1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

World Bank: Việt Nam - một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới

(Dân trí) - Giám đốc World Bank nhận định, khi đã trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, Việt Nam dễ bị tổn thương do những biến động bên ngoài, nhất là khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang và thanh khoản trên toàn cầu bị thắt lại.

Việt Nam dễ bị tổn thương do những biến động bên ngoài do độ mở của nền kinh tế lớn.
Việt Nam dễ bị tổn thương do những biến động bên ngoài do độ mở của nền kinh tế lớn.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa phát hành bản tin cuối năm với tên gọi “Âm vang Việt Nam”. Mở đầu báo cáo, ông Ousmane Dione Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: "Năm 2018 vừa qua là một năm tốt đẹp với Việt Nam".

Theo ông Ousmane Dione, thực chất, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả xuất sắc trên nhiều mặt, tốc độ tăng trưởng GDP được duy trì ở mức 6,8% cho dù bối cảnh toàn cầu có nhiều thách thức.

"Đó là con số đầy ấn tượng, cao hơn so với mức bình quân dự báo cho các quốc gia thị trường mới nổi ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Các yếu tố kinh tế vĩ mô căn bản khác đều được đảm bảo, tạo nền tảng vững chắc để quốc gia tiếp tục những thành tựu nổi bật trong tương lai", ông Ousmane Dione đánh giá.

Tuy nhiên, theo chuyên gia từ World Bank, con đường của năm 2019 còn nhiều "mây mờ giăng lối" bởi khi đã trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, Việt Nam dễ bị tổn thương do những biến động bên ngoài, nhất là khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang và thanh khoản trên toàn cầu bị thắt lại.

"Bên cạnh những biến động về thương mại, Việt Nam cũng không tránh hỏi tác động chung của các xu hướng lớn khác, như sự trỗi dậy của nền kinh tế tri thức, biến đổi khi hậu và dân số già đi", ông Ousmane Dione nêu.

World Bank cho rằng, tình hình thay đổi như trên càng thúc đẩy Việt Nam phải đẩy nhanh tốc độ cải cách. Quốc gia có thể nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hấp dẫn bằng cách cải thiện môi trường kinh doanh và tạo tiền đề tốt hơn cho tăng trưởng. "Đó là những nhiệm vụ tối quan trọng của Chính phủ", ông Ousmane Dione nhấn mạnh.

Đánh giá về tác động của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 12/11/2018. World Bank cho rằng, CPTPP là một trong những hiệp định thương mại lớn nhất đến nay, với tiềm năng đẩy mạnh thương mại và đầu tư ở các quốc gia thành viên.

"Trong đó, Việt Nam dự kiến là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất. Hiệp định này, còn gọi là hiệp định thương mại “sâu”hoặc của “thế kỷ 21”, không chỉ quy định về cắt giảm thuế quan và tiếp cận thị trường mà còn mở rộng phạm vi sang các vấn đề về đầu tư, cạnh tranh, thương mại điện tử, quy định đồng bộ, lao động, môi trường, giải quyết tranh chấp giữa nhà nước nhà đầu tư", World Bank đánh giá.

Đồng thời khẳng định, sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực vào ngày 1/1/2019, Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hợp tác, hướng tới triển khai các cam kết trong CPTPP đồng thời hỗ trợ các bước nhằm tạo điều kiện để Việt Nam tận dụng được đầy đủ các cơ hội đem lại.

Phương Dung

World Bank: Việt Nam - một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm