Ngỡ ngàng với kỷ lục mới của kinh tế Việt Nam
(Dân trí) - Trong bối cảnh thặng dư thương mại liên tục mở rộng, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào lượng lớn ngoại tệ, đưa dự trữ ngoại hối của Việt Nam lên kỷ lục mới: 92 tỷ USD!
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt kỷ lục mới: 92 tỷ USD
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt khoảng 92 tỷ USD . Quy mô này tiếp tục tăng mạnh sau con số 84 tỷ USD mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cập nhật hồi tháng 4/2020.
Đáng chú ý, theo Thủ tướng, đến cuối năm nay dự trữ ngoại hối có thể đạt con số 100 tỷ USD, tăng nhiều lần so với mức 20 tỷ USD vào đầu nhiệm kỳ.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, cán cân thương mại tháng 8 thặng dư khoảng 2,5 tỷ USD và lũy kế 8 tháng thặng dư 10,93 tỷ USD. Chính nguồn cung ngoại tệ dồi dào đã giúp Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào lượng lớn ngoại tệ trong suốt những tháng đầu năm.
Dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục lên 92 tỷ USD: Mua vào là cần thiết!
Ở góc độ chuyên gia, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng: Dự trữ ngoại hối của Việt Nam liên tục tăng trong cả năm nay, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, cán cân thương mại trong 8 tháng đầu năm thặng dư khoảng 11 tỷ USD.
"Dù chưa nhìn vào số liệu chi tiết của cán cân thanh toán, nhưng tôi đoán cán cân vốn cũng thặng dư. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào liên tục, khiến dự trữ tăng lên như vậy. Việc mua này theo tôi là cần thiết ", TS. Nguyễn Đức Thành cho hay.
Cũng theo ước tính của ông Thành, chúng ta cần tăng dự trữ ngoại hối lên khoảng 6 tháng nhập khẩu. Trong tình trạng hiện nay, mục tiêu cụ thể trong vòng 12-18 tháng tới nên là hướng tới mốc 150 tỷ USD. Theo thời gian, quy mô của nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng và cùng với đó là quy mô xuất - nhập khẩu, thì mục tiêu của dự trữ ngoại hối có thể còn cao hơn nữa.
"Đổ tiền" vào đâu khi vàng "nguội", lãi suất thấp và nhà đất đìu hiu?
“Trong bối cảnh triển vọng kinh tế còn nhiều bất định và lãi suất huy động liên tục giảm, thị trường chứng khoán đang trở nên hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác như vàng hay bất động sản, bởi yêu cầu vốn thấp và tính thanh khoản cao” - chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lý giải.
Báo cáo chiến lược vừa phát hành của VDSC cho thấy, đợt tăng đầu tiên kéo dài từ đầu tháng 8 tới ngày 20/8, thanh khoản trung bình chỉ ngang bằng so với thanh khoản trung bình của cả tháng 7. Tuy nhiên, thanh khoản trung bình những ngày còn lại đột ngột tăng mạnh đạt mức gần 5.500 tỷ đồng/phiên, tăng 43,7% so với thanh khoản trung bình của đợt một.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh trong tháng 8 vừa qua và trở thành một trong những thị trường có diễn biến tốt nhất tháng 8 trên thế giới khi VN-Index tăng tới 10,4%.
Dòng tiền mới đã chảy vào các quỹ chuyên nghiệp hàm ý tín hiệu tích cực đối với các chỉ số chứng khoán.
Mặc dù một phần lượng tiền mặt này có thể được giải ngân vào các cổ phiếu vốn hóa trung bình, nhóm vốn hóa lớn vẫn được ưa chuộng hơn do cơ bản tốt và tính minh bạch. “Điều đó có thể đẩy VN-Index lên mức cao hơn trong tháng 9” - nhóm phân tích dự báo.
“Đại dịch chưa qua mà bong bóng tài sản đã tới thì sẽ là một thảm họa”
TS. Quách Mạnh Hào - chuyên gia tài chính ngân hàng - nhìn nhận: Việc tàn phá của đại dịch là không thể bàn cãi và nó là rủi ro hệ thống mang tính toàn cầu.
“Điều tôi lo ngại lúc này là nếu phản ứng chính sách của chúng ta vận hành theo lối mòn sẽ có thể ảnh hưởng tới diễn biến sau này. Đại dịch chưa qua mà bong bóng tài sản đã tới thì đó là một thảm họa” - ông Hào chia sẻ.
Theo chuyên gia, việc sử dụng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất để kích thích kinh tế là đúng lý thuyết nhưng không nên quên rằng mức độ rủi ro đã cao hơn và lạm phát tương đối cao hơn.
Ông Hào nhìn nhận, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế được Chính phủ kỳ vọng không âm là tốt, thì việc chỉ số giá vẫn đang gần mức mục tiêu cho thấy nền kinh tế có gì đó chưa ổn. Dường như đang chuẩn bị đối mặt với chu kỳ tiếp theo của chi phí tăng cao khi mà rủi ro kinh doanh sẽ là nhân tố chính đẩy giá các yếu tố đầu vào.