1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Vụ "thâu tóm" Sông Đà 1.01 của Khánh Phương và vợ Vũ Thị Thúy

Mai Chi

(Dân trí) - Trong gần một năm qua, Sông Đà 1.01 chứng kiến màn thâu tóm nhanh gọn và những cú rút cổ phần dồn dập từ phía vợ chồng bà Vũ Thị Thúy.

Ồn ào "thâu tóm" doanh nghiệp 

Ông Phạm Khánh Phương, Ủy viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 (mã chứng khoán: SJC), vừa thông báo đã bán ra toàn bộ 908.576 cổ phiếu SJC còn lại (chiếm tỷ lệ 13,1% vốn điều lệ), hạ sở hữu tại Sông Đà 1.01 về 0%.  

Giao dịch được thực hiện trong khoảng thời gian 7/8-25/8. Ông Phương chính thức không còn là cổ đông của doanh nghiệp. 

Trước đó, việc ông Phạm Khánh Phương vốn được biết đến trên vai trò ca sĩ nổi tiếng (nghệ danh Khánh Phương) gia nhập hàng ngũ lãnh đạo Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 (mã chứng khoán SJC), đồng thời là cổ đông lớn của doanh nghiệp này đã khiến không ít người cảm thấy bất ngờ, thú vị.

Khánh Phương nổi tiếng trong giới giải trí với ca khúc đình đám một thời là "Chiếc khăn gió ấm". Chính vì vậy, khi nghệ sĩ này bước vào hoạt động kinh doanh, trở thành Thành viên Hội đồng quản trị và chi một khoản tiền lớn để trở thành cổ đông lớn Sông Đà 1.01, doanh nghiệp này cũng trở thành tâm điểm quan tâm của công chúng.

Vụ thâu tóm Sông Đà 1.01 của Khánh Phương và vợ Vũ Thị Thúy - 1

Bà Vũ Thị Thúy được bầu làm Chủ tịch HĐQT Sông Đà 1.01 vào cuối năm 2022 (Ảnh: SJC).

Điều đáng nói là sự xuất hiện của ông Phạm Khánh Phương tại Sông Đà 1.01 lại gắn với nhóm cổ đông mới liên quan đến tân Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty này là bà Vũ Thị Thúy.

Cụ thể, ông Phương mua vào gần 3,2 triệu cổ phiếu SJC tương đương 45,51% vốn điều lệ công ty này vào ngày 28/10/2022 thì chưa tới 1 tháng sau, bà Thúy mua lại hơn 1,63 triệu cổ phiếu SJC từ ông Phương, chiếm tỷ lệ 23,12% vốn điều lệ.

Trở thành cổ đông lớn của Sông Đà 1.01, vào cuối năm 2022, ông Phương tham gia HĐQT Sông Đà 1.01 - cũng chính là thời điểm mà thượng tầng doanh nghiệp này "thay máu" thông qua một phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường với vai trò Chủ tịch HĐQT trao cho bà Vũ Thị Thúy.

Phiên họp này đã bãi nhiệm các thành viên HĐQT lúc đó và nâng số lượng thành viên HĐQT lên 5 người.

Ngoài bà Thúy là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Bất động sản Nhật Nam, ông Phương - Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Nam Nhật Khang, còn có ông Trịnh Văn Tôn - Phó tổng giám đốc Bất động sản Nhật Nam, ông Nguyễn Văn Đức - Tổng giám đốc Nam Nhật Khang, Thành viên Ban chiến lược Bất động sản Nhật Nam.

"Người cũ" còn lại là ông Tạ Văn Trung, vốn là Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc công ty.

Tháng 6 vừa qua, giới đầu tư mới "ngã ngửa" khi ông Phương bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) bêu tên và xử phạt nặng đối với hành vi mua bán cổ phiếu, trở thành cổ đông lớn của Sông Đà 1.01 mà không báo cáo (giao dịch "chui").

Bên cạnh việc bị xử phạt hành chính tổng cộng 245 triệu đồng, ông Phạm Khánh Phương - Thành viên Hội đồng quản trị Sông Đà 1.01 - buộc phải bán cổ phiếu SJC nhằm giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới mức phải chào mua công khai. Yêu cầu này của cơ quan quản lý cũng giải thích việc vì sao ông Phương cấp tập bán ra toàn bộ cổ phiếu SJC trong ít tháng gần đây.

Sau quyết định xử phạt của UBCKNN, đến đầu tháng 7, ông Phương chính thức có báo cáo lên cơ quan quản lý về kết quả giao dịch cổ phiếu của người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ. Tuy nhiên, điều thú vị là mối quan tâm của công chúng lại dồn vào chi tiết: Ông Phương đã có vợ, không còn trạng thái "độc thân". Vợ ông Phương không ai khác là bà Vũ Thị Thúy.

Kể từ đó tới nay, chỉ trong 2 tháng, hàng loạt thông tin về nhân sự và giao dịch cổ phiếu tại Sông Đà 1.01 bị "ém" kể từ cuối năm 2022 mới được bung ra.

Cụ thể, ngày 24/8, công ty này mới công bố việc bà Thúy được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật (kể từ 31/12/2022) và sau đó được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Sông Đà 1.01 từ ngày 21/3 thay ông Tạ Văn Trung. Việc công bố thông tin bị chậm trễ từ 5 đến gần 9 tháng.

Tình hình hoạt động của Sông Đà 1.01

Cũng trong khoảng thời gian mà vợ chồng bà Thúy, ông Phương lãnh đạo, Sông Đà 1.01 không hề có báo cáo tài chính nào tại các kỳ quý I, quý II, soát xét bán niên để cung cấp cổ đông và nhà đầu tư theo quy định.

Đồng thời, công ty này cũng chưa có báo cáo tài chính kiểm toán của năm 2022. Chính nguyên nhân này khiến cho cổ phiếu SJC bị hạn chế giao dịch, chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần. 

Công ty cũng chưa thể tổ chức phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Ngày 21/8, Sông Đà 1.01 có văn bản thông báo hoãn họp đại hội cổ đông thường niên 2023 lần 2 vào ngày 27/8 do HĐQT yêu cầu bổ sung thêm nội dung kinh doanh. Công ty này đang tiến hành xây dựng kế hoạch, phương hướng hoạt động để Hội đồng quản trị họp thống nhất, thời gian cụ thể tổ chức ĐHĐCĐ 2023 vẫn chưa được công bố.

Trước đó, phiên họp lần thứ nhất vào ngày 28/6 bất thành do không đáp ứng đủ tỷ lệ số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết. Tổng số cổ đông có mặt và ủy quyền cho người khác thay mặt tham dự và biểu quyết tại phiên họp chỉ 4 cổ đông, sở hữu và đại diện cho 10,56% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Trong báo cáo gửi cơ quan quản lý, bà Thúy cho hay, do không đủ điều kiện tiến hành nên công ty đã tiến hành dừng cuộc họp. Mặt khác, chủ tịch HĐQT của công ty không tham gia đại hội nên không bầu chủ tọa. "Tình hình an ninh trật tự tại đại hội không được ổn định. Người nhận ủy quyền của cổ đông cố tình gây rối, cản trợ các công việc diễn ra tại đại hội" - bà Vũ Thị Thúy cho hay.

"Thâu tóm" Sông Đà 1.01 với tư cách cổ đông lớn, tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vợ chồng bà Thúy - ông Phương cùng các doanh nghiệp có liên quan đã thoái sạch cổ phiếu.

Cụ thể, bà Thúy bán gần như toàn bộ cổ phiếu SJC vào cuối tháng 3 (chỉ còn sở hữu 22 cổ phiếu - lô lẻ); ông Phương bán hết cổ phiếu SJC trong tháng 8 như đã đề cập ở trên. Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Nhật Khang - công ty của ông Phạm Khánh Phương và Công ty Cổ phần Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam cũng đã thoái sạch cổ phần tại Sông Đà 1.01.

Ngoài ra, Sông Đà 1.01 còn dính bê bối không trả đủ lương cho ông Lê Hà Phương - Giám đốc điều hành công ty - khiến ông này đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.