1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

WonderBuy phá sản hay không tùy… chủ nợ!

Trong giải quyết án phá sản, nhiều trường hợp doanh nghiệp (DN) có phương án phục hồi kinh doanh và được các chủ nợ hợp tác để vực dậy DN.

Mới đây, việc Công ty Hợp Nhất (thương hiệu WonderBuy) nộp đơn ra tòa án xin phá sản khiến nhiều khách hàng hoang mang. Chương trình này đưa ra hình thức chiết khấu quá sốc khi cam kết sẽ hoàn tiền lại cho khách hàng mua sản phẩm đến 100% trong vòng năm năm. Trong tình huống WonderBuy gãy gánh giữa đường thế này, theo Luật Phá sản, quyền lợi của khách hàng như thế nào?

Hai phương án giải quyết

Theo quy định của Luật Phá sản, tòa sẽ giải quyết theo một trong hai phương án: Một là, tòa tuyên bố DN phá sản. Khi ấy toàn bộ tài sản của DN sẽ được phát mãi, thanh lý và chia đều các khoản phải trả theo trình tự. Hai là, tổ chức hội nghị chủ nợ và thuyết phục giãn nợ để DN có thể phục hồi kinh doanh trong thời gian 3-6 tháng.

Ông Phan Gia Quí, Chánh Tòa Kinh tế (TAND TP.HCM), cho biết không phải trường hợp nào nộp đơn phá sản thì cũng đi đến tuyên bố phá sản. Thực tiễn giải quyết án phá sản đã gặp nhiều trường hợp DN có phương án phục hồi kinh doanh và được các chủ nợ hợp tác, hỗ trợ cho DN khôi phục.

Ông Quí cũng cho biết giải quyết án phá sản đôi khi gặp vướng mắc, cho nên cứ vừa giải quyết theo quy định, vừa phải linh hoạt, xin ý kiến, suy nghĩ tìm cách giải quyết. Ví dụ, có DN không còn đồng nào cũng không còn tài sản nào để nộp phí, mà theo nguyên tắc thì tòa không thể tùy tiện chi ngân sách ra cho vụ việc. Không nộp phí thì lại không xử được.

Gặp trường hợp như vậy, có khi tòa phải tìm cách sao cho các chủ nợ, các bên liên quan “hỗ trợ” DN, ví dụ như góp các khoản chi phí để đăng báo (theo quy định, có ba giai đoạn trong thủ tục phá sản phải đăng thông tin trên báo trung ương lẫn báo địa phương, mỗi lần đăng đến ba kỳ nên chi phí không phải là nhỏ với DN đang nợ nần chồng chất…). Hay có những vụ phá sản mà chủ DN là người nước ngoài đã bỏ về nước của họ rồi thì tòa gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý tài sản của DN.

Nhìn nhận dưới góc độ quyền lợi của khách hàng, ông Phan Thanh Hà, Tổng Giám đốc WonderBuy, cho biết nếu đạt được thỏa thuận giãn nợ tại hội nghị chủ nợ, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các phương án kinh doanh mới để tiếp tục họat động.

“WonderBuy không muốn trốn tránh các khoản nợ mà ngược lại muốn tiếp tục hoạt động theo Luật Phá sản. Nếu đạt được thỏa thuận thì các quyền lợi của khách hàng và các đối tác sẽ được giải quyết. Tại Mỹ, trong những vụ việc tương tự, các chủ nợ thường thay đổi cách nhìn “chủ nợ - con nợ”, thậm chí họ sẵn sàng trở thành cổ đông, người đồng sở hữu của DN. Thực tế, các chủ nợ cũng không ai muốn sẽ giải quyết theo hướng phát mại tài sản để chia” - ông Hà chia sẻ.

Lựa chọn hình thức kinh doanh là quyền của DN

Theo quy định, chương trình khuyến mãi không quá 50% thì phải đăng ký với Sở Công Thương. Tuy nhiên, chương trình khuyến mãi của WonderBuy này “hứa” sẽ hoàn trả giá trị tài sản từ 30%, 70%, 100% khoản tiền trong tương lai (sau từ một đến năm năm) nhưng không hề đăng ký có bị coi là vi phạm hay không?

Một vị đại diện của Sở Công Thương TP.HCM cho rằng hình thức khuyến mãi này khá mới mẻ tại Việt Nam nên Sở không nắm rõ. Về nguyên tắc, nếu DN không đăng ký, khi bị phát hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Sắp tới, Sở cũng sẽ lưu ý các chương trình khuyến mãi tương tự để có những khuyến cáo phù hợp với người tiêu dùng. Đồng thời sẽ xem xét hình thức kinh doanh khuyến mãi này cũng có phải ký quỹ hoặc có điều kiện ràng buộc về tài chính để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay không.

Vị đại diện này cho biết thêm, thực tế hiện nay khi xin phép thành lập DN, Sở Kế hoạch và Đầu tư quyết là được phép hoạt động chứ không chịu ràng buộc quá chặt về quy hoạch mạng lưới bán lẻ như đối với các nhà bán lẻ nước ngoài… DN này cũng không nằm trong loại hình kinh doanh có điều kiện.

TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Kế toán, tài chính ngân hàng - Trường ĐH Mở TP.HCM, nhận định: “Theo tôi, ở việc này thì cần hiểu DN lựa chọn hình thức kinh doanh như thế nào là quyền của DN. Cần xem khi thực hiện chương trình này DN có đăng ký và xin phép cơ quan quản lý địa phương là Sở Công Thương và mức độ nào đó là Bộ Công Thương hay không.

Ở khía cạnh khác, DN đã đăng ký đầy đủ mà trong kinh doanh thua lỗ dẫn đến phá sản thì chắc chắn quyền lợi của khách hàng sẽ bị ảnh hưởng. Rủi ro khách hàng gặp phải trong chuyện này không liên quan gì đến việc lựa chọn hình thức kinh doanh của DN.
 
Theo Pháp luật TPHCM