1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

WB: Việt Nam là nền kinh tế mở nhất thế giới

(Dân trí) - Trong báo cáo xếp hạng của Ngân hàng thế giới (WB) về logistics, năm 2018, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 36 trên tổng số 160 quốc gia được đánh giá, xếp hạng về logistics, xếp thứ 3 trong các nước ASEAN, tăng 25 bậc so với năm 2016. WB đánh giá, Việt Nam là nền kinh tế mở nhất thế giới.

Xếp hạng nói trên được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thông tin trong Diễn đàn logistics Việt Nam 2018 “Logistics kết nối các vùng tăng trưởng kinh tế”, tại Quảng Ninh sáng nay (7/12). Đây là lần thứ 6 Diễn đàn logistics được WB tổ chức. Diễn đàn năm nay diễn ra trong bối cảnh Đảng, Chính phủ Việt Nam vừa thông qua hàng loạt các chính sách quan trọng và có tính quyết định.

Nhà nước là người “kiến tạo”!

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, logistics đang trở thành một ngành kinh tế thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, các cấp các ngành quản lý nhà nước và của xã hội. Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh nhu cầu xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế.

Quyết định 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 mở ra một giai đoạn mới cho phát triển logistics ở Việt Nam, khi đề ra những giải pháp tổng thể, đồng bộ nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng vật chất, phát triển thị trường cũng như nâng cao nguồn lực con người phục vụ lĩnh vực này.

“Hiện nay, đóng góp của ngành logistics trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là rất khiêm tốm (chỉ 3-4%), nhưng chi phí logistics trong chi phí của doanh nghiệp thì lại rất cao. Logistics đang trở thành một ngành thực sự quan trọng, là ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Phải làm sao để phát triển ngành này, đặc biệt là phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp logistics...” - Phó Thủ tướng trăn trở.

Lãnh đạo Chính phủ cho rằng, Diễn đàn logistics có chủ đề là tăng cường kết nối vùng, đặc biệt là kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, Nhà nước với tư cách là người kiến tạo thì phải xây dựng và hoàn thiện cho được quy hoạch về phát triển kinh tế xã hội nói chung, trong đó có quy hoạch về kết nối hạ tầng và cả phát triển về logistics.

Trên cơ sở liên kết vùng cần tạo ra các chuỗi giá trị của các sản phẩm, các giá trị. Chính phủ và chính quyền địa phương không trực tiếp, chỉ kiến tạo môi trường và điều kiện để cho DN thực hiện và phát triển.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Giám đốc WB tại Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Giám đốc WB tại Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh

Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, Phó Thủ tướng đặt ra vấn đề phát triển ngành logistics như thế nào trong điều kiện Chính phủ điện tử, kinh tế số và thương mại điện tử, Phó Thủ tướng mong muốn Diễn đàn lần này sẽ “hiến kế” phát triển ngành logistics cho Chính phủ, trong đó hướng tới mục tiêu hiện đại hoá và mở rộng quy mô.

Với tư cách là Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo kết nối một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ “đặt hàng” với Diễn đàn về phát triển logistics, trong đó nhấn mạnh yếu tố tích hợp phát triển logistics vào Ủy ban một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo điện tử thương mại.

Việt Nam là nền kinh tế mở nhất thế giới

Tại Diễn đàn logistics, chuyên gia về lĩnh vực giao thông của WB cho biết, Việt Nam là nền kinh tế mở nhất thế giới, tuy nhiên chi phí thương mại ở Việt Nam vẫn rất cao, cao hơn trung bình của Đông Nam Á.

Theo chuyên gia WB, nghiên cứu về thời gian di chuyển trên hệ thống vận tải hiện nay của Việt Nam cho thấy, hơn 33% dân số Việt Nam không thể tiếp cận được hạ tầng đô thị để phát triển và khoảng 10% phải mất rất nhiều thời gian để đi tới đô thị, trong khi đó phương thức vận tải tại Việt Nam hiện chủ yếu là đường bộ.

“Vận tải đường bộ lớn hơn 4 lần so với đường thủy nội địa và đường sắt. Do đó, phải kết nối đa phương thức vận tải, đẩy mạnh vận tải đường thuỷ và đường biển. Phải có sự hỗ trợ về giá và đầu tư để có thể dịch chuyển sang vận tải đa phương thức.” - chuyên gia WB nói.


Phó Thủ tướng đặt hàng Diễn đàn về phát triển logistics.

Phó Thủ tướng "đặt hàng" Diễn đàn về phát triển logistics.

Cùng đó, chuyên gia giao thông của WB cũng nhấn mạnh cần tăng cường kết nối giữa các hành lang kinh tế chính để tăng giá trị xuất khẩu, mở rộng thị trường toàn cầu và tăng giá trị cộng thêm của Việt Nam.

“Ngành dịch vụ vận tải logistics phải mở rộng quy mô và hiện đại hoá, coi kết nối đa phương thức là mục tiêu trung tâm, khi nói về chất lượng logistics là phải tăng “sức đề kháng” của hạ tầng. Những rào cản mềm phải được hỗ trợ, đơn giản thủ tục hải quan, phải cải thiện nhiều hơn nữa để có sự hỗ trợ giữa các ngành, đặc biệt là đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân...” - chuyên gia WB chốt lại vấn đề nghiên cứu vận tải logistics tại Việt Nam.

Chiều 7/12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ khảo sát hoạt động logistics tại Hải Phòng, thăm và làm việc tại cảng Tân Vũ của Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam, thăm nhà máy Vinfast và cảng Lạch Huyện.

Châu Như Quỳnh

WB: Việt Nam là nền kinh tế mở nhất thế giới - 4

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm