với các mức bình quân trong thời gian qua, ngành dịch vụ chịu tác động tiêu cực lớn hơn (với mức đóng góp giảm 6,3 điểm phần trăm so với năm trước), còn ngành nông nghiệp lại tương đối được miễn nhiễm với mức đóng góp cho tăng trưởng GDP không thay đổi theo thời gian.

Tổ chức này đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 2,8% năm 2020 và 6,7% năm 2020 nếu tình hình trong nước và quốc tế thuận lợi. Tuy nhiên, những dự báo trên còn chịu nhiều bất định và rất có khả năng đòi hỏi Chính phủ phải thay đổi cách thức điều hành chính sách tài khóa để hỗ trợ hiệu quả cho quá trình khôi phục kinh tế.

World Bank: “Kinh tế toàn cầu u ám vì Covid-19, Việt Nam là ngoại lệ” - 3

Không nên hỗ trợ doanh nghiệp một cách “cào bằng”

Vì quá trình quay lại quỹ đạo tăng trưởng như trước Covid-19 có thể mất thời gian, Chính phủ lúc này cần tìm mọi cách để kích thích kinh tế trong vài tháng tới sao cho không gây hại về bền vững tài khóa và bền vững nợ về lâu dài.

Đó không phải là lời khuyên riêng cho Việt Nam mà là khuyến nghị của một số chuyên gia kinh tế xuất chúng trên thế giới, bao gồm cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Oliver Blanchard, gần đây có nói rằng “khi gỡ bỏ cách ly, chính phủ các nước cần chuyển hướng chính sách nhằm hỗ trợ phục hồi và thiết kế ra các biện pháp nhằm hạn chế khó khăn khi điều chỉnh đồng thời bảo tồn được việc làm và các doanh nghiệp hiệu quả” - báo cáo lưu ý.

Nói về việc hỗ trợ khu vực tư nhân phục hồi, WB cho rằng, các cấp có thẩm quyền nên thực hiện theo cách có lựa chọn chứ không nên dùng nguồn lực để hỗ trợ cho mọi doanh nghiệp.

Theo quan điểm của chuyên gia WB, không phải doanh nghiệp nào cũng bị khủng hoảng Covid-19 gây ảnh hưởng như nhau. Một số ít bị ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội, chẳng hạn tại khu vực nông thôn.

Nhiều doanh nghiệp có khả năng phục hồi tương đối nhanh ngay sau khi Chính phủ gỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế đi lại trong nước vào cuối tháng 4. Điều này đặc biệt đúng với các doanh nghiệp nhỏ ở khu vực phi chính thức có khả năng linh hoạt để tái mở cửa và đáp ứng được nhu cầu trong nước tăng lên; doanh số bán lẻ tăng đến 10% vào tháng 5 và tháng 6.

Các doanh nghiệp khác, chủ yếu là doanh nghiệp lớn ở khu vực chính thức, được hưởng lợi từ vốn vay linh hoạt của ngân hàng và các biện pháp giãn thuế được triển khai trong gói hỗ trợ tài khóa được ban hành đầu tháng 4.

Chính vì vậy, theo WB, Chính phủ nên quan tâm nhiều hơn về đối tượng hỗ trợ tài chính, nếu không rủi ro sẽ là lãng phí nguồn lực công khan hiếm và gửi tín hiệu sai cho thị trường.

WB cũng đưa ra dự báo theo kịch bản cơ sở - nghĩa là không có làn sóng lây nhiễm SARS-CoV-2 thứ hai ở Việt Nam và đại dịch trên toàn cầu được từng bước kiểm soát - tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 2,8% trong năm 2020.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng 2,8% theo dự báo là mức thấp nhất của Việt Nam trong 35 năm qua, nhưng chắc chắn Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trên thế giới - theo xếp hạng tại dự báo mới nhất của báo cáo Viễn cảnh kinh tế toàn cầu, chỉ đứng sau một nhóm nhỏ các quốc gia châu Phi.

Trong giai đoạn 2021-2022, nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ quay lại tốc độ tăng trưởng GDP trước đây ở mức khoảng từ 6-7% mỗi năm, khi nhu cầu của nước ngoài tăng lên tại các quốc gia công nghiệp chính.

WB cũng cho rằng, trong vài năm tới, Việt Nam dự kiến tiếp tục hưởng lợi do chuyển hướng đầu tư và thương mại nhờ tham gia nhiều hiệp định khu vực và toàn cầu, bao gồm cả Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) tháng 6/2020.

Trong trường hợp tình hình bên ngoài kém thuận lợi, WB dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ chỉ đạt tăng trưởng lần lượt ở mức 1,5% vào năm 2020 và 4,5% vào năm 2021 (theo kịch bản xấu hơn).

"Cho dù theo kịch bản gì thì Việt Nam vẫn được cho là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trên thế giới vào năm 2020" - báo cáo của WB cho hay.