1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vượt mặt “ông lớn” Đông Nam Á, nữ tướng Vietjet Air “đòi về” hơn trăm tỷ đồng

(Dân trí) - Sau hai phiên giảm giá khá mạnh, VJC phiên này phục hồi khá tốt, tăng 1.300 đồng tương ứng 1% lên 133.300 đồng/cổ phiếu. Nhờ đó, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO của Vietjet Air lấy lại được hơn 181,4 tỷ đồng giá trị tài sản trên sàn. Trong khi đó, Vietjet Air được cho là đã vượt qua Air Asia về vốn hóa thị trường.

CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo đang nắm khối tài sản trị giá 2,7 tỷ USD​ (ảnh: Nikkei)
CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo đang nắm khối tài sản trị giá 2,7 tỷ USD​ (ảnh: Nikkei)

Với 179 mã cổ phiếu tăng giá (12 mã tăng trần) trên sàn HSX, lấn át hoàn toàn so với 105 mã giảm giá, chỉ số VN-Index đã đạt được mức tăng 4,12 điểm (tương ứng 0,45%) lên 926,28 điểm. Trong khi đó, trên sàn HNX, với 90 mã tăng giá (17 mã tăng trần), gấp đôi số mã giảm, chỉ số HNX-Index cũng ghi nhận tăng 0,34 điểm tương ứng 0,33% lên 104,54 điểm.

Thanh khoản thị trường có cải thiện song vẫn khá thấp. Tổng cộng có 145,77 triệu cổ phiếu được giao dịch trên HSX tương ứng 2.762,67 tỷ đồng; con số này trên HNX là 33,52 triệu cổ phiếu tương ứng 440,46 tỷ đồng.

VHM phiên chiều bứt tốc tăng 2.000 đồng lên 74.700 đồng và chỉ riêng mã này đã đóng góp tới 2,09 điểm cho chỉ số chung. Ngoài ra, VRE, VNM, VCB, VJC và SAB tăng giá cũng đã có tác động tích cực với VN-Index.

Sau hai phiên giảm giá khá mạnh, VJC phiên này phục hồi khá tốt, tăng 1.300 đồng tương ứng 1% lên 133.300 đồng/cổ phiếu. Nhờ đó, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO của Vietjet Air lấy lại được hơn 181,4 tỷ đồng giá trị tài sản trên sàn. Tài sản của bà Thảo hiện đạt 2,7 tỷ USD, xếp thứ 862 thế giới – theo thống kê của hãng tin Forbes.

Trong một diễn biến có liên quan, tờ Nikkei (Nhật Bản) trong bài báo đăng tải ngày 8/11 cho biết, với vốn hóa hiện đạt hơn 3 tỷ USD, Vietjet Air đã trở thành hãng hàng không có giá trị lớn thứ 2 Đông Nam Á. Với mức vốn hóa hiện tại, Vietjet Air đã vượt qua cả Air Asia (2,1 tỷ USD) và chỉ xếp sau Singapore Airlines (gần 8,5 tỷ USD).

Ngoài ra, trong phiên giao dịch này, nhóm cổ phiếu thủy sản cũng gây chú ý với loạt cổ phiếu ACL, FMC và IDI chạm mức giá trần. VHC và MPC tiếp tục giữ được đà tăng mạnh mẽ, lần lượt tăng 2.700 đồng (tương ứng 2,7%) và 900 đồng (tương ứng 1,9%). ANV cũng tăng 1.150 đồng, HVG tăng 230 đồng.

Theo nhận xét của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), đà tăng đã được duy trì trong suốt phiên giao dịch nhưng có dấu hiệu bị giảm dần về cuối phiên. Diễn biến dao động giằng co của thị trường có thể sẽ còn tiếp nối trong phiên cuối tuần.

Thanh khoản đạt 137 triệu cổ phiếu, tăng nhẹ so với phiên trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình. Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã tăng điểm. Lực cầu đang tỏ ra thận trọng và có phần e ngại khi thị trường đang đối mặt với vùng cản mạnh.

Trong khi đó, lực cung chỉ chờ bán ở các vùng giá cao đã khiến cho thị trường chưa thể bứt phá mạnh hơn trong phiên tăng điểm hôm nay.

Chỉ số được dự báo sẽ tiếp tục tăng điểm nhẹ với diễn biến giằng co, đan xen các nhịp tăng, giảm trong phiên kế tiếp. Thị trường đang bị kẹp trong vùng được giới hạn bởi cận trên 930-932 điểm và cận dưới 918-923 điểm. Dự kiến đường giá sẽ dao động trong vùng điểm này trong một vài phiên tới.

Với cái nhìn dài hơn, BVSC vẫn kỳ vọng vào xu hướng hồi phục ngắn hạn của thị trường. Đích đến gần nằm tại vùng kháng cự là khoảng 940-950 điểm. Tỷ trọng danh mục tổng được khuyến nghị nên được khống chế ở mức tối đa 40-45% cổ phiếu trong giai đoạn này và nhà đầu tư được khuyên có thể canh bán khi thị trường tiếp cận vùng kháng cự.

Mai Chi

Vượt mặt “ông lớn” Đông Nam Á, nữ tướng Vietjet Air “đòi về” hơn trăm tỷ đồng - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm