1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

WB: Chi phí logistics Việt Nam cao gấp đôi các nước phát triển

(Dân trí) - "Tính theo tỉ trọng GDP, chi phí logistics của Việt Nam là 18%, cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu 14%".

Đây là khẳng định của ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2017 được tổ chức tại Hà Nội sáng nay (15/12).

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam

Logistics là các khâu có liên quan mật thiết đến đầu ra, đầu vào và quá trình gia tăng giá trị của doanh nghiệp (DN), các hoạt động của logistics bao gồm: Nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng...

Theo WB: Dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể về cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng cao hiệu quả logistics, mà bằng chứng là việc thứ hạng của Việt Nam theo chỉ số năng lực logistics (LPI) đã giảm từ 48 năm 2014 xuống 64 năm 2016.

"Sự sụt giảm này cho thấy các nền kinh tế khác đang có sự thăng tiến nhanh hơn nhiều so với Việt Nam, đồng nghĩa với việc Việt Nam đang mất đi lợi thế cạnh tranh", Giám đốc WB tại Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Ousmane khuyến cáo, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần một giải pháp để nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu bên cạnh tự do hóa thương mại nhằm hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một nền kinh tế thu nhập trung bình cao vào năm 2035, khi nền kinh tế và hoạt động xuất khẩu đã phát triển lên trình độ mới, bảo đảm duy trì tăng trưởng nhanh.

Đại diện WB cho rằng, trong 20 năm qua, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) hơn bất kỳ nước nào khác trong khu vực, nhờ đó trở thành một trong những nền kinh tế hội nhập sâu rộng nhất trên thế giới, với tỷ trọng kim ngạch thương mại trên GDP đạt trên 170%.

Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa đạt bình quân 15% trong 5 năm qua, cao gần gấp 5 lần tăng trưởng thương mại toàn cầu. Nhờ đó, Việt Nam hiện đang nổi lên là một trung tâm sản xuất công nghiệp toàn cầu và một trong những điểm đến hàng đầu trên thế giới đối với đầu tư FDI, thu hút khoảng 35 tỷ USD vốn đăng ký vào năm 2017.

Tuy nhiên, lãnh đạo của WB chỉ rõ: Việt Nam vẫn chỉ thực hiện những công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Giám đốc WB khuyến nghị tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam đang bị hạn chế nghiêm trọng do sự yếu kém của hành lang kết nối giữa những trọng điểm tăng trưởng quan trọng với các cửa ngõ quốc tế lớn, chi phí vận tải cao, và chất lượng vận tải và logistics kém.

"Đầu tư vẫn chưa đồng bộ, tập trung chủ yếu vào đường bộ hơn là các loại hình vận tải đa phương thức khác", ông Ousmane nói.

Đại diện WB cho rằng, dù Việt Nam đã lập Ủy ban Tạo thuận lợi Thương mại Quốc gia (NTFC) nhưng đề nghị mở rộng sang mục tiêu phát triển lĩnh vực logistics, cũng như giám sát kết quả thực hiện Chương trình hành động Logistics Quốc gia.

Nguyễn Tuyền

WB: Chi phí logistics Việt Nam cao gấp đôi các nước phát triển - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm