1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

VPBank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém, hé lộ phương án

Thảo Thu

(Dân trí) - VPBank cho biết tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của tổ chức này không vượt quá 5% quy mô tương ứng của ngân hàng vào cuối năm 2023 và vốn điều lệ của tổ chức tín dụng không quá 5.000 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã chứng khoán: VPB) mới đây đã công bố tài liệu phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.

Một trong những nội dung đáng chú ý là việc VPBank nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém. Tài liệu tiết lộ sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, tổ chức tín dụng trên sẽ hoạt động dưới hình thức Ngân hàng TNHH MTV do VPBank làm chủ sở hữu.

Tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của tổ chức này không vượt quá 5% quy mô tương ứng của ngân hàng vào cuối năm 2023 và vốn điều lệ của tổ chức tín dụng không quá 5.000 tỷ đồng.

VPBank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém, hé lộ phương án - 1

CEO Nguyễn Đức Vinh, Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng và Phó chủ tịch HĐQT Bùi Hải Quân tại phiên họp thường niên năm ngoái (Ảnh: VPBank).

HĐQT VPBank sẽ có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các công việc cần thiết để nhận chuyển giao bắt buộc, bao gồm: quyết định ngân hàng sẽ nhận theo phê duyệt; quyết định góp vốn điều lệ vào tổ chức tín dụng khi phù hợp và có phê duyệt; quyết định các phương án, biện pháp hỗ trợ… khi nhận chuyển giao; triển khai các công việc liên quan khác.

Năm ngoái, đại hội đồng cổ đông cũng đã thông qua các phương án cơ cấu lại hoặc hỗ trợ tổ chức tín dụng yếu kém. Chủ tịch Ngô Chí Dũng khi đó cho biết VPBank là một trong 4 ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém song vẫn đang trong quá trình nghiên cứu triển khai. Ông không tiết lộ đơn vị sẽ nhận chuyển giao.

Hiện ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu là Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mua bắt buộc là Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank). Trước VPBank, Vietcombank, MB và HDBank cũng đã trình cổ đông phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng.

Năm 2024, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế tăng 114% so với năm 2023, tương đương 23.165 tỷ đồng. Trong đó, riêng ngân hàng mẹ dự kiến đóng góp 20.709 tỷ đồng, Chứng khoán VPBankS góp 1.902 tỷ đồng và Bảo hiểm OPES đóng góp 873 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận.

Công ty tài chính tiêu dùng FE CREDIT cũng được kỳ vọng đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế 1.200 tỷ đồng.