1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

WB: Kỷ lục ngoại hối chứng tỏ khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam

Mai Chi

(Dân trí) - WB đánh giá, với dự trữ ngoại hối đạt mốc kỷ lục 92 tỷ USD vào cuối tháng 8 đã chứng tỏ khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.

Thặng dư thương mại hàng hoá cao kỷ lục

Tại báo cáo cập nhật của Ngân hàng Thế giới (WB) về kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa công bố mới đây, tổ chức này lưu ý đến sự xuất hiện các biến động lớn trong một số lĩnh vực và thị trường.

Cụ thể, trong tháng 8, Việt Nam duy trì được thặng dư thương mại hàng hoá với mức 3,5 tỷ USD, đóng góp vào mức thặng dư kỷ lục 11,9 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm.

WB: Kỷ lục ngoại hối chứng tỏ khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam - 1

Thặng dư thương mại kỷ lục và thu hút vốn FDI đã giúp giảm thiểu tác động của việc giảm lượng kiều hối và thu nhập bằng ngoại tệ từ du khách nước ngoài

Giá trị tổng kim ngạch xuất khẩu đi ngang so với tháng 7 nhưng vẫn tăng 2,1% so với cùng kỳ. Con số này cho thấy sự khác biệt lớn giữa các doanh nghiệp khi các nhà xuất khẩu trong nước tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ (tăng 18% so với cùng kỳ), còn doanh thu của các nhà xuất khẩu có vốn nước ngoài lại giảm 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, WB cũng lưu ý rằng, dòng vốn FDI vào Việt Nam dường như đã tạm ngưng trong tháng 8. Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tháng 8 giảm mạnh xuống còn khoảng 720 triệu USD so với con số 3,1 tỷ USD hồi tháng 7.

Lũy kế 8 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký đạt mức 19,5 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ. Theo WB, sự sụt giảm này có thể phản ánh sự bất ổn ngày càng tăng liên quan đến đợt bùng phát dịch bệnh ở Đà Nẵng, với việc các nhà đầu tư nước ngoài tạm dừng để đánh giá tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế.

Báo cáo của WB cũng ghi nhận sự gia tăng mạnh trong dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước từ mức 80 tỷ USD cuối tháng 12/2019 lên mức 92 tỷ USD vào cuối tháng 8. “Mặc dù mức tăng này không cao như mức tăng cùng kỳ năm 2019 nhưng nó chứng tỏ khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam” - theo WB.

Cụ thể, WB đánh giá, Việt Nam đã đạt mức thặng dư thương mại hàng hoá cao kỷ lục và thu hút được dòng vốn FDI lớn cho dù có đại dịch. Hoạt động này đã giúp giảm thiểu tác động của việc giảm lượng kiều hối và thu nhập bằng ngoại tệ từ du khách nước ngoài.

Cán cân thanh toán của Việt Nam đã thể hiện tính chống chịu cao khi tỷ giá VND/USD được duy trì ở mức ổn định.

Tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế tiếp tục xu hướng đi xuống. Xu hướng này được ghi nhận lần đầu tiên vào tháng 2, giảm xuống 9,7% so với cùng kỳ trong tháng 6 và 9,4% so với cùng kỳ trong tháng 7. Mặc dù ở mức thấp so với trước đây, tỷ lệ này vẫn cao hơn nhiều lần tốc độ tăng GDP, phản ánh việc Ngân hàng Nhà nước nới lỏng điều kiện tiền tệ và tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế.

Chính phủ ứng phó nhanh chóng, chuyển sang biện pháp có mục tiêu cụ thể

Báo cáo của WB cũng đưa ra đánh giá, Chính phủ đã ứng phó nhanh chóng với đợt bùng phát dịch ở Đà Nẵng, áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển nghiêm ngặt ở Đà Nẵng, đồng thời tăng cường các yêu cầu về truy vết, kiểm dịch và cách ly xã hội ở các thành phố khác.

Nhờ đó, đường cong lây nhiễm dường như đã được làm phẳng, tỷ lệ lây nhiễm giảm xuống một con số từ cuối tháng 8.

Tính di động - có thể được coi là yếu tố đại diện cho hoạt động kinh tế - đã giảm mạnh ở Đà Nẵng nhưng vẫn tương đối sôi động ở các vùng khác của Việt Nam. Điều này nhấn mạnh sự thay đổi trong chiến lược của Chính phủ, đã chuyển từ chính sách giãn cách xã hội trên toàn quốc hồi tháng 4 sang các biện pháp có mục tiêu cụ thể vào đầu tháng 8.

WB nhận xét, kinh tế trong nước tăng trưởng trong tháng 8 nhưng với tốc độ chậm hơn so với tháng 7 và thấp hơn nhiều so với tốc độ ghi nhận được vào một năm về trước.

So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng 2,1% trong tháng 8, so với mức tăng 4% trong tháng 7. Tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng 8 bị suy giảm 2,3%, so với mức tăng 5,2% trong tháng 7.

Cả khu vực sản xuất và bán lẻ đều ghi nhận mức tăng trưởng chậm hơn đáng kể so với năm ngoái, khi mà cả hai khu vực đều tăng trưởng khoảng 10%.

Trong bối cảnh đó, chuyên gia WB thấy rằng, cho dù nền kinh tế có khả năng phục hồi, song những bất ổn (hiện đang trầm trọng hơn do đợt bùng phát dịch bệnh ở Đà Nẵng) đang ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu trong nước và niềm tin kinh doanh.