Vụ Tân Hoàng Minh, "bán chui" cổ phiếu FLC: Không để "sâu làm rầu nồi canh"

Văn Hưng

(Dân trí) - Thủ tướng nhấn mạnh phải giải quyết triệt để những bất cập của thị trường vốn, tránh làm ảnh hưởng đến chủ trương phát triển, huy động vốn trung và dài hạn, đến thị trường trái phiếu, cổ phiếu.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững diễn ra chiều 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ đặt mục tiêu thực hiện giải pháp lành mạnh hóa thị trường, không để một số vụ việc ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, đến việc huy động vốn qua thị trường trái phiếu, cổ phiếu để phát triển kinh tế đất nước.

Thị trường gây bức xúc cho nhà đầu tư

Trước câu hỏi tại sao lại có vụ việc phát hành trái phiếu như Tân Hoàng Minh, tại sao lại có vụ việc thao túng chứng khoán của Chủ tịch Công ty FLC hay Chứng khoán Trí Việt... Thủ tướng nhấn mạnh phải làm quyết liệt, tránh để "con sâu làm rầu nồi canh", làm ảnh hưởng đến việc huy động vốn trung và dài hạn, đến thị trường trái phiếu, cổ phiếu, chủ trương phát triển thị trường vốn.

Về những bất cập của thị trường tài chính, Thủ tướng khái quát tồn tại lớn nhất huy động vốn ngắn hạn nhưng cho vay trung và dài hạn; trong khi đó thị trường vốn (thị trường chứng khoán, trong đó có thị trường trái phiếu) chủ yếu cung ứng vốn trung và dài hạn nhưng chưa phát triển hài hòa, bền vững.

Vốn trung và dài hạn đang dựa chủ yếu vào hệ thống ngân hàng. Điều này tạo sức ép và rủi ro đối với tổ chức tín dụng, trong khi tổ chức tín dụng chủ yếu cung ứng vốn ngắn hạn.

Về việc này, Thủ tướng ví như một người muốn gánh được hàng hóa cần phải để cân xứng hai đầu, nếu lệch sẽ đi chậm, hoặc không đi được, ngân hàng làm sao gánh được phần lớn vốn trung hạn và dài hạn.

Vụ Tân Hoàng Minh, bán chui cổ phiếu FLC: Không để sâu làm rầu nồi canh - 1

Chính phủ quyết tâm cao làm lành mạnh thị trường, bảo vệ nhà đầu tư chân chính, nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thứ hai, thị trường trái phiếu bộc lộ những bất cập, đặc biệt về cơ chế chính sách để bị lợi dụng. Đó là sự thiếu minh bạch thông tin, điều kiện phát hành lỏng lẻo, sử dụng vốn sai mục đích, chuyển nhượng vốn lòng vòng, tỷ lệ an toàn tài chính, tiêu chí đánh giá xếp hạng... của doanh nghiệp phát hành và sự giám sát của cơ quan chủ quản; vẫn còn những khoảng trống pháp lý để quản lý, giám sát thị trường.

Thứ ba, thị trường chứng khoán là kênh quan trọng huy động vốn trung và dài hạn nhưng quy mô còn nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và cũng bộc lộ những hạn chế, gây bức xúc cho nhà đầu tư trong giai đoạn gần đây.

Thứ tư, đối với thị trường tiền tệ, vẫn còn tình trạng sở hữu chéo, tình trạng nợ xấu tiềm ẩn sau đại dịch Covid-19 có thể gia tăng, khó khăn trong thực hiện việc tái cơ cấu và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém. Hiện tượng sử dụng vốn không đúng mục đích vẫn còn tồn tại, đặc biệt là sử dụng vốn vay không đúng mục đích trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán, thậm chí thành lập nhiều công ty sân sau để vay vốn ngân hàng, chuyển vốn lòng vòng.

Ổn định môi trường để nhà đầu tư yên tâm

Về giải pháp, đối với thị trường trái phiếu, Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát lại cơ chế, chính sách, đề xuất sửa đổi để nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Trước mắt, Bộ Tài chính cần phân loại tổng số trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành (số dư đến cuối năm 2020: hơn 1 triệu tỷ đồng, năm 2021 phát hành thêm 605.000 tỷ đồng, quý I: 105.000 tỷ đồng, số dư đến cuối quý I: gần 1,2 triệu tỷ đồng) để có giải pháp tình thế và cụ thể phù hợp để nhanh chóng ổn định thị trường lành mạnh.

Đối với thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính cần khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định bất cập hiện hành, đặc biệt là liên quan đến quy định việc minh bạch thông tin doanh nghiệp, tăng cường các giải pháp chế tài để xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán để bảo vệ nhà đầu tư.

Bộ Tài chính chỉ đạo khắc phục ngay tình trạng nghẽn lệnh và đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ số, khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.

Đối với thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát, củng cố, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý tình trạng tồn tại bất cập liên quan đến vấn đề sở hữu chéo, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát để xử lý tình trạng sử dụng vốn vay không đúng mục đích; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Về xử lý sai phạm, Thủ tướng giao Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành liên quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán và tiền tệ với quyết tâm cao lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có hiệu quả.

"Ai cố tình vi phạm pháp luật thì phải cương quyết xử lý nhưng không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế", Thủ tướng nói.