Vụ Con Cưng: Luật sư nói gì?

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc cắt tem nhãn gắn “mác ngoại” trên sản phẩm quần áo trẻ em xảy ra tại siêu thị của Công ty Cổ phần Con Cưng (Con Cưng), mới đây các cơ quan chức năng đã vào cuộc để làm rõ những khiếu nại của khách hàng.

Trước nay trên thị trường, Con Cưng vốn là một thương hiệu nổi tiếng chuyên kinh doanh các sản phẩm cho trẻ em, phụ nữ có thai. Bởi vậy tuy chưa có kết luận cuối cùng, nhưng sự việc xảy ra đã gây ảnh hưởng không tốt tới lòng tin của người tiêu dùng đối với các doanh nghiệp Việt.

Tem nhãn của bộ quần áo có dấu hiệu bị cắt và thay thế bằng tem nhãn khác.
Tem nhãn của bộ quần áo có dấu hiệu bị cắt và thay thế bằng tem nhãn khác.

Trước sự việc này, luật sư Thùy Dương, Công ty Luật Trương Anh Tú (TAT Law firm) đã có những chia sẻ dưới góc nhìn pháp lý.

Theo luật sư Thùy Dương, trước hết, trong quan hệ với người tiêu dùng, việc Con Cưng kinh doanh sản phẩm có tem mác không rõ ràng, giải thích chưa thỏa đáng là hành vi không trung thực với người tiêu dùng và vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Khoản 2 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định: “Quyền của người tiêu dùng:

2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng”.

Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng nghiêm cấm hành vi lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Việc bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ gây ra những tổn thất cho khách hàng. Điều này đặt ra trách nhiệm đối với việc giao không đúng vật. Việc mua bán giữa khách hàng với Con Cưng thực chất là một hợp đồng mua bán tài sản. Mặc dù không có văn bản nhưng việc mua bán này vẫn phải tuân thủ các quy định về mua bán tài sản theo quy định tại Mục 1, Chương XVI Bộ luật Dân sự, Luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh.

Như vậy, đối với những khách hàng đã mua sản phẩm của Con Cưng không rõ nguồn gốc xuất xứ mà Con Cưng giải thích rằng đây là lô hàng bị lỗi, Con Cưng có trách nhiệm phải đổi/trả sản phẩm đúng như thỏa thuận và bồi thường thiệt hại cho khách hàng.

Xét ở góc độ quản lý nhà nước, hành vi của Con Cưng có thể bị xử lý theo Điểm đ, Khoản 1, Khoản 4 Điều 66 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng, cụ thể:

“ 1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với thương nhân có một trong các hành vi vi phạm về cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng sau đây:

đ) Che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 06 tháng hoặc đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm”.

Bên cạnh đó, dưới góc độ Luật Cạnh tranh, theo điểm a khoản 3 Điều 45 Luật Cạnh tranh, hành vi đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về xuất xứ hàng hóa, người sản xuất, nơi sản xuất, người gia công, nơi gia công,… là hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh.

Bởi vậy, hành vi của Con Cưng có thể bị xử lý theo khoản 2, khoản 3 Điều 33 Nghị định 71/2014/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, cụ thể:

“Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về một trong các nội dung: Giá, số lượng, chất lượng, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, xuất xứ hàng hóa, người sản xuất, nơi sản xuất, người gia công, nơi gia công; cách thức sử dụng, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành; các thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn khác" (Khoản 2 Điều 33 Nghị định 71/2014/NĐ-CP).

Ngoài việc bị phạt tiền, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

Cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra cửa hàng Con Cưng tại 3 địa điểm gồm: số 833-835 Hồng Bàng, Q.6; 78 Tôn Thất Tùng (Q.1); 424 Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3).
Cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra cửa hàng Con Cưng tại 3 địa điểm gồm: số 833-835 Hồng Bàng, Q.6; 78 Tôn Thất Tùng (Q.1); 424 Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3).

Có thể nói, Con Cưng là thương hiệu lớn tại Việt Nam. Những thông tin liên quan đến việc sử dụng hàng không rõ nguồn gốc đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và lòng tin của người tiêu dùng. Đây cũng là một bài học lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam đã, đang và có dự định xây dựng doanh nghiệp thương hiệu Việt Nam.

Hiện tại, các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc thanh kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của Con Cưng và các hệ thống nhà hàng tương tự. Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để việc các doanh nghiệp bán mặt hàng không đúng với nhãn hiệu, nguồn gốc đã đăng ký thì các cơ quan chức năng cần phải tiến hành chức năng kiểm tra, giám sát triệt để, hơn nữa cần phải có thêm sự “khó tính” của người tiêu dùng.

Việc “tẩy chay” hoặc “thiếu tín nhiệm” của người tiêu dùng đối với các mặt hàng sẽ là động lực để cho các doanh nghiệp nói không với việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Công Quang (ghi)

Vụ Con Cưng: Luật sư nói gì? - 3