1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Vua nhà hàng Việt" tại Nhật

Với 30 nhà hàng VN tại Tokyo và vùng phụ cận, đồng thời đang dự định tăng thêm 20 nhà hàng trong sáu tháng tới - đó là cơ ngơi của ông Keiichi Miyamoto sau bốn năm “làm quen” với ẩm thực VN - người được mệnh danh là “vua nhà hàng Việt” tại Nhật.

Mở nhà hàng vì mê VN

“Tôi mê VN lắm và dường như chính sự đam mê này đã giúp tôi thành công” - ông Keiichi Miyamoto bắt đầu câu chuyện của mình như vậy.

Từng đến VN nhiều lần và cũng từng có cửa hàng bán đồ lưu niệm VN, song ông Keiichi Miyamoto chính thức bước chân vào “thế giới ẩm thực Việt” bắt đầu từ bốn năm trước. Khi đó, làn sóng du khách Nhật đến VN bắt đầu bùng nổ, nhiều người Nhật sau những chuyến đi du lịch VN trở về bỗng trở nên ghiền phở, bún bò, nem cuốn...

Trong khi đó, tại Tokyo và nhiều thành phố ở Nhật lúc bấy giờ chỉ có vài ba nhà hàng VN. Ở một vài siêu thị lớn lúc này cũng đã bán thực phẩm đóng gói từ VN xuất sang nhưng số lượng không đáng kể.

"Điều gì đã khiến hệ thống nhà hàng của ông phát triển một cách nhanh chóng như vậy?”. Ông Keiichi Miyamoto cười: “Tại món ăn của các bạn quá hấp dẫn!”. Có lần, nhóm ba thực khách đến nhà hàng, sau khi ăn xong đã bày tỏ sự ngưỡng mộ rằng “nhờ đến ăn món ăn Việt đều đặn nên da mặt ai cũng rất đẹp”. Thì ra, trong hầu hết các món ăn Việt có rất nhiều rau xanh và đây chính là yếu tố khiến phụ nữ Nhật rất thích.

Nhận thấy đây là một thị trường tiềm năng, Keiichi Miyamoto quyết định đầu tư vào lĩnh vực này và khởi sự bằng một nhà hàng nhỏ ở trung tâm Tokyo. “Nguồn thực phẩm để chế biến các món ăn và các vật dụng để trang bị một nhà hàng theo kiểu VN quá rẻ lại rất phong phú càng khiến tôi phải nhanh chóng thành lập nhà hàng” - ông Keiichi Miyamoto bày tỏ.

Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”, thời gian đầu do chưa quen khách, phần khác về phong cách ẩm thực chưa đạt “chuẩn Việt” nên số lượng khách đến nhà hàng không nhiều. Suy nghĩ mãi ông quyết định sang VN “tầm sư học đạo”, đồng thời mời các đầu bếp chuyên nghiệp từ VN sang.

“Với nhiều khách Nhật khó tính, chỉ có người Việt làm bếp, nguyên liệu Việt mới thật sự thuyết phục được họ, còn nếu không thì họ sẽ chỉ ghé lại một lần” - ông Keiichi Miyamoto nói.

Không chỉ đầu bếp là người Việt, nhân viên phục vụ cũng là những du học sinh VN đang học tại Nhật đến làm theo dạng bán thời gian. Đồng thời hầu hết nguyên liệu chính dùng chế biến các món ăn VN như: hải sản đông lạnh, chả giò, gia vị, bún, miến... cũng được nhập từ VN.

Khách đến nhà hàng tăng lên thấy rõ, ông bắt đầu xây dựng nhà hàng thứ hai, thứ ba... Cứ thế trong vòng bốn năm, chuỗi nhà hàng VN của ông giờ đây đã tăng lên 30, với tổng cộng trên 300 nhân viên là người Việt. Và doanh thu năm 2005 của chuỗi các nhà hàng đạt 35 triệu USD!

"Thổi" lòng nhân hậu vào phong cách phục vụ

Mỗi ngày hệ thống nhà hàng của ông đã đón tiếp và phục vụ khoảng 6.000 thực khách. Trong đó có không ít thực khách chưa hề đặt chân, cũng chưa hiểu gì nhiều về VN. “Tôi cứ phải dặn nhân viên phục vụ của mình: người Việt các bạn rất nhân hậu, chân tình và cởi mở, do đó khi đón khách phải làm sao thể hiện được điều đó không chỉ trên khuôn mặt, cử chỉ... mà phải bằng cả trái tim. Có như vậy khách mới trở lại với mình” - ông Keiichi Miyamoto tâm sự.

"Vua nhà hàng Việt" tại Nhật - 1

  

Khách Nhật xếp hàng đến ăn tại quán Last Saigon (Tokyo).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sau những năm tháng thành công tại Nhật, đầu tháng mười hai năm nay ông Keiichi Miyamoto quyết định chuyển hướng sang VN. Một nhà hàng chuyên về món tepanyaki (một dạng bíttết Nhật) ở đường Ngô Văn Năm (Q.1, TPHCM).

“Thông qua Kacyo (tên nhà hàng), chúng tôi muốn giới thiệu đến người dân VN một loại hình ẩm thực khá độc đáo của người Nhật” - ông Keiichi Miyamoto bộc bạch.

Điều khá thú vị là áp dụng theo mô hình nhà hàng Việt ở Nhật, toàn bộ cách bài trí từ phông, màn, rèm, ghế, cho đến đầu bếp đều được ông đưa từ Nhật sang nhằm tạo một không gian hoàn toàn Nhật cho mọi thực khách đến đây thưởng thức.

Tuy nhiên, ông Keiichi Miyamoto cho biết mục tiêu cuối cùng của việc đầu tư sang VN sẽ không dừng ở nhà hàng mà sẽ mở rộng sang lĩnh vực chế biến thực phẩm Việt. “Chúng tôi sẽ lập những xưởng sản xuất chế biến hàng nông sản, thủy sản qui mô vốn khoảng 2-3 triệu USD nhằm cung cấp cho hệ thống nhà hàng tại Nhật” - ông Keiichi Miyamoto cho hay.

Tự tin khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này, ông Keiichi Miyamoto khẳng định: “Khảo sát tại nhiều nơi cho thấy nhiều mặt hàng nông thủy hải sản của VN chưa qua chế biến giá thấp hơn đến vài chục lần so với hàng cùng loại ở thị trường Nhật, chính vì vậy nếu đầu tư vào lĩnh vực này chúng tôi tin tưởng chắc chắn sẽ thành công”.

Theo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm