1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vững tin vào kết quả đạt được của ngành ngân hàng

Ngay từ khi được bổ nhiệm Thống đốc NHNN từ tháng 8/2011, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã sớm đặt ra 3 mục tiêu cho nhiệm kỳ của mình: Giảm lãi suất, “dẹp loạn” thị trường vàng - ngoại tệ và tiếp theo là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu.

Lần đầu tiên Quốc hội tiến hành chất vấn với sự tham gia giải trình của đầy đủ các thành viên Chính phủ, với 175 câu hỏi được đại biểu đặt ra. Trong các câu hỏi chất vấn tại nghị trường, không có câu nào dành cho vị tư lệnh ngành ngân hàng, đây có thể là một minh chứng cho những gì mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã làm được trong nhiệm kỳ qua, được các vị đại biểu Quốc hội và cử tri ghi nhận.

Ngay từ khi được bổ nhiệm Thống đốc NHNN từ tháng 8/2011, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã sớm đặt ra 3 mục tiêu cho nhiệm kỳ của mình: Giảm lãi suất, “dẹp loạn” thị trường vàng-ngoại tệ và tiếp theo là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu.

Lãi suất giảm 40%

Báo cáo trước Quốc hội ngày 16/11, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa. Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối trong hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) về cơ bản đã được xử lý và kiểm soát. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có đánh giá tích cực về việc cơ cấu lại các TCTD của Việt Nam. Năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của các TCTD được nâng lên, bảo đảm an toàn hệ thống...”.

Thực tế điều hành trong mấy năm qua cho thấy, mặt bằng lãi suất được điều chỉnh giảm phù hợp với diễn biến vĩ mô và lạm phát; mặt bằng lãi suất hiện nay bằng khoảng 40% so với năm 2011. Nhờ đó, thị trường tiền tệ dần ổn định, thanh khoản của nền kinh tế và toàn hệ thống được cải thiện. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế giai đoạn 2011-2014 tăng 12,6%/năm; dự kiến năm 2015 tăng khoảng 17%; cơ cấu chuyển dịch tập trung hơn cho các lĩnh vực ưu tiên.

Tỷ giá cũng được điều hành linh hoạt, ổn định thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng đã tích cực tháo gỡ khó khăn, đổi mới quy trình, thủ tục cho vay vốn tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù như: Mô hình cho vay liên kết, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, chính sách cho vay đối với chăn nuôi, thủy sản, cà phê…

Tính đến tháng 9/2015, tín dụng nông nghiệp nông thôn tăng 63,38% so với cuối năm 2011. Đến tháng 8/2015, so với cuối năm 2012, tín dụng xuất khẩu tăng khoảng 21%; tín dụng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 13%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển tăng 31%; tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 117%.


Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình 

 

Đại biểu Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) cho rằng, các ngân hàng đã triển khai rất tốt Nghị định 67 hỗ trợ phát triển ngành thủy sản và đặc biệt hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Nhờ đó, đã giúp nhiều ngư dân ở miền Trung tiếp cận được với nguồn vốn này để đóng thuyền ra khơi. Đại biểu Nam cũng đề xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên tập trung triển khai, xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá, nhất là tại các địa phương ở khu vực ven biển miền Trung để chế biến và xuất khẩu hải sản.

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, nỗ lực và kết quả của ngành ngân hàng được thể hiện trong 5 thành tựu: Một là, lạm phát và mặt bằng lãi suất giảm mạnh; hai là, hoàn thành cơ bản mục tiêu về tái cơ cấu; tiếp theo là sớm đưa nợ xấu về ngưỡng an toàn và làm lành mạnh hóa một bước môi trường kinh doanh trong lĩnh vực này; cuối cùng, thông qua tín dụng chính sách đóng góp tích cực vào giảm nghèo.

Giảm 17 tổ chức tín dụng

Liên quan đến Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD, báo cáo của Chính phủ cho biết, đến nay, tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối trong hệ thống các TCTD về cơ bản đã được xử lý và kiểm soát. Bên cạnh đó, NHNN cũng đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD trên nguyên tắc tự nguyện. Nhờ đó đến nay đã giảm 17 tổ chức và 2 chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang trong quá trình thanh lý.

Thực hiện quyết liệt Đề án xử lý nợ xấu của các TCTD; tăng cường thu hồi, cơ cấu lại, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro của TCTD; phát huy vai trò của VAMC. Nhờ đó, nợ xấu được kiểm soát, đến cuối tháng 9/2015 còn 2,93%, (từ 2012 đến tháng 9/2015, 98,09% nợ xấu tương đương 455,79 nghìn tỷ đồng đã được xử lý, trong đó bán nợ xấu cho VAMC chiếm 42% và các biện pháp TCTD tự xử lý chiếm 58%). Lũy kế từ năm 2013 đến 30/9/2015, VAMC đã mua 191 nghìn tỷ đồng của 39 TCTD với số lượng 15.257 khách hàng vay và 23.206 khoản nợ; phối hợp với các TCTD thu hồi nợ được 14.846 tỷ đồng (trong đó thu hồi nợ từ khách hàng vay là 10.949 tỷ đồng, bán nợ là 2.789 tỷ đồng, bán tài sản bảo đảm là 1.108 tỷ đồng).

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, trên lĩnh vực ngân hàng, hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được thực hiện có hiệu quả, góp phần ổn định đồng tiền Việt Nam, khơi thông dòng tiền đầu tư, lành mạnh hóa quan hệ của hệ thống ngân hàng. Việc xử lý nợ xấu đạt kết quả tốt, nợ xấu giảm từ 17,2% xuống còn 2,9% năm 2015.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, tất cả chúng ta còn nhớ vào đầu nhiệm kỳ này, nguy cơ đổ vỡ của hệ thống ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu tăng cao, tín dụng rủi ro cao khiến cả xã hội lo ngại về hệ lụy của nó đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta vẫn có thể tin vào những kết quả đã đạt được. “Hơn nữa, vào năm 2012, khi dòng tiền tín dụng đổ ào ạt vào bất động sản, khiến tình trạng “bong bóng” bất động sản và nợ xấu tăng cao. Với sự nỗ lực của NHNN và Bộ Xây dựng cũng đã có những giải pháp rất hữu hiệu, vừa giải quyết tồn đọng bất động sản, vừa kiềm chế dòng tiền tín dụng đổ vào bất động sản và đó chính là một trong những nguyên nhân làm tăng nợ xấu”, đại biểu Cương nhấn mạnh.

Theo Ngọc Quyết
Quân đội Nhân dân

 

Vững tin vào kết quả đạt được của ngành ngân hàng - 2