1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vụ quẹt thẻ mất 700 triệu đồng: Có dấu hiệu lừa đảo?

(Dân trí) - Theo luật sư Nguyễn Minh Hà (Đoàn Luật sư TPHCM), nếu nhân viên của nhà hàng cố tình yêu cầu khách hàng nhập mật khẩu nhiều lần để chuyển tiền đến tài khoản của công ty thì ở đây có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trao đổi với Dân trí, luật sư Nguyễn Lan Phương (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết: “Nếu ông Caracciolo David John khẳng định mình không ký bất cứ giấy tờ gì trong hóa đơn thanh toán thì nhà hàng khó có thể giao dịch được với ngân hàng để lấy tiền. Bên cạnh đó, về pháp lý, động tác quẹt thẻ chỉ có hiệu lực khi chủ thẻ ký nhận đúng với chữ ký đã đăng ký mở tài khoản tại ngân hàng. Chữ ký là giải pháp tránh trường hợp gian lận công nghệ khi máy POS bị treo. Tuy nhiên, có nhiều ngân hàng chỉ yêu cầu nhập mã CODE, nhưng cách này rất không an toàn, vì vậy đa số ngân hàng, nhất là ngân hàng lớn và ngân hàng của nước ngoài đều yêu cầu khách hàng phải có chữ ký khi thanh toán qua thẻ”.

Các giao dịch chuyển tiền trong đêm 11/8 cho công ty kinh doanh nhà hàng N.B
Các giao dịch chuyển tiền trong đêm 11/8 cho công ty kinh doanh nhà hàng N.B

Luật sư Nguyễn Minh Hà (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, để xác định ở đây có dấu hiệu của tội phạm hay chỉ là tranh chấp dân sự thì cần xác định có yếu tố gian dối và chiếm đoạt tài sản trong vụ việc này hay không?

Theo luật sư Hà, nếu nhân viên của nhà hàng cố tình yêu cầu khách hàng nhập mật khẩu nhiều lần để chuyển tiền đến tài khoản của công ty quản lý nhà hàng trên thì ở đây có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS hiện hành.

Còn nếu nhân viên của nhà hàng vì sơ sót nên đã yêu cầu ông Caracciolo David John quẹt thẻ nhiều lần khi nghĩ rằng máy POS bị trục trặc thì đây chỉ là tranh chấp dân sự thông thường. Trong vụ việc này, nếu khách hàng sớm kiểm tra tài khoản của mình thì có thể nhanh chóng liên hệ với nhà hàng để giải quyết.

Còn hiện nay phải chờ kết quả điều tra, giải quyết của cơ quan điều tra về nội dung đơn tố cáo của ông Caracciolo David John.

Tuy nhiên, theo luật sư Hà thì nếu đúng là số tiền của ông Caracciolo David John đã được chuyển vào tài khoản của công ty quản lý nhà hàng N.B thì rõ ràng trách nhiệm giải quyết vụ việc là của công ty này, nhân viên của nhà hàng là người của công ty này nên công ty không thể vô can.

Trước đó, Dân trí đã đưa tin về trường hợp ông Caracciolo David John (54 tuổi, quốc tịch Úc) đi ăn tối tại 1 nhà hàng cùng 1 người bạn, nhân viên nhà hàng dùng thẻ của ông để thanh toán cho buổi tối hết gần 700 triệu đồng.

Theo lá thư ông gửi từ Úc về, ông cho biết sự việc xảy ra vào tối 11/8. Sau 1 buổi tiệc tại bar cùng bạn bè, ông muốn về nhưng người bạn đi cùng chưa muốn về nên cả hai cùng nhau đi vào nhà hàng N.B.

Khi thanh toán tiền sử dụng dịch vụ của nhà hàng bằng thẻ ngân hàng, nhân viên ở đây đã quẹt thẻ nhiều lần bằng hai thẻ ngân hàng của ông, đồng thời yêu cầu ông nhập mật khẩu nhiều lần với lý do có trục trặc trong quá trình thanh toán bằng máy POS của nhà hàng. Ông Caracciolo David John tin tưởng, làm theo yêu cầu của nhân viên nhà hàng. Khi thanh toán xong nhà hàng không giao cho ông bất cứ hóa đơn thanh toán hay biên lai chuyển tiền nào.

Sau khi kết thúc công việc của mình tại Việt Nam, ông Caracciolo David John trở về Úc. Đến lúc nhận được sao kê tài khoản ngân hàng gửi về nhà, ông mới tá hỏa vì phí dịch vụ trong tối 11/8 tại nhà hàng trên lên tới 39.429 AUD, tương đương hơn 683 triệu đồng.

Tiền được trừ trong 8 lần/2 thẻ ngân hàng của ông. “Điều này là phi lý. Tôi và một người bạn không thể nào sử dụng ăn uống trong một buổi tối hết đến 39.429 AUD!”, ông Caracciolo David John bức xúc nêu trong đơn.

Bà Lê Kim Yến cho biết khi nhận được sao kê, ông Caracciolo David John trở lại Việt Nam và ngày 29/9 cùng bà đến nhà hàng N.B nhưng ở địa chỉ này, tên nhà hàng đã thay đổi và nhà hàng đã sang lại cho một người khác.

Diễm My

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm