Vụ Con Cưng cắt tem nhãn gắn “mác ngoại”: Cơ quan chức năng vào cuộc
(Dân trí) - Về vụ việc cắt tem nhãn trên sản phẩm quần áo trẻ em xảy ra tại siêu thị của Công ty Cổ phần Con Cưng (Con Cưng), Cục Phó Cục Quản lý Thị trường, Tổ trưởng Tổ công tác 334 Bộ Công Thương cho biết, đã chỉ đạo Chi Cục Quản lý thị trường TPHCM để làm rõ sự việc nói trên, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm và triệt để.
Cụ thể, ngày 21/7, ông Trần Hùng, Cục Phó Cục Quản lý thị trường, Tổ trưởng Tổ công tác 334 Bộ Công Thương cho biết, Cục đã tiếp nhận thông tin mà báo chí phản ánh về việc thương hiệu Con Cưng cắt tem nhãn, gắn “mác ngoại” vào sản phẩm.
Theo ông Hùng, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo Chi Cục Quản lý thị trường TPHCM để làm rõ sự việc nói trên, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm và triệt để.
Một cán bộ của Chi Cục Quản lý thị trường TPHCM xác nhận, đơn vị này cũng đang thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để làm rõ sự việc xảy ra tại Con Cưng.
Như thông tin đã đưa, khách hàng Trương Đinh Công Vĩnh (ngụ phường 14, quận Tân Bình) đã gửi ý kiến khiếu nại của mình đến nhiều cơ quan, đơn vị về việc sản phẩm của Con Cưng bị lỗi, tem nhãn bị cắt và thay thế bằng tem nhãn CF (Con Cưng Fashion).
Ông Vĩnh cho biết, chiều ngày 22/5, ông đến siêu thị của Con Cưng tại số 788 Âu Cơ (phường 14, quận Tân Bình) để mua hàng với tổng giá trị hóa đơn là gần 1,5 triệu đồng. Trong đó có bộ quần áo thun bé gái dài trị giá 329.000 đồng.
Tuy nhiên, khi ông Vĩnh mang các sản phẩm về nhà đi giặt thì phát hiện bộ quần áo thun có dấu hiệu cắt tem nhãn và thay thế bằng tem nhãn CF có ghi xuất xứ là Made in Thailand. Ông nghi ngờ xuất xứ các sản phẩm của Con Cưng không rõ ràng và gắn mác “ngoại” vào để tăng giá trị sản phẩm.
Ngay sau đó, ông Vĩnh đã mang sản phẩm lỗi đến Con Cưng để làm rõ sự việc. Ban đầu, phía Con Cưng đã thu hồi sản phẩm lỗi của ông Vĩnh và các sản phẩm lỗi đang bán tại cửa hàng. Ngoài ra, phía Con Cưng cũng xác định là sẽ không tiếp tục làm việc với nhà cung cấp phía Thái Lan.
Sau khi Dân trí phản ánh sự việc của Con Cưng thì ông Trần Hùng nhận định, đáng lẽ Con Cưng là thương hiệu có uy tín thì càng cần phải củng cố niềm tin cho người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm. Đằng này, Con Cưng lại kinh doanh kiểu “nhập nhằng” thì rất khó hiểu.
Cũng theo ông Hùng, vụ khăn lụa Khaisilk có xuất xứ Trung Quốc nhưng bị cắt tem nhãn để gắn mác “Made in Vietnam” là bài học đắt giá về việc lừa dối người tiêu dùng. Một thương hiệu gầy dựng nhiều năm như Khaisilk đã bỗng chốc sụp đổ. Người tiêu dùng phẫn nộ, phản ứng và tẩy chay.
Tuy nhiên, về phía Công ty Con Cưng, đại diện Công ty này vẫn khẳng định Công ty này có đủ giấy tờ, hóa đơn để cung cấp cho cơ quan chức năng chứng minh doanh nghiệp này hoàn toàn hợp pháp trong việc nhập khẩu, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không gian lận, lừa dối khách hàng.
Trước tình trạng, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, dược phẩm đang được bán tràn lan với nguồn gốc không rõ ràng thì mới đây, Cục Quản lý thị trường, Tổ công tác 334 Bộ Công thương phối hợp với Chi Cục Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra đồng loạt 58 cơ sở kinh doanh tại TPHCM.
Kết quả kiểm tra cho thấy, có rất nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm với các lỗi chủ yếu như: kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh thuốc chữa bệnh không có hóa đơn chứng từ; lập website bán hàng không thông báo với Bộ Công thương… Lực lượng chức năng đã tạm giữ hơn 128.600 đơn vị sản phẩm các loại với giá trị khoảng 507 triệu đồng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
Đại Việt – Công Quang