1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vụ "lót tay" 20.000 USD giấy phép xuất gạo: Chỉ là lời mời của tư vấn

(Dân trí) - Người tiết lộ về vụ việc phải "lót tay" để có giấy phép xuất khẩu gạo cho biết, trong quá trình hoạt động của công ty, một số công ty tư vấn dịch vụ pháp lý đã liên hệ và chào giá dịch vụ làm hồ sơ xin Giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo là khoảng 20.000 USD.


Bộ Công Thương trước đó đã yêu cầu xác minh thông tin xin giấy phép xuất khẩu gạo phải tốn không dưới 20.000 USD.

Bộ Công Thương trước đó đã yêu cầu xác minh thông tin "xin giấy phép xuất khẩu gạo phải tốn không dưới 20.000 USD".

Mới đây, một số báo điện tử có đăng tải ý kiến phát biểu của ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ADC tại Tọa đàm về đề xuất sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo tổ chức chiều 22/2/2017 tại TPHCM.

Theo nội dung đăng tải của một số tờ báo, tại buổi toạ đàm, ông Nam thông tin, mỗi lần xin phép thì tốn mấy chục nghìn USD, không dưới 20.000 USD”, “Lý do là mỗi lần xin là “mấy chục ngàn đô”, rất lãng phí... chủ trì tọa đàm hỏi về chi phí xin giấy phép và được vị đại diện này khẳng định “không dưới 20.000 USD”.

Theo nguồn tin của Dân trí, ngày 25/2, đoàn xác minh của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Nam và công ty ADC về vấn đề này.

Theo một cán bộ thanh tra của Bộ Công Thương, Bộ này đánh giá thông tin này là hết sức nghiêm trọng. Vì vậy, ngay sau khi nhận được thông tin do báo chí phản ảnh, bên cạnh việc chỉ đạo các đơn vị liên quan trong Bộ giải trình, Bộ trưởng Công Thương đã chỉ đạo Thanh tra Bộ thành lập Đoàn xác minh để khẩn trương làm việc với các bên liên quan.

Trả lời các câu hỏi của đoàn xác minh, ông Ngô Văn Nam cho biết, ông có tham gia buổi Tọa đàm chiều 22/2/2017 tại TPHCM với mục đích góp ý cho việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo ông Nam, thời gian gần đây, Bộ Công Thương đã rất tích cực trong việc cải cách thủ tục hành chính và việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 109/2010 như đề xuất của Bộ Công Thương sẽ là cơ hội để giúp các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu gạo giảm được các điều kiện và thủ tục cấp phép không cần thiết.

Ông Nam cho biết ông có phát biểu ý kiến tại buổi Tọa đàm nhưng báo chí đã phản ánh không chính xác ý kiến phát biểu của ông. Ông khẳng định ông và Công ty ADC chưa bao giờ gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo tới Bộ Công Thương và cũng chưa khi nào liên hệ hoặc làm việc với bất kỳ đơn vị/cá nhân nào tại Bộ Công Thương. Ông và Công ty cũng chưa bao giờ đưa tiền cho bất kỳ ai để xin cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo.

Theo ông Nam, trong quá trình hoạt động của Công ty ADC, một số công ty tư vấn dịch vụ pháp lý đã liên hệ và chào giá dịch vụ làm hồ sơ xin Giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo là khoảng 20.000 USD. Ông không nhớ đó là những ai, công ty nào bởi họ không gặp trực tiếp mà chỉ chào mời qua điện thoại. Với tất cả những lời chào mời đó, ông đều từ chối và cũng không tiếp xúc để tìm hiểu thêm.

Nguồn tin của Dân trí cũng cho biết, hiện ông Ngô Văn Nam đã nhờ Đoàn xác minh chuyển hộ văn bản của Công ty ADC gửi Bộ Công Thương giải thích về các nội dung được báo chí đăng tải. Ông khẳng định đã và đang trao đổi lại với một số cơ quan báo chí để đề nghị làm rõ lại các nội dung báo đăng và cho biết sẽ có trách nhiệm giải thích với các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan báo chí về việc đăng tải thông tin không đúng thực tế.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm