Vụ khảo sát nước mắm: Kiểm tra Vinastas lộ ra nhiều vi phạm
(Dân trí) - Về kết quả khảo sát nước mắm của Vinatas, Bộ Công Thương khẳng định, kết quả kiểm tra cho thấy việc khảo sát nước mắm của Vinastas là không đảm bảo tính độc lập, tin cậy và minh bạch.
Bộ Công Thương vừa công bố kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas). Được biết, thành phần Đoàn kiểm tra bao gồm đại diện các cơ quan: Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Về kết quả khảo sát nước mắm của Vinatas, Bộ Công Thương khẳng định, kết quả kiểm tra cho thấy việc khảo sát nước mắm của Vinastas là không đảm bảo tính độc lập, tin cậy và minh bạch.
Theo Bộ Công Thương, mặc dù là hoạt động nhân danh Vinastas nhưng khi thực hiện không xây dựng đề án, kế hoạch khảo sát rõ ràng. Khảo sát chủ yếu do Chủ tịch và một số cá nhân thực hiện, nhiều khâu không được các cấp có thẩm quyền của Vinastas phê duyệt và giám sát.
Quá trình lấy (mua) mẫu thiếu tin cậy. Toàn bộ 150 mẫu đã mua không có hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính, chỉ có hóa đơn bán lẻ, hóa đơn bán hàng, bản kê bán hàng của nơi bán (89 mẫu); 61 mẫu chỉ có bảng kê do cán bộ đi mua tự lập.
Bên cạnh đó, còn có sự không thống nhất trong quá trình mã hóa mẫu; một số mẫu không được mã hóa trước khi yêu cầu thử nghiệm. Theo thông tin do Vinastas cung cấp, hoạt động khảo sát được thực hiện dưới sự tài trợ từ tổ chức bên ngoài, vì vậy, cũng không đảm bảo tính độc lập như quy định tại Điều 28, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về công bố thông tin liên quan đến khảo sát nước mắm, tại Thông cáo báo chí ngày 17/10/2016, Vinastas nêu: “Theo quy định QCVN 8-2:2011/BYT, hàm lượng Arsen (Thạch tín) cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0 mg/L. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm Arsen tổng cho thấy có đến 101/150 mẫu khảo sát (chiếm 67,33%) không đạt quy định của QCVN này. Trong đó, hàm lượng Arsen tổng của các mẫu không đạt dao động từ trên 1,0 mg/L đến trên 5 mg/L. Điều đáng chú ý là các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ mẫu có hàm lượng Arsen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng, cụ thể là 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá là hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định”, theo Bộ Công Thương, từ điển bách khoa Việt Nam quyển số 1 Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa (tái bản lần thứ nhất 2007), trang 93 nêu rõ: “Thạch tín hay còn gọi là Nhân ngôn là loại Arsen oxit, rất độc”.
Do đó, Bộ Công Thương kết luận, việc Vinastas đồng nhất khái niệm Arsen nêu tại Quy chuẩn Việt Nam QCVN 8-2:2011/BYT với “thạch tín”, một chất cực độc, đồng thời khẳng định “95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá là hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định” là không đúng, không có cơ sở khoa học và gây nhầm lẫn, hoang mang cho người tiêu dùng.
Đặc biệt, bài “Gần 85% mẫu nước mắm của 88 doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn” trên trang web của Vinastas ngày 18/10/2016 có nội dung “104 (69%) mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu về Arsen (thạch tín) - một loại á kim cực độc” là hoàn toàn không chính xác, không có căn cứ khoa học và pháp lý, gây hoảng loạn và bức xúc trong xã hội.
Việc công bố thông tin sai lệch liên quan đến sản phẩm nước mắm của Vinastas có dấu hiệu vi phạm quy định tại Khoản 12 Điều 5 Luật An toàn thực phẩm: “Đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh”.
Căn cứ kết quả kiểm tra và các đánh giá nêu trên, Bộ Công Thương đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Vinastas cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các nội dung thông tin sai lệch về khảo sát nước mắm gây hoang mang trong dư luận; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý theo Điều lệ các cá nhân liên quan.
Đồng thời, giao Bộ Nội vụ xác minh, làm rõ tư cách pháp lý của Vinastas trong việc tham gia các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tổ chức kiểm tra việc chấp hành Điều lệ đã được Bộ Nội vụ phê duyệt và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời các tồn tại trong quá trình hoạt động của Vinastas. Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương xem xét xử lý các hành vi có dấu hiệu vi phạm của Vinastas theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, kết quả kiểm tra cũng cho thấy, về tư cách pháp lý của Vinastas khi tham gia thực hiện một số hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, theo Bộ Công Thương, cơ quan quản lý Nhà nước về Hội cần phân định rõ tổ chức xã hội và tổ chức xã hội - nghề nghiệp, từ đó có cơ sở xác minh Vinastas có đủ tư cách pháp lý để thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định tại Điều 28 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay không.
Việc thực hiện Điều lệ của Vinastas, kết quả kiểm tra cho thấy trong nhiệm kỳ V (2011-2015), Vinastas đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng một số nội dung được quy định trong Điều lệ. Cụ thể, Vinastas chưa xây dựng Quy chế quản lý và hoạt động của Hội và Quy chế quản lý và sử dụng tài sản theo quy định; Thường trực Hội tồn tại trong suốt nhiệm kỳ V (2011-2015), họp giao ban hàng tuần để triển khai các hoạt động của Hội nhưng không có Quyết định nào của Ban Thường vụ về việc thành lập Thường trực Hội và về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội.
Đáng lưu ý, việc bổ nhiệm chức danh Phó Tổng Thư ký của Hội chưa theo đúng quy định tại Điều lệ. Theo Điều lệ, để trở thành hội viên của Vinastas, tổ chức, cá nhân cần có Đơn xin gia nhập. Ban Thường vụ được giao nhiệm vụ quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền xét vào Hội, ra Hội nhưng trên thực tế, dù đã có hàng chục hội viên, Ban Thường vụ Vinastas vẫn chưa ban hành văn bản nào quy định về vấn đề này. Quy chế chi tiêu nội bộ do Vinastas cung cấp không được xây dựng và ban hành theo đúng quy định của Điều lệ (không có văn bản phê duyệt, không được người có thẩm quyền ký ban hành).
Phương Dung