1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

'Vũ khí' bí mật và cuộc chơi tốc độ cao của đại gia Việt

Hàng loạt các doanh nghiệp Việt vẫn ghi nhận những kết quả kinh doanh tốt trong khoảng thời gian dịch bệnh Covid-19 hoành hành.

CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài vừa công bố kế hoạch kinh doanh tháng 1/2020 với lợi nhuận tăng 22% lên 553 tỷ đồng trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bắt đầu bùng phát.

Cũng trong tháng 1, Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt gần 12,6 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận ròng của doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài có xu hướng tăng lên, ở mức 4,4% so với 4,36% so với tháng 1/2019.

Một điểm đáng chú ý nữa là MWG không có ý định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2020 với mức tăng trưởng lợi nhuận 26%.

Sở dĩ MWG tăng trưởng ấn tượng là nhờ chiến lược sử dụng đòn bẩy tài chính, liên tục mở rộng mạng lưới kinh doanh và sử dụng hiệu quả dòng vốn của mình. Đây là một vũ khí được nhiều doanh nghiệp lớn sử dụng và đang phát triển vũ bão trong thời gian qua. Việc vay nợ nhiều khiến không tí doanh nghiệp lao đao và nó sẽ trở thành con dao 2 lưỡi nếu sử dụng không hiệu quả, hoặc doanh nghiệp không thể sinh lời đủ để bù đắp chi phí tài chính. Tuy nhiên, nó cũng là một đòn bẩy có thể giúp doanh nghiệp tiến xa.

Vũ khí bí mật và cuộc chơi tốc độ cao của đại gia Việt - 1

Thế Giới Di Động ghi nhận kết quả kinh doanh tốt đầu 2020.

Trong năm 2019, MWG ghi nhận doanh thu tăng mạnh từ 87,7 ngàn tỷ đồng năm trước lên hơn 103 ngàn tỷ đồng (4,4 tỷ USD), tương đương mức tăng 18,4%. Còn lợi nhuận sau thuế tăng hơn 33% lên gần 3,84 ngàn tỷ đồng.

Doanh thu và lợi nhuận của MWG trong năm 2019 tăng mạnh chính là nhờ mạng lưới kinh doanh mở rộng dựa trên đòn bẩy tài chính hiệu quả. Trong năm 2019, hệ số sử dụng đòn bẩy tài chính của MWG ở mức 3,4 lần. Vay ngắn hạn chỉ trong năm 2019 tăng từ mức hơn 5,8 ngàn tỷ đồng lên trên 13 ngàn tỷ đồng. Đây cũng là lý do khiến thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của MWG tăng 29,4% lên 8.657 đồng. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 36,3%.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giới đầu tư cũng chứng kiến nhiều doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính hiệu quả và phát triển dữ dội, trở thành những đế chế tại Việt Nam như trường hợp Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, VietJet (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo…

Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có hệ số sử dụng đòn bẩy tài chính cũng khá cao, trên 3 lần trong năm 2019. Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất trên TTCK có lợi nhuận sau thuế đạt trên 1 tỷ USD. Cụ thể trọng 2019, VHM ghi nhận lợi nhuân 24,2 ngàn tỷ đồng, 63,8% so với năm 2018; ROE 37,74%.

Hãng hàng không VietJet của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng ghi nhận tăng trưởng bứt phá trong nhiều năm gần đây với hàng trăm đường bay được mở ở khắp Việt Nam và ra nhiều nước trên thế giới, cùng với nhiều hợp đồng mua hàng trăm máy bay Boeing và Airbus.

Hệ số sử dụng đòn bẩy của VietJet, như nhiều “ông lớn” khác, cũng khá cao, trên 3 lần. Lợi nhuận của VietJet trong 2019 đạt trên 4,2 ngàn tỷ đồng. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt cao gần 29%.

Vũ khí bí mật và cuộc chơi tốc độ cao của đại gia Việt - 2

Nữ tỷ phú Phương Thảo.

Tuy nhiên, hoạt động của VietJet vẫn khá ổn nhờ việc mở nhiều đường bay trong nước và quốc tế. Hoạt động mở rộng trên nhiều thị trường giúp VietJet vẫn đang vận hành khá tốt.

Không chỉ các doanh nghiệp lớn, nhiều doanh vừa và nhỏ cũng ghi nhận hiệu quả kinh doanh rất cao nhờ vào việc sử dụng đòn bẩy tài chính một cách hợp lý. CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) là một ví dụ như thế. Doanh nghiệp này có hệ số sử dụng đòn bẩy tài chính lên tới trên 6 và duy trì được ROE ở mức rất cao, trên 25% trong nhiều năm trở lại đây. Riêng 2016, ROE của doanh nghiệp này lên tới gần 100%, còn 2019 là trên 40%.

Có thể thấy, đòn bẩy tài chính là một công cụ được rất nhiều doanh nghiệp sử dụng. Với nhiều doanh nghiệp, đòn bẩy tài chính có thể trở thành nợ xấu do nợ phải trả ngắn và dài hạn lớn gây áp lực khi doanh nghiệp không sinh lời. Trên thực tế, nhiều ông lớn Việt đã lao đao như trường hợp Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức, hay Thủy sản Hùng Vương (HVG) của ông Dương Ngọc Minh.

Nhưng nhìn chung, đòn bẩy tài chính là công cụ không thể thiếu mà các doanh nghiệp lớn trên thế giới sử dụng để phát triển lớn mạnh thành các đế chế. Một khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, việc sử dụng đòn bẩy tài chính tạo cho công ty cơ hội tạo ra lợi nhuận lớn hơn rất nhiều so với việc chỉ sử dụng vốn chủ sở hữu.

Trên thị trường chứng khoán hiện nay, đa số các doanh nghiệp lớn sử dụng đòn bẩy tài chính lớn và có hiệu quả cao, nhất là các doanh nghiệp trong trong lĩnh vực bất động sản, xây lắp, bán lẻ.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), sáng 3/3 hàng loạt cổ phiếu Việt tăng trở lại sau khi đón nhận thông tin tích cực từ TTCK Mỹ. Nhiều cổ phiếu lớn nhóm ngân hàng, tài chính, công nghệ, dầu khí, bán lẻ và cả hàng không… tăng mạnh.

VietJet (VJC) tăng 700 đồng, BIDV tăng 1.450 đồng/cp….

Theo BVSC, VN-Index được kỳ vọng sẽ xuất hiện nhịp hồi ngắn từ vùng hỗ trợ 875-880 điểm. Chỉ số dự báo sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự 898-905 điểm trong một vài phiên kế tiếp.

Mặc dù vậy, điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng của khối ngoại và nguy cơ lan rộng và kéo dài của đại dịch Covid-19 sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Hoạt động sản xuất kinh doanh và kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp nội cũng đang có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề khi đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và không có dấu hiệu được kiểm soát nhanh chóng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/3, VN-Index tăng 2,24 điểm lên 884,43 điểm; HNX-Index tăng 1,09 điểm lên 110,67 điểm. Upcom-Index tăng 0,13 điểm lên 55,17 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 4,6 ngàn tỷ đồng.

Theo V. Hà

VietnamNet