1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bình Định:

Vụ tàu 67 hư hỏng: “Nếu hỏng phải thay máy mới chứ không sửa”

(Dân trí) - Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định đã yêu cầu cơ sở có máy tàu hư hỏng phải thay mới cho ngư dân chứ không sửa.

Ngày 9/6, tại TP Quy Nhơn (Bình Định), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp cùng UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị Chuyên đề đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định… Đặc biệt là nhiều ngư dân có tàu vỏ thép hư hỏng rất mong muốn cơ quan chức năng sớm làm rõ trách nhiệm cơ sở đóng tàu hư hỏng.

Yêu cầu công ty đóng tàu phải bồi thường và trả nợ cho ngư dân

Báo cáo tại hội nghị, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết: “6 ngày qua, Tổ giám định chất lượng tàu vỏ thép của UBND tỉnh kiểm tra 18 tàu hư hỏng đã có được những kết quả ban đầu. Dự kiến ngày 20/6, sẽ báo cáo kết quả rộng rãi để tìm hướng giải quyết”.

Hội nghị Chuyên đề đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/CP về một số chính sách phát triển thủy sản tổ chức tại Bình Định
Hội nghị Chuyên đề đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/CP về một số chính sách phát triển thủy sản tổ chức tại Bình Định

Theo kết quả ban đầu, Tổ thẩm định ghi nhận vỏ tàu bị rỉ sét, chất lượng thép không đúng theo hợp đồng (thay thế thép Hàn/Nhật bằng thép Trung Quốc), sơn không đảm bảo theo quy trình, máy tàu không phải chính hãng Mitsubishi và linh kiện bên trong máy không phù hợp, thiết bị hàng hải chưa đúng thiết kế…

Ông Hổ cho hay: “Các chủ tàu chưa am hiểu về tàu vỏ thép nên việc giám sát đóng mới không hiệu quả. Khi nhận bàn giao chủ tàu chưa hiểu chất lượng tàu đã đạt chưa. Ngư dân cũng chưa phản ánh kịp thời cho địa phương mà chủ yếu phản ánh cơ sở đóng tàu. Trong khi đó, một số cơ sở đóng tàu thiết kế lại nhưng không trao đổi với cơ quan chuyên môn mà chỉ trao đổi với ngư dân. Ngược lại, ngư dân trao đổi cơ sở đóng tàu thì không được tiếp thu nên khi ra khơi tàu gặp trục trặc một số vấn đề liên quan đến thân tàu, vỏ tàu đã ảnh hưởng đến năng suất”.


Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết đã chỉ đạo Công an tỉnh báo cáo Bộ Công an vào cuộc điều tra.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết đã chỉ đạo Công an tỉnh báo cáo Bộ Công an vào cuộc điều tra.

ông Hổ cũng cho rằng, cơ sở đóng tàu thiếu trách nhiệm trong việc bảo hành bảo dưỡng không làm đúng theo hợp đồng với ngư dân. Đặc biệt, Sở NN&PTNT vào xưởng đóng tàu kiểm tra giúp ngư dân thì phía cơ sở đóng tàu lại từ chối.

“Việc thẩm định lại tàu tỉnh sẽ tốn rất nhiều tiền. Vì vậy, sau khi có kết quả, đề nghị cơ sở đóng tàu, nếu máy hư hỏng thì phải thay máy mới chứ không sửa, sơn chưa đúng quy trình phải sơn lại cho đảm bảo, thiết bị hàng hải chưa đảm bảo đề nghị các cơ sở đóng tàu sửa chữa. Đồng thời, phải bồi thường chuyến biển và trách nhiệm trả nợ ngân hàng do lỗi kỹ thuật từ cơ sở đóng tàu gây ra khiến ngư dân nằm bờ”- ông Hổ yêu cầu.

Báo cáo Thủ tướng chậm nhất ngày 30/6

Theo báo cáo của tỉnh Bình Định, tại tỉnh này hiện đang có 18 tàu cá vỏ thép do 2 đơn vị đóng tàu là Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu thực hiện. Đối với 5 tàu cá vỏ thép đóng tại Cty TNHH Đại Nguyên Dương có tình trạng lớp sơn ở vỏ tàu bị bong tróc; làm cho vỏ tàu, mặt boong, cabin, phần van ống bị rỉ sét, hầm bảo quản thoát nước kém, bị thay đổi thiết kế. Trong số 12 con tàu cá do Cty TNHH MTV Nam Triệu đóng có một số tàu bị gỉ sét phần thân, vỏ tàu, hà bám nhiều. Trong đó có 4 tàu bị hư hỏng một số bộ phận của máy chính và máy phát điện, hầm bảo quản bị tiêu đá nhanh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng chậm nhất ngày 30/6
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng chậm nhất ngày 30/6

Ngư dân Trương Hoài Khánh, chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99279 TS, công suất 940 CV, trị giá 18,7 tỷ đồng đóng tại công ty TNHH MTV Nam Triệu nhưng thường xuyên bị hư hỏng phải nằm bờ sửa chữa. Không những vậy gia đình ông còn bị giữ sổ đỏ “làm tin” khiến gia đình không biết đường nào xoay sở.

“Đến với hội nghị lần này, ngư dân chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng cần truy trách nhiệm cơ sở đóng tàu vì sao lại đóng những con tàu nhanh hỏng đến vậy. Tôi cũng đề nghị cơ sở đóng tàu nhanh chóng khắc phục để ngư dân ra khơi. Đồng thời, mong muốn ngân hàng trả lại sổ đỏ cho gia đình tôi”- ông Khánh cho hay.

Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng cho hay: “Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, đây là việc do ngư dân tự nguyện. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ đề nghị ngân hàng thương mại rà soát lại vấn đề trên”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: “Vừa qua, tại Bình Định xuất hiện tàu vỏ thép 67 gặp sự cố vỏ tàu, máy tàu, thiết kế… không đảm bảo hiệu quả đã khiến ngư dân không thể vươn khơi. Sau sự cố, Bộ NN&PTNT đã cử đoàn công tác vào Bình Định và đến cơ sở đóng tàu để nắm tình hình tàu 67 bị hư hỏng. Sau hội nghị này, chậm nhất là ngày 30/6, Bộ NN&PTNT phải báo cáo với Thủ tướng về việc tàu vỏ thép nằm bờ tại Bình Định”.

Tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ ở Bình Định hư hỏng sau khi hạ thủy không lâu
Tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ ở Bình Định hư hỏng sau khi hạ thủy không lâu

Trong khi đó, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Vụ việc vừa qua là sự cố đáng tiếc, đây là sự thiếu trách nhiệm của cơ sở đóng tàu. Tôi đã điện thoại chỉ đạo Công an tỉnh báo cáo Bộ Công an vào cuộc điều tra. Vì nếu để tình hình này diễn ra, thì Nghị định 67 sẽ không có hiệu quả”.

Doãn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm