1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vụ Asanzo: Vẫn phải chờ kết quả cuối cùng vì cơ quan công an đang xử lý

(Dân trí) - Theo ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia,  kết quả cuối cùng xử lý công ty Asanzo được cho là có nhiều dấu hiệu gian lận xuất xứ, gây thiệt hại đến uy tín hàng Việt và có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng vẫn đang phải chờ cơ quan công an xử lý.

Sáng ngày 3/1, tại buổi Họp báo chuyên đề phòng chống gian lận thương mại và hàng giả năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020, lãnh đạo Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, cùng Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ chỉ huy, Bộ đội biên phòng đã trả lời nhiều câu hỏi của báo giới liên quan đến hàng loạt vụ buôn lậu hàng giả, vi phạm nhãn mác, xuất xứ ở Việt Nam thời gian qua.

Vụ Asanzo: Vẫn phải chờ kết quả cuối cùng vì cơ quan công an đang xử lý - 1

Ông Đàm Thanh Thế (thứ 3 từ trái sang) cho biết, vụ Asanzo vẫn đang được cơ quan công an xử lý nên kết quả cuối cùng phải chờ

Nổi cộm nhất là báo chí đặt câu hỏi về kết quả cuối cùng xử lý Asanzo có nhiều dấu hiệu làm giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, lừa dối người tiêu dùng, ông Thế cho rằng: Vụ việc này Chính phủ rất kiên quyết, chỉ đạo các lực lượng chức năng làm đúng luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng. 

“Đến giờ phút này, các báo cáo cơ quan chức năng đã gửi đến Chính phủ và vụ việc đã được chuyển công an điều tra, nghiên cứu chứng cứ tài liệu, đảm bảo đúng pháp luật không bỏ lọt tội phạm và đảm bảo doanh nghiệp chân chính phát triển”, ông Thế nói.

Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 nhấn mạnh: “Chúng tôi đang chờ cơ quan công an xử lý, kết quả sẽ thông báo sau”.

Trước đó ngày 2/1, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban chỉ đạo 389 quốc gia, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan đã nhấn mạnh: Asanzo là vụ việc điển hình của giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Theo đó, người đứng đầu ngành hải quan khẳng định chính sách pháp luật của Việt Nam còn có khoảng trống, thiếu khiến các đối tượng lợi dụng để trục lợi cá nhân. 

“Hàng nước ngoài thành phẩm và bán thành phẩm, bán ra nước ngoài thì được coi là hàng Việt nhưng tiêu thụ trong nước thì không biết gọi là gì, giống như có khai sinh mà không có họ, gây khó khăn trong quản lý, nên đề nghị sớm sửa thông tư", Tổng cục trưởng Cẩn cho biết.

Theo ông Cẩn, hiện nhiều cơ quan có các cách hiểu về pháp luật khác nhau và dẫn đến thực thi khác nhau. 

“Nếu bộ ngành thống nhất cao, quy định pháp luật rõ ràng, vụ Asanzo không đến mức như vậy", ông Cẩn nói.

Ông này đề nghị trong quý I các bộ ngành cần rà soát, nếu là thông tư thì phải ban hành rõ ràng để hướng dẫn thực hiện đúng; nếu là Nghị định, cần thống nhất, sửa đổi, tránh tình trạng khi có vụ việc, hành vi thì cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý đều bối rối.

Thời gian gần đây, nhiều vụ giả nhãn mác hàng Việt Nam bị phát hiện, bóc trần, trong đó có vụ việc nhôm 4 tỷ USD của Trung Quốc do một doanh nghiệp FDI của nước này nhập vào Việt Nam để lấy mác “Made in Vietnam” xuất đi Mỹ. Vụ việc bị cơ quan hải quan, mật vụ Mỹ phát hiện và số hàng nói trên vẫn đang nằm tại Việt Nam.

 Ngoài ra, còn có hai vụ việc liên quan đến hàng may mặc, hàng tiêu dùng như lụa Khaisilk và chuỗi bán lẻ quần áo Seven.AM. Các thương hiệu trên có mặt lâu đời, có chút danh tiếng nhưng đều dính vào việc cắt mác hàng hoá nhập từ Trung Quốc để gắn mác Việt, lừa dối người tiêu dùng. Hiện cơ quan chức năng vẫn đang xử lý các vụ việc nói trên.

An Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm