1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành: Góc nhìn về hành xử của doanh nghiệp

Hoàng Dung

(Dân trí) - Nguyễn Kim Trung Thái, bố cháu bé 8 tuổi bị bạo hành tử vong, đã bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động trước làn sóng phẫn nộ của cộng đồng.

Gần đây, vụ việc bé gái tử vong nghi vì "mẹ kế" bạo hành đang gây xôn xao dư luận. Mới đây, Công ty ERA Việt Nam - doanh nghiệp (DN), nơi Nguyễn Kim Trung Thái, bố cháu bé công tác đã chấm dứt hợp đồng làm việc với người bố. 

Không ít người cho rằng đây chính là kết quả từ sức mạnh to lớn của cộng đồng mạng khiến DN phải ra văn bản tức thời. Thực tế, trước đây, thị trường cũng từng xuất hiện nhiều vụ việc lùm xùm của những người liên quan đến thương hiệu, doanh nghiệp và sau đó người tiêu dùng, cộng đồng mạng phản ứng khiến thương hiệu, doanh nghiệp ấy phải có động thái xử lý. 

Về câu chuyện của doanh nghiệp liên quan tới 2 nhân vật trong câu chuyện liên quan bé gái 8 tuổi kể trên, một số chuyên gia nhận định, nếu muốn hiểu rõ vấn đề thì phải phân tích, nhìn thấu đáo để hiểu bản chất vì sao DN lại đưa ra những quyết định như thế.

Vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành: Góc nhìn về hành xử của doanh nghiệp  - 1

Thông báo của công ty ERA Vietnam chấm dứt hợp đồng với bố cháu bé từ ngày 28/12 (Ảnh chụp lại màn hình).

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, để phân tích một cách toàn diện, sâu xa thì câu chuyện thương tâm của em bé 8 tuổi không chỉ dừng ở phía cộng đồng mạng mà chính xác là dư luận xã hội.

Trong đó, dư luận xã hội đến từ nhiều phía, cộng đồng mạng chỉ là một phần, còn 3 trụ cột quan trọng chính là báo chí, những người có ảnh hưởng (KOL) và các cơ quan chức năng. Từ đó, 4 luồng này sẽ tổng hợp lại, tạo ra phản ứng mạnh mẽ khiến công ty, nơi bố cháu bé làm việc đã chấm dứt hợp đồng lao động với bố cháu bé.

Nhìn từ góc độ khách quan, ông Long cho rằng, DN chỉ có thể quản lý nhân viên ở mức độ công việc, việc làm liên quan đến công ty. Họ không thể kiểm soát được đời sống bên ngoài hay những sự cố không mong muốn xảy ra bên ngoài của nhân viên.

"Công ty không kiểm soát được hành động của nhân viên bên ngoài công ty nhưng họ kiểm soát được hành động và phản ứng của mình với các sự việc vì đây là quyền của họ", ông nói.

Vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành: Góc nhìn về hành xử của doanh nghiệp  - 2

Chuyên gia cho rằng, DN chỉ có thể quản lý nhân viên ở mức độ công việc, việc làm liên quan đến công ty (Ảnh: T.V.N).

Theo ông Long, có 3 vấn đề tác động đến quyết định và hành động của DN.

Thứ nhất là quy trình về mặt bảo vệ hình ảnh của DN. Hình ảnh của DN không chỉ bao gồm các sản phẩm, dịch vụ mà còn đến từ các cá nhân trong DN. Nếu người lao động tạo ra dư luận xấu, nghĩa là đang gián tiếp làm ảnh hưởng đến mặt hình ảnh của DN.

Thứ hai là văn hóa DN, là tập hợp các giá trị mà họ theo đuổi. Ví dụ, công ty A theo đuổi giá trị là công bằng, công ty B theo đuổi giá trị là nhân văn. Nếu người lao động trong công ty trên không đáp ứng được giá trị đề ra, khả năng cao, họ sẽ bị loại trừ.

Thứ ba là trách nhiệm xã hội của DN. Điều này được thể hiện rõ nét nhất ở các DN lớn, tập đoàn lớn hay tập đoàn đa quốc gia. Bên cạnh việc kinh doanh, đóng thuế đầy đủ thì họ phải thực hiện các trách nhiệm khác như tuân thủ về mặt đạo đức, về mặt luật pháp.

Trong vụ việc bé gái 8 tuổi, nhân viên của công ty ở đây chính là bố cháu bé. Thậm chí, người này còn giữ chức vụ và không phải chức vụ thấp nên khi xảy ra vụ việc, dựa trên 3 thiết chế trên, công ty bố cháu bé làm việc sẽ đưa ra những cách ứng xử phù hợp.  

Theo ông Long, ở câu chuyện này, DN đã có những hành động nhanh, tức thời. Đây cũng là cách họ bảo vệ tài sản của mình, chứ không phải hoàn toàn phụ thuộc vào sức ép dư luận. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ.

"Ở đây, tôi không nói đến sự việc của cháu bé 8 tuổi. Tôi chỉ lấy ví dụ về trường hợp nào đó mà người này đang chịu sức ép từ dư luận nhưng họ không đi ngược lại trách nhiệm xã hội, không đi ngược lại giá trị của DN, văn hóa của DN hay làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu của DN thì DN đó hoàn toàn có thể bỏ qua câu chuyện. Thậm chí, DN sẵn sàng bảo vệ nhân viên đến cùng mặc cho dư luận tẩy chay", ông phân tích.

Còn về phía DN, khi có những sự việc không mong muốn xảy ra, gián tiếp đến từ nhân viên, họ chắc chắn bị ảnh hưởng ít hoặc nhiều. Còn xử lý, khắc phục ra sao sẽ tùy thuộc vào từng công ty, giá trị cốt lõi mà DN theo đuổi.

Đồng quan điểm, chuyên gia Marketing Đỗ Hòa nhận định, quyết định cho bố cháu bé nghỉ việc là quyết định mang tính văn hóa doanh nghiệp. "Điều này không có một công thức chung nào cả. Vì văn hóa của từng dân tộc, từng quốc gia, từng vùng miền là khác nhau. Do đó, DN sẽ tự đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự việc để đưa ra quyết định", ông Hòa nói. 

Thông thường, các công ty lớn sẽ có bộ phận truyền thông, chuyên theo dõi, thăm dò ý kiến bên ngoài. Từ đó, họ sẽ đánh giá cảm nhận của khách hàng, công chúng về sản phẩm, thương hiệu, dịch vụ của DN là tích cực hay tiêu cực. Để từ đó, DN sẽ có cách điều chỉnh hoạt động, cách truyền thông sao cho phù hợp.

Trong một số trường hợp, DN sẽ ứng xử theo kiểu chiều theo ý kiến của số đông, còn số khác thì không chiều theo phía số đông. Điều này sẽ phụ thuộc nhóm khách hàng kia có phải là khách hàng mục tiêu của công ty hay không.

Theo ông Hòa, DN hoạt động theo mô hình B2B (Business-to-Business, tức doanh nghiệp với doanh nghiệp) thì khách của họ là các DN, công ty, tổ chức, nhóm này thường không dễ bị tác động. Trừ khi việc này có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của DN. Đối với DN hoạt động theo mô hình B2C (Business to Customer, tức doanh nghiệp với người tiêu dùng, thường chỉ doanh nghiệp bán lẻ), có mức độ phổ biến lớn, có ảnh hưởng thì bất kỳ yếu tố nào có tác động tiêu cực đến DN, họ sẽ xử lý ngay lập tức.