TPHCM:
Vụ công ty Hào Dương “bức tử” môi trường: Nhẹ tay nên “nhờn thuốc”?
(Dân trí) - Từng bị xử phạt nhiều lần về các lỗi “bức tử” môi trường, vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, đóng bảo hiểm…nhưng công ty Hào Dương vẫn ngang nhiên vi phạm và vi phạm có hệ thống. Nguồn thải độc hại từ doanh nghiệp này đang biến sông Đồng Điền thành dòng sông “chết”.
Sau hơn ba tháng mật phục theo dõi, rạng sáng 24/10, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an cùng các đơn vị chức năng tại TPHCM đã bắt quả tang việc Công ty CP thuộc da Hào Dương (đóng tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TPHCM) đang có hành vi xả chất thải không đạt tiêu chuẩn ra môi trường.
Để thực hiện việc xả chất thải độc hại ra sông Đồng Điền không bị phát hiện, công ty Hào Dương đã bố trí mạng lưới bảo vệ cảnh giới dày đặc nhằm theo dõi, báo động từ hai hàng rào ở ven sông đề phòng ghe, xuồng của cơ quan chức năng bất ngờ kiểm tra.
Do C49 đã nắm bắt được quy trình này nên thời điểm đột kích vào Công ty CP thuộc da Hào Dương (công ty Hào Dương), cảnh sát môi trường đã bắt quả tang một nhóm công nhân của công ty này đang vận hành hệ thống máy bơm xả thải từ khu chứa nước thải chưa qua xử lý ra sông Đồng Điền. Tại hiện trường, có 3 máy bơm công suất lớn đang hoạt động hết công suất, đổ dòng nước đục ngầu, hôi thối nồng nặc từ khu chứa ra thẳng sông.
Một trong số những người trực tiếp vận hành hệ thống xả thải là Trần Văn Xinh (công nhân của công ty Hào Dương), Xinh khai nhận mỗi khi các bể lắng đầy, người điều hành Công ty ra lệnh qua bộ đàm yêu cầu vận hành đường ống xả thải. Mỗi đêm xả từ lúc 22h, xả liên tục trong 3-4 giờ, với lượng nước thải độc hại chưa qua xử lý ước tính khoảng hàng trăm m³/đêm.
Mở rộng điều tra, C49 đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Công ty Hào Dương và công bố quyết định kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về môi trường đối với doanh nghiệp này. Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra hồ sơ tài liệu, sổ sách, chứng từ; kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường như: Các biện pháp bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, hoạt động giám sát môi trường định kỳ, việc quản lý các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại, hệ thống thu gom và xử lý nước thải, khí thải, tiếng ồn…
Tính từ năm 2009 tới nay, Công ty này đã bị xử phạt hành chính về các hành vi liên quan tới vi phạm pháp luật về môi trường ít nhất 9 lần. Lần nặng nhất là vào tháng 8/2012, Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín từng ra quyết định phạt công ty này 340 triệu đồng đối với 4 vi phạm về bảo vệ môi trường, trong đó lỗi bị phạt cao nhất (120 triệu đồng) là lò nấu mỡ vi phạm về xả thải vượt tiêu chuẩn từ 5 lần trở lên.
Gần đây nhất, tháng 10/2013 UBND TPHCM tiếp tục xử phạt Công ty Hào Dương 75 triệu đồng.
Theo Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố (Hepza), toàn bộ đường nước mưa của Hào Dương đổ thẳng ra sông Đồng Điền nên rất khó giám sát việc xả thải của công ty này, đặc biệt khi triều dâng cao, che lấp toàn bộ miệng cống.
Trong buổi làm việc với UBND TP.HCM vào cuối năm 2012, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố từng đề xuất thành lập đoàn thanh tra toàn diện trước quá nhiều sai phạm của Hào Dương. Tuy nhiên, ông Lê Mạnh Hà – Phó chủ tịch UBND TPHCM cho rằng: đã phát hiện quá rõ hành vi vi phạm, của công ty Hào Dương do đó không cần thiết phải lập đoàn thanh tra mà cần xử lý ngay với các sai phạm của công ty này. Cần nhanh chóng tiến hành đình chỉ hoạt động sản xuất của Hào Dương; cưỡng chế, tháo dỡ toàn bộ hệ thống nhà xưởng trong xây dựng trái phép; truy thu phí bảo vệ môi trường, đồng thời đề xuất cụ thể các biện pháp xử lý, xử phạt với những vi phạm khác.
Việc một công ty từng hàng chục lần vi phạm nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra hình thức xử phạt “nặng tay” để răn đe. Số tiền bị phạt quá ít với lợi nhuận mà công ty Hào Dương thu được.
Nguy hiểm hơn, hành vi xả thải “bức tử” sông Đồng Điền từ nhiều năm qua của công ty Hào Dương đã gây ô nhiễm nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân mà còn làm đảo lộn cuộc sống mưu sinh, gây thiệt hại với những người dân mưu sinh bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng xung quanh.
Trước một công ty với hàng chục lần vị xử phạt và đã “nhờn thuốc” như Hào Dương, cần có một biện pháp, chế tài mạnh hơn, đủ sức răn đe, ngăn chặn kịp thời trước khi dòng sông Đồng Điền bị “giết”, biến thành dòng sống “chết” bởi hoá chất độc hại.
Phúc Yên