TPHCM:

Vụ 10 container hàng Trung Quốc nhập lậu: Bắt khẩn cấp 2 cán bộ hải quan

(Dân trí) - Hai cán bộ hải quan làm việc ở bộ phận kiểm hoá và 2 đối tượng chuyên làm “cò” dịch vụ đã bị công an kinh tế bắt giữ vì liên quan đến vụ nhập lậu 10 container hàng Trung Quốc qua cảng.

Chiều 6/6, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam đối với Nguyễn Phước Tường, Bùi Anh Tuấn (đều là cán bộ kiểm hóa cảng Sài Gòn khu vực 3 - VICT), Châu Thành Nhàn và Tạ Quang Trình (người trực tiếp lo thực hiện các dịch vụ, thủ tục để lô hàng thông quan) để điều tra về các hành vi “Thiếu trách nhiệm trong công việc gây hậu quả nghiêm trọng” và “Buôn lậu”.

Liên quan đến vụ án này, công an kinh tế đã thực hiện lệnh khám xét nhà của những đối tượng trên để thu thập chứng cư, làm rõ vụ án.

Số hàng trong 10 container nhập lậu bị kiểm tra tại cảng
Số hàng trong 10 container nhập lậu bị kiểm tra tại cảng

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Theo điều tra ban đầu, vào tháng 12/2013, Đội 2 - Phòng PC46 phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) 2A (Chi cục QLTT TP.HCM) bắt 10 container hàng Trung Quốc nhập khẩu có dấu hiệu gian lận thương mại, không rõ về nguồn gốc đậu trước khu vực cảng VICT (cảng Sài Gòn KV3). Qua kiểm tra, hàng hoá trong 10 container là thiết bị loa, đèn Led, văn phòng phẩm, máy móc ngành dệt may, dụng cụ trang trí phục vụ tết, pháo điện... Đặc biệt nhiều sản phẩm ghi xuất xứ từ Singapore, Thái Lan và thậm chí in sẵn chữ tiếng Việt.

Cả 10 container này được nhập khẩu từ cảng Shekou và Nahsha New Port (Trung Quốc) sau đó được thông quan qua cảng VICT (TP.HCM). Công ty thực hiện nhập khẩu số hàng hóa trên gồm: Công ty TNHH Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt (cư xá Bình Thới, P.8, Q.11) và Công ty TNHH TM-XNK Nhất Minh (Q.6). Hai công ty trên lần lượt do Hồ Sấm Dũng (27 tuổi, ngụ quân Bình Tân) và Trần Thị Thu Sang (tức Sang “lùn”, 25 tuổi, ngụ quận 6) làm giám đốc. Đường dây này đã nhập về cảng Vict (Q.7) 10 container trên nhưng vừa làm thủ tục thông quan thì bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Nhiều mặt hàng không đúng như khai báo trong tờ khai hải quan
Nhiều mặt hàng không đúng như khai báo trong tờ khai hải quan

Trong 10 container có 721 danh mục với trên 6 triệu đơn vị sản phẩm không đúng như khai báo; trong đó nhiều hàng cấm như màn hình vi tính đã qua sử dụng, pháo điện các loại và một số lượng đặc biệt lớn mặt hàng không khai báo như rượu, mỹ phẩm, vải, bàn ghế, đồng hồ…Ngoài hàng những mặt hàng bị phát hiện, lực lượng chức năng tìm thấy 20 thùng hóa chất không nhãn mác, xuất xứ. Hóa chất này gây choáng và ngứa với những người tiếp xúc hoặc đứng gần dù thùng chưa được mở nắp. Số hàng này nằm xem kẽ với nhiều bao bánh kẹo mang nhãn mác Trung Quốc. Tổng số hàng hoá trong 10 container trị giá khoảng 37 tỷ đồng.

Số hàng trên có đến trên 90% không được kê khai trong tờ khai hải quan nhập khẩu. Điều đặc biệt, ngay khi 10 container hàng lậu này bị phát hiện, Hồ Sấm Dũng và Trần Thị Thu Sang đã đột nhiên “mất tích” khỏi nơi cư trú. Từ cuối năm 2013 đến nay, mặc dù PC46 đã nhiều lần gửi giấy triệu tập Sang, Dũng nhưng cả hai không đến làm việc nên đã phát đi thông báo truy tìm.

Lực lượng QLTT kiểm tra hàng trong từng container để phân loại
Lực lượng QLTT kiểm tra hàng trong từng container để phân loại

Quá trình điều tra, PC46 nhận định đây là một đường dây buôn lậu quy mô và liều lĩnh, các đối tượng đã ngang nhiên tập trung một lúc 10 container hàng. Số hàng này có thể được nhiều đầu nậu đặt từ trước, sau đó đường dây này sẽ sang Trung Quốc gom hàng rồi đưa về Việt Nam tiêu thụ.

Cụ thể, Nguyễn Phước Tường đã móc nối các đối tượng khác để thực hiện hành vi buôn lậu. Theo qui định, lô hàng buộc phải kiểm tra 5% số lượng hàng hóa trong container (tương đương khoảng 50 kiện hàng). Tuy nhiên, khi kiểm tra các container hàng hóa số kiện hàng được mở ra chỉ từ 5 -15 kiện hàng.

Trước đó, ngày 7/3, Công an TP HCM đã khởi tố và bắt tạm giam Lâm Lương Quang (38 tuổi), giám đốc Công ty TNHH Hùng Cường đóng tại quận 5. Quang được cơ quan công an xác định là người đứng tên nhận hàng vận tải đơn của hai hãng tàu Yangming, WanHai. Sau khi hàng hóa về cảng, Quang đưa cho Nhàn 10 triệu đồng kèm 10 bộ hồ sơ, cùng nhiều giấy tờ đã ký khống chữ ký của giám đốc 2 Công ty Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt và Nhất Minh để Nhàn đem giấy tờ đến Cảng VICT (quận 7) thực hiện khai báo hải quan.

Dựa trên hồ sơ Quang đưa, Nhàn giao lại cho Trình để làm thủ tục truyền dữ liệu khai báo hải quan điện tử. Ngoài ra, Quang còn cung cấp và chỉ đạo cấp dưới khai báo không đúng về số lượng, chủng loại hàng hóa trên tờ khai container của 2 công ty nhằm thực hiện buôn lậu số lượng và giá trị đặc biệt lớn từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Hiện PC 46 đang mở rộng vụ án để điều tra, làm rõ.

Trung Kiên
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước