Dịch vụ logistics ở Việt Nam có quy mô 20-22 tỷ USD/năm
(Dân trí) - Việt Nam hiện có khoảng trên 1.300 doanh nghiệp logistics. Dịch vụ logistics đang có quy mô 20-22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP của cả nước.
Có mặt tại hội nghị triển khai: “Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025”, chiều nay (6/3), Thứ Trưởng Bộ Công Thương, Trần Quốc Khánh cho rằng: “Cần có một khuôn khổ để giúp cho UBND các tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ, phát triển dịch vụ logistics. Các doanh nghiệp cũng cần thay đổi trong dịch vụ logistics, vì nếu hoàn thành hết các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch hành động, nhưng doanh nghiệp vẫn giữ thói quen là “Thôi! Các bác cứ để gia đình em làm hết không thuê ngoài” thì dịch vụ của chúng ta cũng không phát triển được".
Cũng tại hội nghị, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics chia sẻ, cuối những năm 1960 - 1970, ngành dịch vụ logistics của nước ta đã qua những bước sơ khai với tên gọi giao nhận, kho vận nhưng chỉ chủ yếu là vận tải biển. Nhưng ngày nay, logistics được nhận định sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế.
Thống kê mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho biết, cả nước hiện có khoảng trên 1.300 doanh nghiệp logistics đang hoạt động, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện có quy mô 20-22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP của cả nước. Nếu chỉ tính riêng khâu quan trọng nhất trong logistics là vận tải, chiếm từ 40-60% chi phí thì cũng đã là một thị trường dịch vụ khổng lồ.
Tuy nhiên, thống kê cũng cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp logistics Việt Nam chiếm hơn 80% tổng số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam, song hầu hết chỉ làm dịch vụ các chuỗi cung ứng nhỏ trong lãnh thổ Việt Nam với một số phân khúc như: Dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ và thị phần tại các cảng... Trong khi đó, các hoạt động lớn hơn, mang tính liên vận quốc tế đều do thiểu số các công ty, tập đoàn đa quốc gia đảm trách.
Ngược lại, các công ty logistics nước ngoài lại đang chiếm giữ tới 80% thị phần, trong khi họ chỉ có khoảng 25 doanh nghiệp hoạt động, hơn 1.200 doanh nghiệp logistics nội địa của Việt Nam còn lại nắm giữ 20% thị phần còn lại.
Tuy nhiên, ông Lê Duy Hiệp cho biết: “Chúng tôi cũng phải cải chính một chút với truyền thông về thực trạng ngành logistics của Việt Nam. Thực ra thì không phải doanh thu của các doanh nghiệp logistics nước ngoài chiếm trên 80% như mọi người vẫn nói. Nếu tính những phần dịch vụ mà thực hiện trên đất nước Việt Nam như: khai thác cảng, vận tải nội địa, kho bãi,...thì hiện nay chúng ta đang chiếm doanh thu lớn. Rõ ràng về vận tải biển quốc tế, vận tải hàng không quốc tế và các dịch vụ bên ngoài Việt Nam" đang hạn chế, vì chúng ta thiếu hệ thống chung trên toàn thế giới. Bởi vì có nhiều doanh nghiệp toàn cầu thành lập đã hơn 100 năm nay, nên họ có xuất phát điểm tốt hơn chúng ta.
Để cho các doanh nghiệp Việt Nam chiếm lĩnh được thị phần, theo ông Hiệp, các doanh nghiệp phải mạnh dạn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cả phần cứng cũng như phần mềm. Bên cạnh đó cũng cần có 1 Ủy ban Quốc gia điều phối các hoạt động logistics. Cụ thể, Ủy ban tạo thuận lợi hóa thương mại Quốc gia (Ủy ban 1 cửa Quốc gia) nên có thêm chức năng quản lý và điều phối về mặt logistics.
Hiện nay, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistic (LPI) của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 64/160 và đứng thứ 4 trong ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan). Với tốc độ phát triển hàng năm đạt 16 - 20%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều nhất của Việt Nam trong thời gian qua.
Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 khẳng định, logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như của từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Sự ra đời của quyết định số 200 là động lực rất lớn cho các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam, vì đây là lần đầu tiên một quyết định được ban hành có 1 lộ trình cụ thể với 60 nhiệm vụ được giao cho các cơ quan, ban ngành, địa phương thực hiện rõ ràng và có thời gian hoàn thành.
Chính phủ cũng nhận định, việc phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hoá, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin.
Việt Nam sẽ phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Vì thế, trong Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên (có thể là từ 40 – 45).
Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, cần hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics; Tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng kết nối hạ tầng logistics. Đầu tư mở rộng hạ tầng logistics nhằm kết nối các cảng của Việt Nam với các nước láng giềng.
Theo kế hoạch, có 6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; Hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; Nâng cao năng lực DN và chất lượng dịch vụ; Phát triển thị trường dịch vụ logistics; Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực; Các nhiệm vụ khác.
Kinh phí để thực hiện Kế hoạch hành động này sẽ được huy động từ các nguồn như: vốn ngân sách Nhà nước; vốn doanh nghiệp; vốn vay từ các tổ chức tín dụng, tài trợ quốc tế và nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Thế Hưng