1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Nghi doanh nghiệp đăng ký "vốn ảo" 6,3 tỷ USD, cơ quan quản lý nói gì?

(Dân trí) - Thông tin về doanh nghiệp đăng ký thành lập tại Hoài Đức, Hà Nội có số vốn gần 6,3 tỷ USD đang gây xôn xao dư luận..., đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã trả lời báo Dân Trí.

Theo một lãnh đạo Cục Quản lý Kinh doanh: Đây là doanh nghiệp đăng ký kinh doanh có nhiều đặc biệt, số vốn bất thường. Vì vậy, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thông báo cho các bên theo quy định.

Nghi doanh nghiệp đăng ký vốn ảo 6,3 tỷ USD, cơ quan quản lý nói gì? - 1

Doanh nghiệp đăng ký vốn khủng tại huyện Hoài Đức, Hà Nội đang được giám sát

"Luật quy định rất rõ quyền và nghĩa vụ doanh nghiệp, quyền là được kê khai thông tin theo nội dung, tổng vốn. Tuy nhiên, luật pháp cũng quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp phải khai đúng, khai đủ, trung thực và góp đủ số vốn trong thời hạn cam kết", lãn đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nói.

Theo vị này, thời hạn cam kết góp đủ vốn theo luật định của doanh nghiệp này là 7/4/2020. Tuy nhiên, doanh nghiệp này còn cam kết góp đủ vốn trước ngày 6/4/2020.

"Nhận thấy đây là trường hợp đặc biệt nên cơ quan đăng ký kinh doanh theo dõi và nếu không đúng thời hạn góp vốn thì chúng tôi sẽ yêu cầu họ báo cáo", vị đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nói.

"Trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước nếu hợp lệ thì cấp cho người ta. Nhưng trường hợp, nếu phát hiện bất thường thì thông báo cho cơ quan liên quan để phối hợp quản lý", ông này cho hay.

"Với trường hợp này, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thấy và ngay từ đó đưa vào diện theo dõi đặc biệt", lãnh đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nói.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh: "Trước đó, khi thấy bất thường về số vốn, Bộ yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội liên hệ đại diện doanh nghiệp hỏi có khai nhầm không? Tuy nhiên, theo báo cáo lại thì họ bảo không khai nhầm. Cơ quan đăng ký kinh doanh thấy ngành nghề họ đăng ký kinh doanh cũng bình thường như bất động sản, môi giới bất động sản, bán buôn bán lẻ... nên đặt vào diện theo dõi vòng ngoài vừa đảm bảo quản lý Nhà nước tốt, nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp".

Vị này cho biết thêm: "Cơ quan đăng ký kinh doanh đã làm các thông báo đến cơ quan thuế, công an, xây dựng, thanh tra để phối hợp quản lý. Chúng tôi không gây khó dễ bởi nếu đúng họ  đăng ký với góp được 6,3 tỷ USD thì quá tốt cho nền kinh tế".

Trước hoài nghi của cộng đồng về doanh nghiệp này là đa cấp bất động sản kiểu Alibaba, lãnh đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng: "Chưa ai khẳng định điều này".

Tuy nhiên, ông này cho rằng: Với trách nhiệm của mình, cơ quan Nhà nước không loại trừ mọi trường hợp. Chính vì vậy, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thông báo cho cơ quan Thuế, cơ quan Thanh tra, cơ quan Xây dựng, Ủy ban nhân dân huyện và các cơ quan có liên quan để phối hợp theo dõi, quản lý"

Trước đó, Cục Đăng ký kinh doanh cho biết trong tháng 1, một doanh nghiệp đã đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 144.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD). Doanh nghiệp này đăng ký hoạt động trong 59 lĩnh vực.

Tên công ty nói trên là Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC, trụ sở tại Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội. Ba cá nhân góp vốn là bà Kim Thị Phương (thường trú huyện Đan Phượng, Hà Nội) góp 43.200 tỷ đồng (chiếm 30% vốn điều lệ); ông Nguyễn Hoàn Sơn (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) góp 57.600 tỷ đồng (chiếm 40%), ông Trần Gia Phong (huyện Đan Phượng, Hà Nội) góp 43.200 tỷ đồng (chiếm 30%).

Nguyễn Tuyền