VPBank là "Ngân hàng dẫn đầu về tài chính khí hậu khu vực Đông Á-Thái Bình Dương"

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng vừa được Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC trao giải "Ngân hàng dẫn đầu về Tài chính Khí hậu khu vực Đông Á và Thái Bình Dương 2022", hạng mục "Tổ chức tài chính đạt Mục tiêu Khí hậu cao nhất trong năm tài chính".

"Ngân hàng dẫn đầu về Tài chính Khí hậu" (Climate Financing Leadership) là giải thưởng danh giá được IFC tổ chức hàng năm, bắt đầu từ năm 2021, dành cho các tổ chức tài chính tham gia thúc đẩy tài chính xanh và báo cáo minh bạch dữ liệu khoản vay xanh thông qua công cụ đánh giá khí hậu cho các tổ chức tài chính (CAFI) do IFC phát triển. 

Trong năm tài chính vừa qua, có 94 tổ chức tài chính trên thế giới đã được IFC đánh giá, trong đó có 13 ngân hàng giành được giải thưởng ở các hạng mục khác nhau cho các khu vực địa lý khác nhau. VPBank là ngân hàng duy nhất tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương giành được giải thưởng này cho hạng mục Tổ chức tài chính đạt được Mục tiêu Khí hậu cao nhất trong năm tài chính (Highest achievement of climate targets in a fiscal year).

VPBank là Ngân hàng dẫn đầu về tài chính khí hậu khu vực Đông Á-Thái Bình Dương - 1

Bà Kim-See Lim, Giám đốc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của IFC, trao tặng giải thưởng cho VPBank.

Phát biểu tại lễ trao giải, đại diện VPBank cho biết, tại Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Chính Phủ Việt Nam đã tuyên bố cam kết cắt giảm 30% lượng khí thải metan vào năm 2030 và đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050 để giảm tác động của biến đổi khí hậu. Trong vai trò đồng hành cùng với Chính phủ, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục là trung tâm của mọi hành động xoay quanh chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy các hoạt động phát triển bền vững. 

"Giải thưởng vinh danh ngân hàng dẫn đầu về tài chính khí hậu trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương năm 2022 được trao bởi tổ chức quốc tế lớn như IFC đã đánh dấu một bước tiến quan trọng của VPBank trong việc cụ thể hóa chiến lược dài hạn về phát triển bền vững của ngân hàng. Trong thời gian tới, VPBank sẽ tập trung các nguồn lực để thúc đẩy đồng bộ các giải pháp tài chính xanh, tài chính xã hội nhằm góp phần đạt được các mục tiêu về khí hậu và bền vững tại Việt Nam", đại diện ngân hàng cho biết. 

Đại diện IFC khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cũng nhấn mạnh, IFC ghi nhận những đóng góp tích cực của VPBank trong nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đại diện IFC chia sẻ: "Các tổ chức tài chính là khách hàng của IFC đang dịch chuyển nhanh chóng để làm cho danh mục đầu tư của họ xanh hơn và IFC ghi nhận thành tích của những tổ chức tài chính này thông qua giải thưởng tài chính khí hậu được trao hàng năm. Chúng tôi cũng hy vọng, giải thưởng sẽ góp phần thúc đẩy các tổ chức tài chính khác nỗ lực hơn nữa để đảo ngược tác hại tiêu động của biến đổi khí hậu và đảm bảo một ngày mai tốt đẹp hơn".

Tài chính khí hậu là kênh tài chính mà các nước phát triển sử dụng để đầu tư, tài trợ cho các dự án phát triển bền vững, hỗ trợ ứng phó, giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển, mới nổi. Nguồn tài trợ này có thể được ủy thác qua các tổ chức phi chính phủ, chính phủ hoặc đầu tư tư nhân.

Năm 2020, VPBank áp dụng tiêu chuẩn quốc tế toàn diện về tài chính xanh/tài chính khí hậu theo nguyên tắc cho vay xanh (Green Loan Principles 2020) do Hiệp hội Thị trường tín dụng (Loan Market Association) ban hành. Thông qua Khung chính sách Tài chính xanh (VPBank's Green Finance Framework), VPBank đã huy động thành công tổng cộng 262,5 triệu USD từ IFC và Công ty Tài chính Proparco thuộc Cơ quan Phát triển Pháp và các nhà đồng tài trợ quốc tế khác. Nguồn vốn xanh này được VPBank hỗ trợ cho các khách hàng thuộc các lĩnh vực giảm nhẹ biến đối khí hậu, bao gồm năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, quản lý nước bền vững, kinh tế tuần hoàn, giao thông bền vững, công trình xanh, nông - lâm nghiệp bền vững…, và thuộc các lĩnh vực tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu. 

"VPBank đặt mục tiêu huy động tối thiểu 1 tỷ USD tài chính bền vững vào năm 2030 để hỗ trợ các nỗ lực chuyển đổi của khách hàng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu", đại diện ngân hàng chia sẻ thêm.