Vớt vát, mũ bảo hiểm “rởm” xả hàng, đại hạ giá
(Dân trí) - Hàng ngàn chiếc mũ bảo hiểm rởm, nón thời trang, nón nhựa có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm được bày bán tràn lan trên hè phố đang được các chủ sạp bán “xả hàng”, "đại hạ giá" để vớt vát vốn.
Sau đợt “tổng tấn công” kiểm tra các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm trên địa bàn thành phố của lực lượng Quản lí thị trường diễn ra vào ngày 7/3, khá nhiều điểm vi phạm đã được phát hiện, xử lí. Hàng ngàn chiếc mũ bảo hiểm không đạt chất lượng, không rõ nguồn gốc…và nhiều loại mũ nhựa, mũ thời trang giống mũ bảo hiểm cũng được thu giữ. Thông tin về đợt “tổng kiểm tra” và những quy định về mũ bảo hiểm cũng được giới truyền thông tuyên truyền rộng rãi.
Để “đẩy” số hàng mũ bảo hiểm, mũ thời trang đã lấy về, nhiều điểm bán đã “đại hạ giá” nhằm lôi kéo người mua và vớt vát vốn đã bỏ ra. Trước đây, một chiếc mũ bảo hiểm rởm, mũ thời trang, nón nhựa có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm được “thổi” với giá từ 40.000 – 70.000 đồng thì nay chỉ còn từ 20.000 – 40.000 đồng. Thậm chí có những loại giảm giá chỉ còn 15.000 đồng.
Khảo sát tại khu vực vùng ven, việc mua bán các loại mũ bảo hiểm rởm diễn ra tấp nập hơn. Tại nhiều sạp bán các loại mũ, nón ngay chân cầu Tham Lương (phường 15, quận Tân Bình) và một số điểm khác năm trên đường Trường Chinh hướng về quận 12, vẫn có người hỏi mua những loại nón thời trang, nón nhựa có kiểu giáng giống như nón bảo hiểm nhưng chỉ có 2 lớp. Lớp vỏ nhựa mỏng như “vỏ trứng” và một lớp múp phủ sơ xài dán bên trong.
Hầu hết những người bán hàng tại khu vực này đều biết những loại mũ họ bán không đạt chất lượng nhưng vẫn cố chèo kéo, quảng bá để “tống” được hàng đi. Chính những chủ hàng này đã nhắm tới việc người mua chưa biết các quy định hoặc chưa thể phân biệt được đâu là mũ bảo hiểm thật, giả, đâu là mũ thời trang, mũ nhựa không được coi là mũ bảo hiểm. Quan sát thực tế, những khách vào chọn lựa các mặt hàng tại nhiều sạp bán trên vỉa hè đều là dân lao động nghèo.
Ông Trần Văn Minh (58 tuổi, ngụ quận 12) cho biết: “Do tôi làm phụ hồ nên phải đi theo các công trình, gần như tuần nào cũng bị mất mũ bảo hiểm. Mua loại mũ nào rẻ rẻ nếu có mất cũng không tiếc”. Quan sát chiếc mũ ông Minh lựa mua với giá 30.000 đồng thì đó chỉ là chiếc mũ nhựa đơn giản.
Dọc tuyến quốc lộ 1A, từ quận Thủ Đức kéo dài đến khu vực vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân), đường Quang Trung (quận Gò Vấp), quốc lộ 22…có hàng chục sạp bán mũ bảo hiểm rởm như vậy. Khi được hỏi, hầu hết người mua đều không nắm rõ các quy định về chiếc mũ bảo hiểm đúng chuẩn mực.
Để người dân có thể nhận biết và hiểu đúng về mũ bảo hiểm cũng như công dụng của nó trong việc đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông; Từ ngày 14/3 đến 17/3, Chi cục Quản lý chất lượng hàng hóa miền Nam sẽ phối hợp với Sở Công thương TP HCM tổ chức các buổi tuyên truyền cho người dân về mũ bảo hiểm tại khu vực Nhà văn hóa Thanh Niên (quận 3).
Trong buổi tuyên truyền này, sẽ có các buổi hội thảo về mũ bảo hiểm, gian hàng trưng bày phân biệt mũ thật mũ giả, phát tờ rơi...cũng như các hoạt động tuyên truyền khác được tổ chức nhắm đến việc nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng mũ bảo hiểm.
Liên quan đến các đợt ra quận kiểm tra mũ bảo hiểm trên địa bàn thành phố, Chi cục Quản lí thị trường TP.HCM đã phát hiện 128 vụ vi phạm về kinh doanh mũ bảo hiểm dỏm, tạm giữ hơn 11.600 mũ bảo hiểm rởm. Các vi phạm chủ yếu là mũ không có tem hợp quy, không có nhãn hàng hóa, hàng có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn, trong đó, hàng Trung Quốc và Đài Loan có khoảng hơn 1.800 cái.
Trung Kiên