Vụ Tổng thầu Trung Quốc đòi thanh toán 50 triệu USD: Không có cơ sở!
(Dân trí) - Cuối tuần qua, trả lời phỏng vấn của Dân trí về yêu cầu thanh toán 50 triệu USD của tổng thầu Trung Quốc tại dự án ĐSTC Cát Linh-Hà Đông, Bộ trưởng Giao thông Vận tải khẳng định: Không có cơ sở!
Bộ trưởng GTVT: Không thanh toán 50 triệu USD cho Tổng thầu Trung Quốc!
Việc Tổng Giám đốc Cục 6 Đường sắt Trung Quốc - Tổng thầu Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) “đòi” phía Việt Nam thanh toán thêm 50 triệu USD (khoảng 1.000 tỷ đồng) để chạy thử tàu đã gây xôn xao dư luận gần 2 tuần qua.
Tuy nhiên, theo tin mới nhất, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã nói với PV Dân Trí khi trả lời phỏng vấn rằng: “Tiền nhà nước chứ đâu phải tiền của cá nhân mình. Tất cả phải sống và làm việc theo pháp luật, không còn cách nào khác, tất cả phải theo đúng quy định”.
Bộ trưởng GTVT cũng nêu rõ: Việc thanh toán phải có cơ sở, không phải tự nhiên nói thanh toán là thanh toán. Yêu cầu của phía Trung Quốc không có cơ sở để thanh toán.
“Hiện chưa có văn bản nào về việc Tổng thầu Trung Quốc yêu cầu thanh toán 50 triệu USD. Phải đủ cơ sở thì mới thanh toán được và thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tái khẳng định và cho biết “cho tới thời điểm này chưa có thông tin gì mới từ phía Tổng thầu”.
Một tỉnh Trung Quốc có 2.000km cao tốc, Việt Nam 35 năm làm 400 km
Phát biểu tại phiên thảo luận chiều 11/6 tại Quốc hội, đại biểu Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các Vấn đề xã hội của Quốc hội - nhắc lại thông tin từ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề cập mới đây rằng “tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) trung bình 3 năm làm hơn 2.000km đường cao tốc, trong khi Việt Nam sau 35 năm đổi mới mới chỉ có hơn 400km”.
Ông Phong cảm thán: “Thật xót xa! Dự án cao tốc Bắc - Nam là huyết mạch rất quan trọng, tạo ra giá trị kinh tế lớn, thế mà bây giờ chúng ta chưa làm được bao nhiêu”.
Về chuyển đổi 3/5 dự án từ đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) sang đầu tư công, vị đại biểu cũng bày tỏ sự băn khoăn khi tờ trình của Chính phủ nói rằng chuyển sang đầu tư công thì tiến độ thực hiện dự án sẽ nhanh hơn: “Tôi nói thật, làm vốn tư nhân bỏ ta thì lúc nào cũng làm nhanh và tốt. Nay chúng ta bảo chuyển sang đầu tư công nhanh hơn khiến tôi rất băn khoăn”.
Bộ Công Thương bác bỏ thông tin 100% người dân hài lòng việc tăng giá điện
Bộ Công Thương có báo cáo khẳng định: “ 100% người dân hài lòng về việc tăng giá điện”, đây là một thông tin “nóng” được chia sẻ rầm rộ trên các trang web và mạng xã hội tuần vừa qua.
Thế nhưng, Bộ Công Thương vừa chính thức lên tiếng cho biết đây là “thông tin không chính xác”.
Tại phiên họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 21/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã quán triệt chỉ đạo không xem xét điều chỉnh tăng giá điện trong cả năm 2020.
Và để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Bộ Công Thương cũng đã báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt phương án giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện trong thời gian 3 tháng.
Tăng cao lần thứ 3 liên tiếp, giá xăng RON 95 vượt mốc 14.000 đồng/lít
Từ 15 giờ chiều ngày 12/6, giá xăng E5 RON 92 đã chính thức được điều chỉnh tăng 988 đồng/lít; Xăng RON95 tăng 955 đồng/lít; Dầu diesel tăng 766 đồng/lít; dầu hỏa tăng 853 đồng/lít; Dầu mazut tăng 830 đồng/kg.
Sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON92 có giá bán tối đa là 13.390 đồng/lít; Xăng RON 95 là 14.080 đồng/lít; Dầu diesel 11.515 đồng/lít; Dầu hỏa 9.610 đồng/lít; Dầu mazut 10.322 đồng/kg.
Như vậy giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng lần thứ 3 liên tiếp sau chuỗi giảm sâu do dịch Covid-19.
Lấy nước mương thải đóng bình “tinh khiết” tiêu thụ cả ở các trường học
Tin gây “sốc” nhất tuần qua có lẽ là việc Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hải Phòng vừa tiến hành lập biên bản và yêu cầu Công ty TNHH Phúc Hà phải tạm dừng hoạt động cơ sở sản xuất nước uống đóng bình Trường Thành, ở thôn Phương Chử Đông, xã Trường Thành, huyện An Lão do sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.
Qua kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở sử dụng nguồn nước được lấy trực tiếp từ mương phía sau cơ sở để sản xuất nước uống đóng bình. Đây là mương nước thải sinh hoạt của các hộ dân quanh khu vực thôn Phương Chử Đông, xã Trường Thành, huyện An Lão.
Theo giấy phép kinh doanh, chủ cơ sở sản xuất nước lọc tinh khiết mang nhãn hiệu Vimass thuộc Công ty TNHH Phúc Hà, do ông Nguyễn Ngọc Thiện làm chủ.
“Cơ sở này hoạt động sản xuất nước đóng bình từ năm 2008. Qua kiểm tra thì giấy đủ điều kiện hoạt động cũng đã hết hạn từ năm 2018, đến nay chưa được cấp lại”, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hải Phòng cho biết.
Hiện chất lượng nước đầu ra của đơn vị này vẫn đang được kiểm nghiệm và chưa có kết luận. Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, bình quân mỗi ngày cơ sở này bán ra 200 bình, mỗi bình có dung tích 20 lít. Giá bán từ 9-10.000 đồng/bình. Nơi tiêu thụ là một số cơ quan, doanh nghiệp, trường học, các đại lý trong dân…
Nghi vấn thao túng giá thịt lợn, Thủ tướng chỉ đạo 3 bộ xem xét, xử lý
Liên quan đến vấn đề “sốt” giá thịt lợn , Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam vừa có văn bản trình Thủ tướng trong đó nêu kiến nghị: cơ quan chức năng nên kiểm tra làm rõ nguyên nhân giá thịt lợn vẫn cao như hiện nay bất chấp thịt nhập khẩu tăng tới 328%, tốc độ tái đàn tăng mạnh và cầu giảm.
Tuy không có doanh nghiệp nào có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường, nhưng có hay không một doanh nghiệp nào đó có sức mạnh đáng kể để lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, từ đó áp đặt giá. Có hay không hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, thao túng giá, găm hàng trục lợi?
Ngay sau khi nhận được bản kiến nghị này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.
Thủ tướng yêu cầu cả 3 Bộ nghiên cứu báo cáo và kiến nghị của Hội, tuỳ theo chức năng và nhiệm vụ được giao để chủ động thực hiện đầy đủ các giải pháp và xử lý theo thẩm quyền để bình ổn giá thịt lợn.
Khẩu trang tụt giá ngang trước dịch, dân buôn bán tháo vẫn ế hàng
Một mặt hàng từng là tâm điểm quan tâm của công chúng là khẩu trang thời gian gần đây cũng đang cho thấy diễn biến giá bất ngờ.
Còn nhớ, vào cuối tháng 1, khi dịch Covid-19 vừa bùng phát tại Việt Nam, giá một hộp khẩu trang thời điểm đó lên tới 450 nghìn đồng. Nhưng theo khảo sát hiện tại của phóng viên, giá khẩu trang y tế trên thị trường chỉ dao động từ 45 - 70 nghìn đồng/hộp.
Nguyên nhân xuất phát từ việc nhiều xưởng sản xuất và gia công khẩu trang được mở ra đã khiến lượng cung trên thị trường tăng mạnh. Hơn nữa, dịch ở Việt Nam và các nước láng giềng đã kiểm soát được nên nhu cầu thu mua giảm hẳn. Đó là chưa kể, đa phần khẩu trang sản xuất kiểu này đều không có giấy tờ hoặc không xin được giấy xuất đi các nước châu Âu, châu Mỹ, nên chỉ tiêu thụ trong nước.
Thực trạng này đã khiến nhiều dân buôn phải đẩy hàng sớm. Càng ôm lâu tiền lỗ càng nhiều, chưa kể, rủi ro về pháp lý hoặc không bán được hàng.
Mai Chi (tổng hợp)