Vòng vo giá điện

Trước bức xúc của dư luận về việc EVN đưa chi phí xây dựng biệt thự, sân tennis, hồ bơi... vào giá thành điện, tập đoàn này cho rằng đã giải trình nhiều lần việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn song không được Thanh tra Chính phủ chấp nhận.

Trong văn bản gửi Báo Người Lao Động tối 8/10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết việc giao chỉ tiêu lỗ cho các công ty con chỉ là để cho các đơn vị phấn đấu giảm lỗ so với kế hoạch.

 

Không đồng tình với kết luận thanh tra

 

Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ: Đến hết năm 2011, công ty mẹ EVN đang đầu tư vốn vào các công ty con, công ty liên kết, đầu tư mua trái phiếu và cho 23 đơn vị thành viên vay vốn tổng cộng hơn 121.790 tỉ đồng.

 

Tuy nhiên, theo EVN, việc đầu tư vào các công ty con đều thuộc lĩnh vực sản xuất - kinh doanh điện nên tập đoàn chỉ đầu tư ngoài ngành 2.107 tỉ đồng (chiếm tỉ lệ 2,7% trên vốn điều lệ).

 

Riêng việc đầu tư ngoài ngành, EVN cho biết trước đây, khi thành lập EVN theo Điều lệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tập đoàn được hoạt động đa ngành, đa nghề. Sau đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thoái vốn đầu tư ngoài ngành, EVN đã có văn bản báo cáo Bộ Công Thương và đang cố gắng đến năm 2015 hoàn thành việc thoái vốn này.
 
Vòng vo giá điện

 

Tuy nhiên, tại kết luận tranh tra trước đó, Thanh tra Chính phủ khẳng định EVN đã đầu tư ngoài ngành trên 121.790 tỉ đồng trong khi vốn điều lệ của công ty mẹ EVN chỉ hơn 76.742 tỉ đồng. Việc EVN đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ trên 45.048 tỉ đồng là chưa thực hiện đúng quy định của Bộ Tài chính.

 

Theo Thanh tra Chính phủ, khoản thua lỗ từ việc đầu tư ngoài ngành của EVN tập trung tại 7 công ty 100% vốn của EVN với tổng số lỗ trên 3.648 tỉ đồng.

 

Trước thắc mắc về việc EVN chỉ đạo lỗ để hợp thức hóa khoản lỗ của mình nên mới có tình trạng các đơn vị lỗ tràn lan, tập đoàn này giải thích là do năm 2010-2011, EVN gặp rất nhiều khó khăn như nhu cầu phụ tải tăng cao trong khi nắng hạn thiếu nước, phải huy động lượng dầu rất lớn để phát điện nên 2 năm liên tiếp lỗ tổng cộng 12.000 tỉ đồng. Năm 2011, do khó khăn nên EVN đã giao chỉ tiêu lỗ cho các đơn vị để các đơn vị phấn đấu giảm lỗ so với lỗ kế hoạch.

 

EVN xem nhẹ trách nhiệm xã hội

 

Về việc tính chi phí xây dựng nhà công vụ, biệt thự đơn lập, sân tennis, bể bơi… vào giá điện, EVN cho rằng đối với nguồn vốn đầu tư khu chung cư, nhà công vụ phục vụ vận hành, công trình thể thao, EVN đã sử dụng nguồn vốn đầu tư từ khấu hao, lợi nhuận sau thuế hoặc vay ngân hàng và hạch toán riêng không đưa vào giá thành bán điện.

 

Ngược lại, các đơn vị trong EVN thực hiện thu tiền thuê nhà và các dịch vụ theo quy định để hoàn vốn đầu tư, không hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện. EVN cũng giải thích việc xây dựng các hạng mục công trình này đều được các cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, cấp phép.

 

Tuy nhiên, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong quá trình đầu tư các dự án nguồn điện, EVN đã đưa vào nhiều khoản chi phí vô lý để tính vào giá bán điện. Cụ thể, qua tổng hợp chi phí 6 dự án nguồn điện của EVN cho thấy giá trị đầu tư của dự án sử dụng hơn 355.000 m2 đất để xây dựng nhà ở cho CB-CNV gồm nhà biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, sân tennis, bể bơi… với tổng giá trị gần 600 tỉ đồng.

 

Toàn bộ chi phí cho việc xây dựng này đã được Bộ Công Thương và EVN thống nhất đưa vào khoản mục “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa” nằm trong tổng mức đầu tư của các dự án nguồn điện và tính vào trong giá điện.

 

Bình luận về những hoạt động xây dựng nói trên của EVN, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng việc làm của EVN là coi thường trách nhiệm xã hội của mình.

 

“Trách nhiệm của EVN là phải tiết kiệm triệt để mọi chi phí để không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như hạch toán giá điện, việc xây dựng nhiều công trình như thanh tra chỉ ra là biểu hiện của sự lãng phí” - ông Phong nói.

 

Theo Thế Kha - Phương Nhung

NLĐ