Vụ “làm hàng nhái, hành xử lối… giang hồ”: Bao che, thiếu trách nhiệm hay cố tình bỏ lọt?

(Dân trí) - Luật sư Khúc Dương Thọ, Công ty Dương & Partners cho rằng vụ việc hàng nhái của công ty TNHH Tiến Hà quá rõ ràng nhưng tới lúc này Chi cục quản lý thị trường Thanh Hóa vẫn chậm trễ , bao che hoặc thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý vụ việc...

Trước sự thừa nhận sai phạm của công ty TNHH Tiến Hà nhưng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa vẫn chậm trễ trong giải quyết vụ việc, PV Dân trí đã trao đổi với Luật sư Khúc Dương Thọ, Công ty Dương & Partners để hiểu rõ hơn quy trình cũng như trách nhiệm của cơ quan chức năng trong vụ việc này.
 
Sản phẩm nhái của Tiến Hà vẫn tiếp tục lưu hành ngoài thị trường
Sản phẩm nhái của Tiến Hà vẫn tiếp tục lưu hành ngoài thị trường
 
Viện khoa học Sở hữu trí tuệ đã có kết luận dấu hiệu vi phạm kiểu dáng và nhãn hàng hóa của Công ty TNHH Tiến Hà đối với nhãn và kiểu dáng "Salipe và hình" của Công ty Nabo. Kết luận đó đã đủ để coi là căn cứ xử lý vi phạm?

Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, theo quy định là đây là đơn vị có chức năng giám định chuyên môn về sở hữu trí tuệ. Dưới góc độ giám định, nếu đưa ra văn bằng bảo hộ và hai sản phẩm, thì họ sẽ chỉ ra sản phẩm nào mang dấu hiệu vi phạm về sở hữu trí tuệ.
 
Theo quy định pháp luật, kết luận giám định chuyên môn của Viện này được coi là chứng cứ trong việc giải quyết vi phạm sở hữu trí tuệ.
 
Trong những trường hợp như thế này, thông thường, cơ quan nào đóng vai trò chính trong việc tìm hiểu và xử lý?
 
Về mặt luật thì có bốn cơ quan xử lý hành chính về vi phạm về sở hữu trí tuệ đối với trường hợp này, thứ nhất là Thanh tra Sở Khoa học Công nghệ, Quản lý thị trường, Hải quan và Công an.
 
Thanh tra Sở khoa học Công nghệ thì thường xử lý ở các lĩnh vực chung hơn chứ không đi sâu vào các loại vi phạm đã phân thẩm quyền cụ thể cho các đơn vị chuyên môn. Hải quan xử lý các vi phạm trong hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu nên doanh nghiệp chỉ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nội địa không thuộc thẩm quyền. Công an Kinh tế và Quản lý thị trường thì chức năng cũng tương đương nhau. Quản lý thị trường thì sẽ quan tâm tới hàng hóa lưu thông. Công an thì họ quan tâm nhiều hơn tới các vi phạm kinh tế có tính chất phức tạp hơn.
 
Vậy việc xử lý vi phạm cụ thể trong trường hợp làm hàng nhái của công ty Tiến Hà như thế nào?

Chi cục quản lý thị trường của tỉnh Thanh Hóa xử lý vụ việc xảy ra tại Công ty Tiến Hà là đúng thẩm quyền. Thời hạn xử lý khoảng vào thời gian 2 tháng, nhưng trong trường hợp này các chứng cứ rõ ràng thì có thể sớm hơn.
 
Thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tối đa là 20 triệu đồng. Trường hợp mức phạt lớn hơn, Chi cục không thể ra quyết định xử phạt, có thể đề nghị lên Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phát vơi mức phạt cao nhất là 500 triệu đồng.
 
Đối với trường hợp vi phạm của Công ty Tiến Hà, mức xử phạt vi phạm hành chính là 1,2 đến 1,5 lần giá trị hàng vi phạm. Như vậy thì cần xác định hàng phi phạm giá trị về tiền là bao nhiêu rồi nhân lên. Có thể lấy nguồn từ cơ quan thuế khi doanh nghiệp nộp, hoặc thủ công hơn chỉ cần vào kiểm tra kho hàng, sổ sách là có thể xác định được số lượng sản phẩm vi phạm để xử phạt.
 
Nếu cơ quan cấp tỉnh không xử lý, cơ quan nào tương ứng cấp Trung ương sẽ xử lý vi phạm này?
 
Trong trường hợp Chi cục Quản lý thị trường không chịu xử lý việc này, bên bị vi phạm có thể đề nghị Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Cục quản lý thị trường hay Ban chỉ đạo chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại trung ương (Ban chỉ đạo 127) để xem xét và chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc.
 
Khi các chứng cứ vi phạm đã rõ ràng, thì việc chưa xử phạt hoặc chậm trễ trong việc xử phạt thì không phải là vấn đề chuyên môn nữa?
 
Thực tế kết luận giám định đã quá rõ rồi. Nếu doanh nghiệp Tiến Hà đưa được chứng cứ xác định quyền được phép sử dụng nhãn hiệu và kiểu dáng của mình để phản biện lại kết luận giám định của Viện Khoa học trí tuệ thì có thể xem xét lại vấn đề vi phạm của Tiến Hà. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp vi phạm vẫn không đưa ra bất kỳ phản biện nào nào về vụ việc thì có thể hiểu họ đồng ý và công nhận hành vi vi phạm.
 
Về  xử lý vi phạm cũng bộc lộ có nhiều vấn đề của đơn vị chức năng thuộc tỉnh Thanh Hóa. Về vụ việc này, có thể có tính địa phương ở đây, khi doanh nghiệp khác tỉnh khác kiện doanh nghiệp trong tỉnh, tôi có cảm giác cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa vẫn còn chậm chễ , bao che hoặc thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý vụ việc.
 
Về mặt nguyên tắc, thời hạn 10 ngày thì cơ quan chức năng phải có thông báo lại cho biết hồ sơ đang làm gì. Nghĩa là sau 10 ngày thì cơ quan xử lý thông báo lại hồ sơ đã đủ chưa, còn thiếu những gì. Đến nay đã quá thời hạn 10 ngày mà cơ quan chức năng không có bất kỳ thông báo lại cho doanh nghiệp thì có thể hiểu được là họ đang xử lý rồi không?!
 
Đến bây giờ từ khi doanh nghiệp gửi đơn lên tỉnh Thanh Hóa đã hơn 20 ngày mà không có bất kỳ thông báo nào. Đơn giản nhất là sau 10 ngày thì phải thông báo, họ đã thụ lý và nếu  thiếu thủ tục gì thì về nguyên tắc cũng phải thông báo lại. Nhưng cho tới nay tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản hay thông báo chính thức nào.
 
Việc chậm xử lý vi phạm có dẫn tới thiệt hại nào cho người tiêu dùng với trường hợp này?
 
Có thể lấy ví dụ đơn giản thế này, đơn vị vi phạm có hàng trong kho trị giá khoảng 1 tỷ, khi đơn vị quản lý chậm xử lý thì họ tẩu tán đi chỉ còn khoảng 50 triệu trong đấy. Chỉ cần chậm vài ngày thì họ tẩu tán đi hết thì sau này rất khó xử lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của chủ sở hữu thực sự.
 
Và như vậy, thiệt hại của đơn vị vi phạm nếu được xử lý quyết liệt số tiền có thể rất lớn mang tính răn đe cao, trường hợp xử lý chậm thì doanh nghiệp vi phạm có đủ điều kiện thời gian để giảm nhẹ thiệt hại. Và cuối cùng là với số lượng hàng lớn được tẩu tán ra thị trường dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng….
 
Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng vi phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vục sản xuất tại VN?. Việc này sẽ ảnh hưởng thế nào tới quyền lợi người tiêu dùng, cũng như tới nền kinh tế nói chung?
 
Giai đoạn trước 2007, trước khi gia nhập WTO vi phạm sở hữu trí tuệ tại Việt Nam chủ yếu tập trung vi phạm đối với các chủ sở hữu nước ngoài. Sau đó, kinh tế phát triển, các doanh nghiệp cũng để ý tới thương hiệu hơn thì tình trạng vi phạm giữa các doanh nghiệp trong nước tăng lên đáng kể. Vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn đang còn tiếp diễn ngày càng gay gắt hơn.
 
Về bản chất của bảo hộ sở hữu trí tuệ không chỉ bảo hộ cho đơn vị sản xuất, doanh nghiệp mà còn có cả chức năng bảo vệ người tiêu dùng. Chỉ cần lấy ví dụ đơn giản thế này, một bao bì có kiểu dáng (có thể kèm cả các hình ảnh trên đó) luôn tạo cho người tiêu dùng một cái nhìn định hình để phân biệt hàng của đơn vị này với đơn vị khác làm cho người tiêu dùng không nhầm lẫn khi muốn mua hàng của đơn vị A nhưng khi mang về nhà mới nhận ra là hàng của đơn vị B.
 
Suy cho cùng thì sở hữu trí tuệ cái đích sâu xa cuối cùng vẫn là bảo vệ người tiêu dùng tránh cho người tiêu dùng nhầm lẫn sản phẩm, dịch vụ của các đơn vị khác nhau.
 
Cảm ơn Luật sư về cuộc trao đổi.
 
T.Chí