Vụ kiện giữa Vinasun và Grab: Có lý do nào để đình chỉ vụ kiện?
(Dân trí) - Được đưa ra xét xử lần đầu vào ngày 6/2/2018, đến nay vụ kiện đã kéo dài gần 10 tháng với nhiều lần hoãn xử, tạm dừng vì dường như rơi vào… bế tắc! Nhiều luật sư cho rằng, có nhiều lý do để đình chỉ vụ án này.
Vụ Vinasun kiện Grab đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với số tiền hơn 41,2 tỷ đồng là một vụ kiện "đặc biệt" vì hai doanh nghiệp đại diện tiêu biểu cho hai khuynh hướng kinh doanh taxi truyền thống và công nghệ. Được đưa ra xét xử lần đầu vào ngày 6/2/2018, đến nay vụ kiện đã kéo dài gần 10 tháng với nhiều lần hoãn xử, tạm dừng vì dường như rơi vào… bế tắc! Nhiều luật sư cho rằng, có nhiều lý do để đình chỉ vụ án này.
Tưởng rằng những tranh luận gay gắt giữa Vinasun và Grab đã có một cái kết đẹp khi sau phiên tòa ngày 30/11 vừa qua, Vinasun đã chấp thuận lời đề nghị chân thành từ Grab để cùng tìm một giải pháp hòa giải, chấm dứt kiện tụng. Thế nhưng, gần một tháng trôi qua mà không thỏa thuận nào đạt được.
Grab cho biết trong 1 tháng qua đã thảo luận với Vinasun về việc hợp tác, qua đó sẽ tăng hiệu quả tổng thể của ngành vận tải, tạo điều kiện cho tài xế Vinasun tăng hiệu quả hoạt động, mang đến dịch vụ vận tải thông suốt, có chi phí hợp lý và thuận tiện hơn cho tất cả mọi người. Tuy nhiên Vinasun đã từ chối giải pháp Grab đưa ra.
Giải thích về việc này, tại phiên tòa được mở lại sáng 26/12, ông Trương Đình Quý – Phó TGĐ của Vinasun tuyên bố khởi kiện không phải "vì tiền" nên dù Grab có trả hơn 41,2 tỷ đồng theo đơn khởi kiện của Vinasun mà không thừa nhận vi phạm pháp luật trong kinh doanh taxi liên quan Đề án 24 và Nghị định 86 thì Vinasun cũng không chấp nhận.
Như vậy, có thể nói Vinasun khởi kiện không phải là vấn đề bồi thường thiệt hại mà điều Vinasun muốn nhất là qua xét xử gửi đến cơ quan chức năng "thông điệp" phải quản lý Grab như các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng taxi.
Theo dõi vụ kiện giữa Vinasun và Grab, luật sư Hồ Minh Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng tòa án nên đình chỉ vụ kiện này vì 3 lý do. Thứ nhất, Grab tham gia vào thị trường Việt Nam theo sự cho phép của Chính phủ thông qua Đề án 24 về ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng với tư cách là một công ty công nghệ cung cấp nền tảng trực tuyến cho dịch vụ vận tải. Như vậy, việc quản lý và đánh giá xem hoạt động của Grab có vi phạm đề án hay không thuộc thẩm quyền của Chính phủ chứ không phải trong khuôn khổ của phiên tòa này.
"Nếu Vinasun cho rằng Đề án thí điểm này gây ảnh hưởng đến hoạt động của taxi truyền thống thì có thể khiếu nại hoặc khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính. Lúc đó, cơ quan chức năng sẽ xem xét để đi đến quyết định điều chỉnh hoặc sửa đổi phù hợp", luật sư Thanh nói.
Thứ hai, dù Vinasun liên tục đưa ra các cáo buộc Grab gây thiệt hại cho mình hơn 41,2 tỷ đồng nhưng chứng cứ mà Vinasun cung cấp hay kết luận giám định của đơn vị giám định độc lập Cửu Long đưa ra chưa đủ sức thuyết phục.
Thứ ba, đây là một vụ kiện đang được dư luận rất quan tâm vì nếu tuyên án không "thấu tình, đạt lý" sẽ tạo nên "án lệ", có thể sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư hoặc sự phát triển của ứng dụng công nghệ trong các hoạt động kinh doanh khác.
Trong tuyên bố phát đi cuối ngày 26/12, Ông Jerry Lim – Giám đốc Grab tại Việt Nam cũng cho rằng "thật là vô lý khi vụ kiện này cứ kéo dài vô tận". Vụ kiện đã tạm dừng hoặc tạm ngưng nhiều lần với lí do thiếu chứng cứ. Khi Vinasun không có đủ chứng cứ để yêu cầu Grab bồi thường và không cởi mở với một thỏa thuận ôn hòa thì "Tòa án cần phải đình chỉ vụ kiện này ngay lập tức bởi tính phi lí của nó và động cơ rõ ràng của Vinasun là lạm dụng thủ tục tố tụng tư pháp", ông Jerry Lim nhấn mạnh.
Đại diện Grab cũng hy vọng vụ kiện này sớm kết thúc để tất cả các bên có thể tập trung vào đổi mới, sáng tạo và phục vụ cho lợi ích của người dân Việt Nam.
Hải Anh